Đi lại ngoài đường bây giờ thấy sợ quá các mẹ à, ngày nào cũng nghe tin không tai nạn giao thông ở đây thì cũng tai nạn ở kia.
>>> Tai nạn 8 người mất ở Bình Thuận mới rà soát lắp dải phân cách: Đừng mất bò mới lo làm chuồng
Hôm qua đọc báo Giao thông mà thấy xót ghê các mẹ. Chuyện là vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày hôm qua, 22/7/2020, trên đường 30/4, phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, một chiếc xe máy mang biển số tỉnh Trà Vinh do chị Nguyễn Thị Bé Hai, sinh năm 1986 lái, phía sau chở theo con trai 5 tuổi, đang theo hướng Quốc lộ 13 đến cảng Bà Lụa. Đến đoạn trước Sân vận động Gò Đậu thì không may trượt ngã ra đường.
Ảnh chụp báo Giao thông
Đúng lúc này, xe chở rác mang biển kiểm soát tỉnh Bình Dương, hiện chưa xác định được tài xế, đang chạy cùng chiều phía sau tới, không kịp xử lý đã cán qua người chị Hai khiến chị này tử vong tại chỗ. Đứa con trai 5 tuổi của chị bị thương nặng, đã được người dân gần đó đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Khi xảy ra va chạm xong thì chiếc xe chở rác không dừng lại mà tiếp tục chạy nên bị người dân đuổi theo yêu cầu tài xế dừng xe. Mãi cho tới khi chạy được thêm gần 500 m, cách vị trí nơi xảy ra tai nạn, xe này mới dừng lại.
Ngay khi nhận tin, lực lượng chức năng TP. Thủ Dầu Một đã có mặt tại hiện trường điều tiết giao thông và điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Tội nhất là chị Hai mới vừa sinh đứa con thứ 2 khoảng 3 tháng, đang trong thời gian nghỉ thai sản, thì chiều đón con về, đang trên đường về gặp tai nạn.
Câu hỏi đặt ra là vụ tai nạn này xảy ra, ai là người có lỗi, và phải chịu trách nhiệm thế nào?
Về phía xe chở rác, cần phải xem mật độ lưu thông lúc đó như thế nào, đường có đông hay kẹt xe không và xe chở rác này có đảm bảo giữ được khoảng cách an toàn khi tham gia giao thông hay không?
Theo quy định của Thông tư 31/2019/TT-BGTVT về tốc độ và khoảng cách an toàn khi tham gia giao thông thì trong điều kiện mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn là 35m giữa các phương tiện tham gia giao thông với nhau đối với trường hợp chạy tốc độ 60 km/h, trên 60 km/h đến 80 km/h thì khoảng cách là 55m, và trên 80 km/h đến 100 km/h là 70m, cuối cùng trên 100 km/h đến 120 km/h là 100m. Trường hợp tốc độ dưới 60 km/h, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình, tùy theo mật độ phương tiện và tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn giao thông.
Trường hợp trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trợt, địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế, người lái xe cần phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn trị số ghi trên biển báo hoặc trị số như đã nêu trên.
Nếu vi phạm quy định về khoảng cách an toàn dẫn đến hậu quả chết người và có người bị thương tích với tỷ lệ 61% trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, mức án cho trường hợp này, có thể là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Đồng thời, phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho nạn nhân theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.
Còn phải xét thêm đoạn đường nơi xảy ra tai nạn, có đảm bảo chất lượng cơ sở hạ tầng hay không, có bị cản trở khi lưu thông, dẫn đến người đi đường không thấp và vấp ngã dẫn đến tai nạn hay không, còn tùy xem lỗi này cụ thể như thế nào mà có thể kỷ luật người có liên quan cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật về hình sự.
Coi xong mà thấy tội quá các mẹ, vụ tai nạn này cần phải được giải quyết sớm, ai có lỗi như thế nào, và lỗi đến đâu cần phải xử lý ngay đến đó, đề phòng những vụ tai nạn khác có thể xảy đến, làm những đứa trẻ vốn dĩ đủ cha mẹ, nay trở thành mồ côi.
Tổng hợp