Bão này vừa dứt thì bão khác đổ bộ vào, sao người dân miền Trung khốn khổ đến thế, quanh năm suốt tháng cứ phải chịu cảnh tai ương.
>>> Dự báo bão số 9 mạnh nhất trong năm: Người dân miền Trung cần chủ động phòng tránh để an toàn
Hôm qua theo dõi trên các trang báo lẫn mạng xã hội liên tục đưa các tin liên quan đến tình hình bão số 9 để người dân ở các tỉnh miền Trung sớm cập nhật để còn chuẩn bị tránh bão.
Trang tin tức VTV24 đã đưa thông tin tổng quan và nhắc nhở, cảnh báo người dân về thời gian chuẩn bị chỉ còn tính bằng giờ và cần làm sớm những việc sau đây:
Ảnh chụp trang tin tức VTV24.
#1. Nhanh chóng lưu các số điện thoại khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn tại khu vực địa phương mình.
#2. Cất giữ giấy tờ, tài liệu quan trọng trong túi không thấm nước.
#3. Chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống, bếp di động như bếp cồn, bếp ga du lịch.
#4. Các nhu yếu phẩm như thuốc men, dầu gió và thuốc chữa các bệnh thông thường như hạ sốt, cảm cúm, tiêu chảy.
#5. Các vật dụng dùng trong trường hợp khẩn cấp gồm áo phao, đèn pin và pin dự phòng
Lý do là vì mưa bão có thể làm tê liệt hệ thống giao thông, làm mất điện, lẫn kết nối thông tin với chính quyền địa phương trong việc thông tin tình hình mưa bão.
Đồng thời, rà soát và kêu gọi tàu thuyền trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn. Chính quyền địa phương có trách nhiệm rà soát thật kỹ không để sót tàu thuyền nào trong vùng nguy hiểm. Ngoài ra, cần chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để giảm thiểu thiệt hại, đưa người dân đến nơi tránh trú an toàn, nhất là khu vực lồng bè, chăn nuôi thủy hải sản.
Bên cạnh đó, chằn chống nhà cửa, các trụ sở, cơ quan, trường học… và kiểm tra các hồ, đập để tránh nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt gây ra.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, đến 16 giờ chiều ngày hôm qua, đã có báo cáo rà soát, tuần tra và di dân ở vùng biển đảo để bảo đảm an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại tối đa.
Đến sáng nay, ngày 28/10/2020, theo trang tin Zing News, mưa gió dữ dội khiến các địa phương huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi đã xảy ra mất điện trên diện rộng. Đến 9 giờ sáng nay, ở Bình Châu có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Dự báo trước đó cho biết, Lý Sơn là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9. Toàn bộ huyện đảo đã mất điện. Nghe nói, tại Quảng Ngãi hiện giờ đã có 2 người chết. 1 người là anh Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1981, ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đã bị ngã khi chằng chống nhà ở. Còn 1 người là ông Lê Đức Hiếu, 40 tuổi, ở huyện Mộ Đức, bị ngã từ trên cây xuống đất khi đang tỉa cánh để phòng bão.
Không chỉ vậy, địa phương này có 4 người bị thương do chằn chống nhà cửa, trường học và thêm 1 người bị thương do chặt tỉa cây để phòng bão. Nghe kể mà thấy thương, người dân ở Quảng Ngãi chia sẻ, cả đêm qua không tài nào chợp mắt được vì lo bão số 9 kèm theo sóng lớn tràn vào sập nhà, cuốn trôi tài sản ra biển. Có cảnh còn thương hơn, 3 mẹ con đi sơ tán, đến nơi an toàn rồi mà lo lắng người chồng, người cha ở nhà gặp nguy hiểm.
Cũng trong tối hôm qua, tin tức cập nhật tại trang Thanh Niên cho biết có 2 tàu cá ở Bình Định bị chìm và 26 ngư dân mất tích. Trang Tuổi Trẻ sáng nay đưa tin, chưa thể điều phương tiện ra biển để tìm kiếm cư dân mất tích, hiện mới chỉ liên lạc với tàu bạn đi cùng để kêu gọi họ đi ra khỏi vùng nguy hiểm. Cơ quan chức năng vẫn đang nỗ lực tìm cách, vì 2 tàu cá chìm hiện đang gió giật cấp 10-11, sóng rất lớn, nên việc điều phương tiện và lực lượng ra khỏi nơi 2 tàu cá bị chìm tìm kiếm ngư dân là rất khó khăn và chưa thể thực hiện được ngay bây giờ.
Ảnh chụp báo Tuổi trẻ.
Dù đã có cảnh báo trước rồi mà thiệt hại vẫn cứ xảy ra.
Đau lòng nhất là các trường hợp ở tỉnh Quảng Ngãi, biết tin bão sắp đến rồi đó, mà lo chằn chống nhà cửa, tỉa cây để mà tránh, nào có ngờ, không thoát khỏi số phận.
Đây là bài học kinh nghiệm cho người dân miền Trung, tin tức đã được cập nhật từ sớm, đáng lý cần phải làm sớm hơn việc phòng tránh thì đã không có rủi ro tai nạn xảy ra rồi.
Còn ngư dân ở Bình Định, vốn dĩ đã quen với cái nghề đi biển, chài lứa, thêm nữa, cứ đến độ khoảng thời gian này thường xuyên xảy ra bão lũ. Nên phòng và tránh đánh bắt cá xa bờ đáng lẽ là điều họ cần biết và phải làm ngay trước khi có thông tin cảnh báo. Xót thương vì miếng cơm manh áo mà họ phải liều mình đánh đổi tính mạng và nguy hiểm này. Vẫn cứ cầu mong họ sống sót dù xác suất đó chỉ là 1-2% mà thôi.
Bão đi qua, để lại bao đau thương mất mát cho bà con miền Trung. Biết đến bao giờ, bao giờ họ mới thôi phải chịu cảnh đói khổ vì thiên tai cứ xảy ra hoài như thế này.
Tổng hợp