Cuối tuần qua, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận liên quan đến quy định về địa điểm công chứng.
Theo Điều 43 dự thảo, việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Việc công chứng chỉ có thể được thực hiện ngoài trụ sở khi thuộc một trong các trường hợp: Lập di chúc tại chỗ ở theo quy định của Bộ luật Dân sự; không thể đi lại được vì lý do sức khỏe; đang điều trị nội trú hoặc bị cách ly theo chỉ định của cơ sở y tế; đang bị tạm giữ, tạm giam; đang thi hành án phạt tù; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính và “có lý do chính đáng khác theo quy định của Chính phủ mà không thể đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng”.
Lý giải về quy định này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp, có trách nhiệm bảo đảm tính xác thực, tính hợp pháp của giao dịch, bảo đảm tính xác thực về chủ thể tham gia giao dịch.
“Yêu cầu tiên quyết của việc công chứng là bảo đảm chất lượng văn bản công chứng nên cần có quy trình, thủ tục chặt chẽ”- theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nêu ý kiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang (đoàn Đăk Nông) đề nghị bỏ quy định “cấm” công chứng ngoài trụ sở.
“Tại sao không thể công chứng hợp đồng tại địa điểm có tài sản là bất động sản được giao dịch, nhất là trong trường hợp cần phải xác minh; hay tại trụ sở chi nhánh của ngân hàng trong trường hợp công chứng hợp đồng về thế chấp bất động sản, hợp đồng mua bán bất động sản cần thanh toán qua ngân hàng hoặc hợp đồng vay vốn có thế chấp?”- ông Giang đặt vấn đề.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, việc tra cứu thông tin trên Cơ sở dữ liệu công chứng không nhất thiết phải diễn ra tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng. Hơn nữa, dù công chứng ở đâu, dự thảo Luật cũng đã yêu cầu việc ký văn bản công chứng trước sự chứng kiến của công chứng viên phải được chụp hình và lưu trữ trong hồ sơ công chứng.
ĐBQH đoàn Đăk Nông cho rằng việc cho phép công chứng ngoài trụ sở cùng với việc bỏ quy định công chứng giao dịch bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh cũng là giải pháp để cung cấp dịch vụ công chứng đến người dân tại địa bàn chưa có tổ chức hành nghề công chứng, giúp những người dân ở những địa bàn này khi có nhu cầu có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ công chứng…
“Tôi đề nghị khó thì cơ quan nhà nước phải tăng cường quản lý, khó không có nghĩa là chúng ta quay sang cấm. Ở đây nói cấm thì hơi quá, nhưng rõ ràng chúng ta không cho từ tỉnh này sang tỉnh khác”- ông Giang nói.
Dẫn chứng trường hợp một huyện giáp với tỉnh bên cạnh, nếu về trung tâm cách 80 cây số nhưng “sát vách” tỉnh, huyện bên cạnh có tổ chức hành nghề công chứng nhưng chúng ta không cho công chứng, ông Nguyễn Trường Giang cho rằng điều này dẫn đến hạn chế quyền tiếp cận của người dân đối với dịch vụ công do nhà nước cung cấp.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đăk Lăk) đề nghị cân nhắc lại quy định giao Chính phủ quy định “các lý do chính đáng” để thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở…
Giải trình cuối phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay quy định trên của dự thảo được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn và đánh giá những mặt bất cập của quy định này.
“Hiện nay, dự thảo cũng đã quy định theo hướng mở, tức là có những trường hợp công chứng ngoài trụ sở theo quy định cụ thể của Chính phủ. Chúng ta quy định như vậy vừa đảm bảo độ mở nhưng cũng có sự kiểm soát chứ không phải nới lỏng hoàn toàn”- ông Tùng cho biết.
Dẫn kinh nghiệm quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định về nguyên tắc phải công chứng chủ yếu tại trụ sở, chỉ trong một số trường hợp nhất định mới cho phép công chứng ở ngoài trụ sở.
Nguồn tin: Báo Pháp Luật TP.HCM