Từ tuần mang thai thứ 12 trở đi, thai phụ không nên nằm ngửa mà cần nằm nghiêng và tốt nhất là nghiêng về bên trái. Tại sao vậy?
Từ tuần thứ 12, tử cung to ra, tính đàn hồi tăng, dung lượng máu lưu thông giữa tử cung và cơ thể tăng tương ứng với tuổi thai để đảm bảo sự trao đổi chất của thai nhi. Tư thế nằm ngửa gây một số bất lợi:
• Tử cung đè vào tĩnh mạch khoang dưới, khiến lượng máu về tim giảm 50% so với nằm nghiêng. Hậu quả là lượng máu xuất phát từ tim giảm, vì vậy máu tưới cho cuống rốn cũng giảm tương ứng, gây bất lợi cho sự phát triển của thai nhi.
• Tử cung có thể đè vào động mạch chủ bụng (nằm song song với tĩnh mạch khoang dưới), làm giảm lượng máu cung cấp cho thai nhi.
• Làm tăng áp lực ở phần ngoài âm hộ, chi dưới và trực tràng. Nếu kết hợp với hiện tượng thành tĩnh mạch dãn rộng ở thời kỳ mang thai, điều này có thể dẫn tới hậu quả là chi dưới và phần ngoài âm hộ bị cong, dãn hoặc thai phụ mắc chứng hành trĩ dưới.
Do vậy, thai phụ nên nằm nghiêng. Hơn nữa, tư thế này còn giúp thận bài tiết được nhiều nước và natri hơn, làm giảm chứng phù hay gặp ở thai phụ từ tuần thứ 30 trở đi.
Lý do vì sao thai phụ lại nên nằm nghiêng về bên trái khá đơn giản. Trước khi chào đời, thai nhi thường có xu hướng quay sang bên phải. Nếu thai phụ cũng nằm nghiêng sang phải thì tử cung càng quay sang phía này mạnh hơn, gây xoắn vặn mạch máu trong tử cung. Việc nằm nghiêng bên trái có thể cải thiện hoặc hạn chế mức độ xoay sang phải của tử cung, giúp cho máu lưu thông dễ dàng, bảo đảm lượng máu cung cấp cho thai nhi.