Nhỏ bạn thân mình chuẩn bị lấy chồng thôi đó, mà các mẹ coi nó tính xa không, nó hỏi mình đóng bảo hiểm bao lâu để hưởng chế độ thai sản.
>>> Mẹ nghỉ việc phải tự làm thủ tục hưởng tiền thai sản: Giấy tờ đơn giản, 3 ngày là có tiền
Nói gì thì nói, mình vẫn ủng hộ cái kiểu tính xa thế này, đóng bảo hiểm bao lâu để hưởng chế độ thai sản, để còn biết đường tính toán, sắp xếp công việc và đặc biệt là hưởng tiền chế độ thai sản nữa.
Đóng bảo hiểm bao lâu để hưởng chế độ thai sản được quy định tại Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, cụ thể, người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Lao động nữ mang thai.
- Lao động nữ sinh con.
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay và SGGP
Đối với trường hợp lao động nữ sinh con, mang thai hộ, nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Riêng với trường hợp lao động nữ sinh con, nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ tại cơ sở y tế có thẩm quyền thì chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà tiền hưởng chế độ thai sản khác nhau.
Sẵn đây, mình chia sẻ cách tính tiền hưởng chế độ thai sản của 3 trường hợp phổ biến là lao động nữ mang thai, sinh con và lao động nam đang đóng bảo hiểm có vợ sinh con.
* Đối với lao động nữ mang thai
Về trường hợp này, Luật không quy định điều kiện thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, cho nên chỉ cần có tham gia bảo hiểm xã hội là được hưởng chế độ.
Theo đó, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày. Nếu ở xa nơi khám chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì mỗi lần được nghỉ 02 ngày.
Mức hưởng chế độ thai sản khi đi khám thai được tính bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ này, chia cho 24 ngày.
Nếu đã đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì tính bình quân của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội. Và thời gian nghỉ việc hưởng chế độ này tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Ảnh minh họa. Nguồn: VOH
* Đối với lao động nữ sinh con
Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Nếu sinh đôi trở lên thì cứ thêm 01 con được tính nghỉ thêm 01 tháng.
Lưu ý, lao động nữ được quyền nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng, nhưng tổng thời gian nghỉ phải theo điều kiện trên.
Mức hưởng chế độ thai sản 01 tháng được tính bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc. Nếu nghỉ 06 tháng thì cứ thế nhân lên.
Ngoài tiền hưởng chế độ thai sản thì khi sinh con, lao động nữ còn được nhận tiền trợ cấp một lần cho mỗi con, tính bằng 2,98 triệu đồng, tương đương 02 lần mức lương cơ sở ở thời điểm hiện tại.
* Đối với lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con
Tương tự như trường hợp lao động nữ mang thai, cứ mỗi ngày nghỉ việc hưởng chế độ này được tính bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ này, chia cho 24 ngày.
Nếu đã đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì tính bình quân của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội. Và thời gian nghỉ việc hưởng chế độ này tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Phụ thuộc vào vợ sinh con như thế nào mà chồng được nghỉ hưởng chế độ này như sau:
- Nếu vợ sinh thường, được nghỉ 05 ngày làm việc.
- Nếu vợ sinh mổ hoặc sinh non (con dưới 32 tuần tuổi), được nghỉ 07 ngày làm việc.
- Nếu vợ sinh đôi, được nghỉ 10 ngày làm việc, còn sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc.
- Nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải mổ thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Chú ý, ngoài được hưởng tiền chế độ này, nếu vợ không đóng bảo hiểm xã hội thì lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con còn được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con là 2,98 triệu đồng, tương đương 02 lần mức lương cơ sở ở thời điểm hiện tại.
Đã nắm rõ đóng bảo hiểm bao lâu để hưởng chế độ thai sản cùng các quyền lợi thai sản, mẹ có ý định sinh con hãy lên kế hoạch trước, vừa sắp xếp được công việc, vừa được hưởng quyền lợi, thuận tiện đôi đường.
Tổng hợp