Luật ngầm khiến các trung tâm phải “lót tay” tiền hằng tháng lên lãnh đạo cục, từ đó việc nhận hối lộ để chung chi xảy ra tại các trung tâm, kéo dài hàng chục năm.


LTS: Vụ án sai phạm trong hoạt động đăng kiểm đang chờ được xét xử phúc thẩm. Điểm đáng chú ý của vụ án này là nhiều bị cáo là những đăng kiểm viên thực hiện hành vi phạm tội mang tính thụ động hoặc làm theo chỉ đạo của cấp trên.

Pháp Luật TP.HCM điểm qua những nét chính yếu về vai trò của các bị cáo mang thân phận làm công ăn lương này.

-----

TAND Cấp cao tại TP.HCM đang thụ lý hồ sơ để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm vụ sai phạm trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) trên địa bàn TP.HCM và ba TTĐK tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng. Trước đó, sau phán quyết của tòa sơ thẩm, VKSND TP.HCM đã kháng nghị theo hướng tăng nặng mức hình phạt đối với 18 bị cáo.

Theo VKSND TP, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên mức hình phạt đối với 18 bị cáo này là quá nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa. Bên cạnh đó, khi quyết định mức hình phạt, HĐXX đã không xem xét áp dụng tình tiết phạm tội có tổ chức đối với tất cả bị cáo.

Đối với 254 bị cáo trong vụ án, sau phiên tòa sơ thẩm đã có 139 người kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Vụ án có 73/254 bị cáo được tòa sơ thẩm tuyên phạt hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Hai cựu cục trưởng Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà lần lượt nhận mức án 25 năm tù và 19 năm tù. Các bị cáo còn lại trong vụ án nhận mức án từ một năm tù cho hưởng án treo đến 30 năm tù.

Luật ngầm: Phải “lót tay” tiền hằng tháng cho lãnh đạo cục

Theo bản án sơ thẩm, phòng Kiểm định xe cơ giới (phòng VAR) thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nhận tiền hối lộ của các công ty từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng/hồ sơ trong quá trình thẩm định hồ sơ. Cựu quyền trưởng phòng VAR Trần Anh Quân đã thống nhất chia tiền theo tỉ lệ: Quân hưởng 700.000 đồng/hồ sơ (gồm ngoại giao, chung chi cho lãnh đạo cục); các phó phòng 100.000 đồng/hồ sơ. Quân trực tiếp đưa cho Trần Kỳ Hình 60 triệu đồng/tháng và Đặng Việt Hà 20 triệu đồng/tháng. Lúc này, lãnh đạo cục chưa đưa ra mức tiền mà mình được hưởng.

Tháng 8-2021, cục trưởng Trần Kỳ Hình nghỉ hưu và người kế nhiệm là Đặng Việt Hà đã yêu cầu phòng VAR hằng tháng phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ đã thẩm định thiết kế với mục đích phải bảo đảm lợi ích của Hà là cao nhất.

Sau khi nhận tiền từ các đăng kiểm viên (ĐKV), Quân kiểm tra số hồ sơ phòng VAR đã thẩm định đạt trong tháng nhân với số tiền 400.000 đồng/hồ sơ, bỏ tiền vào phong bì, ghi số hồ sơ đã thẩm định và số tiền rồi đến đưa cho Hà tại phòng làm việc.

Các bị cáo tại phòng VAR đã nhận tiền hối lộ của 16 công ty để cấp 29.676 giấy chứng nhận, nhận hối lộ tổng số tiền hơn 60,5 tỉ đồng.

Trong đó, Quân trực tiếp đưa cho Trần Kỳ Hình hơn 1,6 tỉ đồng, Đặng Việt Hà hơn 5,9 tỉ đồng và hưởng lợi hơn 11,7 tỉ đồng. Ba phó trưởng phòng VAR phải chịu trách nhiệm hình sự chung với số tiền nhận hối lộ hơn 60,5 tỉ đồng và hưởng lợi 2,2-2,9 tỉ đồng.

Ngoài số tiền nhận hối lộ tại phòng VAR, Trần Kỳ Hình còn nhận tiền hối lộ liên quan đến việc thành lập hai TTĐK và tiền hối lộ từ các trung tâm là hơn 5,4 tỉ đồng. Tổng cộng Trần Kỳ Hình đã nhận hơn 7,1 tỉ đồng. Bị cáo Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm với tổng số tiền nhận hối lộ của chín TTĐK khối V tại TP.HCM, TP Hà Nội, TTĐK khối D và phòng VAR tổng cộng hơn 40,2 tỉ đồng. Số tiền Hà hưởng lợi là hơn 8,5 tỉ đồng.

Những phong bì chứa USD được trao tại các buổi giao ban

Bản án sơ thẩm cũng xác định dưới thời cựu cục trưởng Trần Kỳ Hình, các TTĐK khối V trực thuộc Cục Đăng kiểm có việc nhận tiền để bỏ qua lỗi kiểm định nhưng không quy định số tiền đưa cụ thể theo từng lần.

“Độ nặng” của phong bì hối lộ tăng lên khi Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm cục trưởng. Hà đã yêu cầu quyền lợi của mình phải là cao nhất. Từ tháng 4-2022, giám đốc các TTĐK khối V thông tin về chủ trương của Hà yêu cầu các TTĐK khối V phải nộp tiền hối lộ hằng tháng với mức 8.000-15.000 đồng/tổng phương tiện. Các giám đốc TTĐK phải ra cục họp giao ban hằng tháng để nộp tiền cho Hà.

“Độ nặng” của phong bì hối lộ tăng lên khi Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm cục trưởng. Hà đã yêu cầu quyền lợi của mình phải là cao nhất.

Chủ trương của Hà được các giám đốc TTĐK lĩnh hội, rồi chuyển ghi âm cuộc họp cho nhau cùng triển khai thực hiện, thiết lập hệ thống nhận hối lộ riêng có cả “cò” môi giới cho các chủ xe đến đăng kiểm.

Sau khi được cục trưởng Hà “mở đường”, chỉ trong vòng sáu tháng (từ ngày 1-5 đến 31-10-2022), tại TTĐK 50-06V đã nhận hối lộ hơn 2,4 tỉ đồng. Giám đốc TTĐK này là Nguyễn Thanh Long đã chia cho Đặng Việt Hà 234 triệu đồng (tương đương 10.000 USD). Về tiền đưa hối lộ, Long tính tổng số phương tiện đã kiểm định rồi nhân với số tiền 8.000-15.000 đồng (trung bình là 11.000 đồng) và được đổi sang tiền USD, bỏ vào phong bì ghi “5006V”. Hằng tháng khi họp giao ban tại cục, Long mang phong bì tiền trên đến đưa cho Hà tại phòng làm việc.

Các đăng kiểm viên chỉ là người chấp hành chỉ đạo

Các bị cáo là những người được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn về đăng kiểm, biết rõ hậu quả có thể xảy ra khi không làm đúng quy định nhưng đã cố ý phạm tội, xem thường kỷ cương và sự trừng phạt của pháp luật. Do đó, cần xử lý nghiêm trước pháp luật.

Trong đó, xử lý nghiêm khắc các bị cáo là lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam; các bị cáo là chủ đầu tư các TTĐK tư nhân.

Đồng thời cũng cần phân hóa vai trò, mức độ phạm tội của các ĐKV từ phòng VAR, khối V, khối D, phòng Tàu sông (thuộc Cục Đăng kiểm); các lãnh đạo, ĐKV là người làm thuê, có quan hệ lệ thuộc, đặc biệt là không được hưởng lợi (như cấp dưới với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), các bị cáo có nhận thức pháp luật hạn chế, không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, đồng thời cần xem xét kết hợp với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhất là đã tự thú, chủ động khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ án, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm, để giảm nhẹ mức hình phạt đối với từng bị cáo.

(Trích bản án sơ thẩm số 410/2024/HSST của TAND TP.HCM)

“Chủ trương” thông suốt, dội xuống ĐKV

Trước áp lực chung chi nói trên, từ chủ trương không cho ĐKV nhận tiền trước đây, giám đốc TTĐK 50-07V Ngô Ngọc Sơn đã phải cho phép các ĐKV nhận tiền để có thêm nguồn thu nhằm chung chi cho lãnh đạo cục.

Mỗi chuyền kiểm định hằng tháng phải đưa cho Sơn 10 triệu đồng dưới thời cục trưởng Trần Kỳ Hình và 15 triệu đồng dưới thời cục trưởng Đặng Việt Hà. Sơn đưa cho Trần Kỳ Hình tổng cộng 680 triệu đồng và đưa cho Đặng Việt Hà tổng cộng 357 triệu đồng.

Không chỉ tại các TTĐK nhà nước, việc nhận hối lộ để chung chi cho lãnh đạo cục còn diễn ra tại các TTĐK tư nhân (khối D), trong đó có ba TTĐK tại miền Tây là 62-03D, 71-02D và 83-02D do Trần Lập Nghĩa làm chủ.

Để các TTĐK này hoạt động, Nghĩa phải đưa hối lộ 20-300 triệu đồng cho hai cựu cục trưởng để xin cấp mã số đăng kiểm. Từ đầu năm 2022, Nghĩa chỉ đạo các lãnh đạo, nhân viên, ĐKV tại các TTĐK nhận hối lộ. Hằng tháng Nghĩa đều đưa ph ong bì 30-50 triệu đồng cho hai cựu cục trưởng đến khi Nghĩa bị bắt vào tháng 10-2022.

Trong suốt quá trình xét xử sơ thẩm, các bị cáo từng là ĐKV, chuyền trưởng đều thừa nhận hành vi phạm tội và số tiền phải chịu trách nhiệm. Họ khai rằng việc nhận tiền hối lộ từ các chủ phương tiện là thực hiện theo thông lệ, do chuyền trưởng truyền đạt lại. Số tiền nhận được sẽ chia cho mọi người và ban giám đốc.

Các bị cáo từng là giám đốc các TTĐK đều khai chịu nhiều áp lực trong việc duy trì kinh phí hoạt động của trung tâm và tiền nộp cho cấp trên. Họ đã truyền đạt chủ trương nhận hối lộ để bỏ qua sai phạm cho chủ phương tiện xuống cấp dưới, trong đó có ĐKV (chỉ nói miệng)...

*Kỳ tới: Nhận hối lộ theo chỉ đạo và trách nhiệm pháp lý

Đọc đầy đủ tin TẠI ĐÂY

Nguồn tin: Báo Pháp Luật TP.HCM