Dịch qua, người dân miền Trung phải oằn mình với lũ, chịu biết bao thiệt hại. Mấy hôm thấy trời hửng nắng, nước rút dần ai cũng mừng thầm, mà niềm vui chưa bao lâu thì giờ nhận tin bão chồng bão. Trong khi bão số 9 này được dự báo cực lớn, nhận định là cơn bão nguy hiểm, khả năng mạnh nhất năm nay. Thật sự người dân cả nước biết tin mà xót thương cho người dân miền Trung quá, cũng chỉ biết cầu mong bà con đều bình an vô sự.

Theo Tuổi Trẻ Online đưa tin, các nhận định quốc tế đánh giá bão số 9 di chuyển nhanh, cường độ mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, gió mạnh bao trùm khắp Biển Đông. 

Ông Mai Văn Khiêm - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết: "Các dự báo quốc tế đều nhận định bão mạnh nhất khi trên Biển Đông, mạnh cấp 13-14 và vào trong gần bờ đạt cấp 12. Đối với dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dựa trên 52 mô hình tính toán, phân tích, dự báo bão sẽ hướng vào khu vực Trung và Nam Trung Bộ"

hình ảnh

Ảnh chụp màn hình trang Tuổi Trẻ Online. 

Theo ông Khiêm, từ hôm nay (27-10) trên các vùng biển ven bờ các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ bắt đầu có gió mạnh do bão gây ra. Từ đêm nay và ngày 28-10, trên đất liền sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng trực tiếp gió mạnh của bão, vùng gần tâm bão gió cấp 10, giật cấp 12. Ven biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi nước dâng cao tới 1m, nguy cơ ngập lụt khu vực ven biển rất lớn.

Dự báo, từ đêm 27 đến sáng 29-10, ở khu vực Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa 200 - 400mm, riêng Quảng Nam có nơi trên 500mm, ở Bắc Tây Nguyên có mưa 100 - 200mm. Từ ngày 28 đến 31-10, ở Quảng Trị đến Nghệ An có mưa kéo dài do hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh. Lượng mưa phổ biến 200 - 400mm. Riêng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa đặc biệt to 500 - 700mm.

Do mưa lớn nên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ mới. Mực nước trên nhiều sông lên báo động 2-3, có nơi trên báo động 3. Đặc biệt nguy cơ rất cao sạt lở đất, lũ quét, ở vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên và nguy cơ xảy ra sự cố tại các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu tại khu vực này. Các tỉnh Trung Bộ có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt.

hình ảnh

Ảnh minh họa - nguồn internet

Vậy nên, điều cần nhất lúc này là mỗi người dân cần theo dõi dự báo thời tiết, chủ động phòng chống bão để đảm bảo an toàn bản thân và giảm tối đa thiệt hại về tài sản. Đặc biệt lưu ý các nhà cấp 4 đã bị ngâm nước trong đợt lũ vừa qua ở Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị tường đã yếu, người dân không nên ở trong ngôi nhà có tường yếu vì gió cấp 11 trở lên có nguy cơ bị đổ. Các tường rào ở quanh nhà nếu để ý có thể dùng các cây để chống bị đổ, đỡ mất tiền xây lại tốn kém.

- Khi bão đổ bộ, người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà.

- Những khu vực ở ven biển hoặc ven sông thường sẽ phải di tản khi có bão lớn, nên nếu người dân nào nằm trong vùng này thì nên sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. 

- Còn trong trường hợp không sơ tán thì người dân cũng không nên chủ quan, thay vào đó là phải gia cố nhà cửa. Trước tiên là phần mái nhà, phải kiểm tra kết cấu mái có đủ khả năng chịu lực hay không trước khi tiến hành gia cố. Nếu đủ thì dùng túi cát đặt riêng lẻ lên mỗi mép tiếp giáp của các tấm lợp để tăng trọng lượng cho mái hoặc hoặc dùng thanh chặn bằng tre, gỗ cố định lên trên mái, tránh tốc mái khi gió bão đến. 

- Việc tích trữ thực phẩm từ 3-5 ngày khi nghe tin bão đến cũng là điều rất cần thiết, vì lúc này chợ, siêu thị có thể sẽ đóng cửa. Vậy nên, ban cần mua thực phẩm không dễ hỏng để sẵn, chẳng hạn như đồ hộp và đừng quên mua 20 lít nước cho mỗi người trong nhà là đủ dùng trong 3-5 ngày.

- Ngoài nước và thực phẩm, người dân cũng cần chuẩn bị thêm đèn pin phòng khi mưa bão cúp điện, thuốc men, bộ sơ cứu y tế…

- Nếu có việc cần thiết đang chạy xe ngoài đường, thấy mưa gió quật thì người dân nên tìm chỗ trú, lưu ý không đỗ xe dưới tán cây to. 

- Thường khi bão đến, tàu thuyền bị đánh chìm và hư hỏng rất nhiều nên ngư dân nên ngư dân cũng cần đặc biệt lưu ý để bảo vệ tính mạng và tài sản bằng cách tìm vào trong các âu thuyền có gió ít khuất gió và thậm chí đưa vào trong sông để tránh bão.

- Bên cạnh việc người dân tự phòng chống thì cũng rất cần chính quyền địa phương hỗ trợ chống bão, cụ thể các địa phương cần cung cấp đường dây nóng từ bây giờ để hỗ trợ sơ tán. Nhóm người già, neo đơn, phụ nữ đơn thân, gia đình không có đàn ông trong độ tuổi lao động trong cũng cần được hàng xóm, chính quyền địa phương lưu ý trong sơ tán cũng như trong hỗ trợ nhu yếu phẩm phục hồi trong thiên tai.

- Các địa phương cũng nên kêu gọi các đội tình nguyện chuyên nghiệp hỗ trợ ứng cứu và sơ tán người dân từ lúc này. Không đợi khi xong bão mới cứu trợ. Một đồng, một sức cứu trợ lúc này sẽ có giá trị lớn hơn 7 đồng, 7 sức khi khắc phục hậu quả.

Nguồn: thông tin tổng hợp