Mới tuổi này mà đã có hành vi côn đồ, thì mai mốt lớn không biết sẽ “giúp ích” gì cho xã hội nữa? Vụ này gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc làm cha làm mẹ về chuyện dạy dỗ, kiểm soát, quản lý con cái.
>>> Góc tìm hiểu luật: Người quay clip chứng kiến người khác bị hại có thể bị xử lý hình sự
Mới cách đây vài ngày, mình đọc trên báo Sài Gòn Giải Phóng, thấy cảnh gia đình xót con vì bị bắt cóc và làm nhục, viết lá đơn tố cáo trong sự bức xúc, tức giận.
Ảnh chụp báo Sài Gòn Giải Phóng.
Ai là cha mẹ có con trong hoàn cảnh này mà không phẫn nộ, cả những người ngoài, cộng đồng mạng khi xem đoạn clip này mà còn lên tiếng thì huống hồ là người trong cuộc. Kèm theo phản ánh là các bằng chứng liên quan đến tình trạng sức khỏe của cháu Th. 17 tuổi, ngụ ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Qua lời kể, vào khoảng 12 giờ ngày 09/8/2020, khi cháu Th. đang ở nhà thì có một thanh niên tên Tiến lái xe máy đến nhà nói chở Th. đi uống nước. Nói là vậy, nhưng Tiến lại chở Th. đi lên một ngôi nhà ở xóm 2, thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn. Ở đây có một nhóm thanh niên từ 17 đến 20 tuổi gồm 6, 7 người liên tục đe dọa và bắt Th. vào nhà rồi đóng cửa lại, đánh đập và nhục mạ, rồi quay clip đăng lên mạng.
Th. kể lúc chở đến ngôi nhà thì có 4 con trai và 3 con gái. Họ bắt rồi nhốt trong nhà, 3 người con gái thay nhau đánh Th. Mới đầu tát lia lịa, đánh vào mặt và đầu. Th. vừa quỳ xuống van, lạy lục xin tha nhưng vẫn cứ bị hành hung đến gần 1 tiếng đồng hồ mới thả. Không chỉ vậy, còn lột hết áo, dùng kéo cắt áo ngực rồi quay clip đăng lên mạng để nhục mạ. Và còn dùng nón bảo hiểm tấn công, đe dọa tính mạng Th.
Kể trong bức xúc, gia đình của Th. cho rằng hành vi của bọn này là bắt cóc, nhốt người trái pháp luật, đe dọa, tấn công, quấy rối và có cả nhục mạ.
Lá đơn tố cáo được gửi đến Công an huyện Tuy Phước, Công an tỉnh Bình Đình đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm các đối tượng xem thường pháp luật.
Đến chiều ngày 11/8/2020, Công an xã Phước Sơn đã có xác minh về vụ việc.
Cụ thể là khoảng 12 giờ ngày 09/8/2020, đối tượng Đoàn Thị Kim Ngân, sinh năm 2004, ngụ ở thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn đã yêu cầu bạn mình tên Tiến, ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước đến Quy Nhơn để chở cháu Th. về nhà Ngân.
Cho đến khoảng 15 giờ thì các đối tượng đã chở cháu Th. đến nhà Ngân rồi đóng cửa hành hung. Ngân bắt Th. quỳ xuống xin lỗi rồi cùng Nguyễn Thị Mỹ Hằng, sinh năm 2004, ở cùng xã, và một đối tượng tên My đánh đập và hành hung Th. Sau đó, theo yêu cầu của Ngân, Hằng đã lột áo ngoài và áo trong của Th. ra để cho Nguyễn Vũ Đức, 20 tuổi, cầm điện thoại quay clip và đăng tải trên mạng xã hội.
Đến 15 giờ 30 phút thì Th. được chở lại về nhà. Và đến tối 20 giờ cùng ngày, Đức đã đăng đoạn clip này. Xem đoạn clip thấy Th. bị các đối tượng đánh đập liên tục vào mặt và đầu. Dù Th. đã van xin nhưng vẫn không buông tha mà nhóm này còn lột hết áo của Th. để quay clip. Chưa hết, chúng còn dùng nón bảo hiểm đập đầu Th. Sự việc lan truyền mạnh trên mạng xã hội, thu hút hàng ngàn lượt quan tâm lẫn chia sẻ và gây phẫn nộ đặc biệt trong dư luận.
Ngay trong đêm ngày 11/8/2020, sau khi xác minh vụ việc, Công an xã Phước Sơn đã triệu tập các đối tượng này lên làm việc và yêu cầu Đức gỡ bỏ đoạn clip xuống. Công an xã Phước Sơn cho biết đã củng cố hồ sơ lên cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Tuy Phước để tiếp tục xử lý theo quy định.
Theo nhận định ban đầu nguyên nhân của vụ việc có thể bắt nguồn từ việc ghen tuông, yêu đương giữa Ngân, cháu Th. và Tiến.
Đến ngày 12/8/2020, theo báo Tuổi trẻ, Công an huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cho biết họ đang điều tra vụ bắt cóc, đánh đập một thiếu nữ rồi quay clip tung lên mạng của một nhóm thanh niên. Trưởng Công an huyện Tuy Phước cũng nhận định rằng, thấy vụ việc có dấu hiệu phạm tội và sẽ xác minh, thu thập chứng cứ những người có liên quan để làm rõ trách nhiệm trước pháp luật.
Nhiều người cứ nghĩ đủ 18 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự, nhưng mà lầm rồi, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì đủ 14 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội, đến khi đủ 16 tuổi thì các tội danh phải chịu trách nhiệm hình sự nhiều hơn và đủ 18 tuổi là đã hoàn thiện, đủ tuổi có thể chịu trách nhiệm về tất cả tội danh.
Với người dưới 18 tuổi, về nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự có đôi phần nhẹ hơn, bản chất là muốn răn đe, giáo dục và còn mang tính nhân văn, cho người phạm tội ở tuổi này có con đường để làm lại cuộc đời mình.
Trong nhóm thanh niên có hành vi bắt cóc, giam giữ người trái pháp luật, hành hung, làm nhục cháu Th. trên, nhận thấy có một số đối tượng đã đủ 18 tuổi, số còn lại chưa đủ, nhưng chung quy vẫn nằm trong giới hạn độ tuổi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội danh này.
Còn chờ kết quả điều tra của Công an như thế nào, nhưng để nói sơ sơ, cho các mẹ biết, theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành:
* Đối với tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật:
Tội danh này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 12 năm. Trong đó, các yếu tố nạn nhân là người dưới 18 tuổi, có hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo với nạn nhân hoặc làm nạn nhân thương tích, tổn thương tinh thần với tỷ lệ từ 61% trở lên… sẽ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
* Đối với tội cố ý gây thương tích
Phụ thuộc vào kết quả giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể mà xem xét mức án, có thể phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 14 năm (do trường hợp này nạn nhân chỉ là 01 người).
* Đối với tội làm nhục người khác
Có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm. Trong đó, có yếu tố sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để thực hiện hành vi là tình tiết để tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Khung hình phạt trên được áp dụng cho người phạm tội từ đủ 18 tuổi trở lên. Còn những người phạm tội dưới 18 tuổi, mức phạt có phần nhẹ hơn, bằng 3/4 mức phạt theo quy định nêu trên. Thêm nữa, theo quy định hiện hành, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Mức án tù mà những kẻ này phải chịu là tổng hợp mức án tù của các tội danh đã được xác minh bởi cơ quan Công an, nhưng phải tuân thủ theo quy định trên.
Dù pháp luật có những quy định mang tính ân huệ, để những người phạm tội dưới 18 tuổi làm lại cuộc đời, nhưng mà liệu sau này khi lớn lên, bọn trẻ có thể quên được những hành vi và tội ác mình đã làm? Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các bậc làm cha, làm mẹ về chuyện dạy dỗ con cái, nhất là trong độ tuổi thanh thiếu niên, cảm xúc, suy nghĩ vẫn còn nông cạn.
Tổng hợp