“Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”, các cụ nói chẳng sai; sau khi cơ quan tuyên bố nợ tiền bảo hiểm không thể thanh toán cho toàn bộ công nhân viên thì tôi hầu như thất vọng hoàn toàn rằng mình không còn được nhận khoản tiền bảo hiểm thai sản mà đáng ra mình được nhận. Cả đời chỉ sinh nở có một - hai lần, mà xui xẻo làm sao lại rơi vào hoàn cảnh bi đát này.



Không cam lòng, tôi phi thẳng lên cơ quan bảo hiểm quận, nơi công ty đặt trụ sở, lân la hỏi có cách nào giải quyết trường hợp của mình không. Rằng tôi đã đóng bảo hiểm gần chục năm nay, chả có nhẽ lần sinh đầu tiên lại bị “quỵt” tiền bảo hiểm? 6 tháng trời, nhân lên số lương cũng cả trăm triệu chứ ít gì. Của đau con xót, lắm chứ…



- Thế cơ quan chị đã chốt sổ cho chị chưa? Cô nhân viên tư vấn hỏi.


- Chốt rồi em ạ. Chốt từ đầu năm í.


- Thế sổ của chị đâu? Đưa em xem em cụ thể thế nào.


- Đây, nhờ em xem giúp…


- Xem nào, chốt sổ từ tháng 5/2014, sinh con vào tháng 10/2014…


- Thế nào hả chị?


- Đủ điều kiện nhé. Đây này: chị sinh vào tháng 10/2014, nhưng vì chị đã đóng bảo hiểm đến tháng 5/2014 tức đã đủ điều kiện đóng bảo hiểm đủ 6 tháng trong vòng 1 năm trước khi sinh nên chị được lãnh tiền bảo hiểm thai sản. Bây giờ em hướng dẫn chị làm hồ sơ, chị làm xong nộp lại đây thì khoảng 10 ngày sau được lãnh tiền nhé!



May phước quá. Chỉ cần đóng thiếu một tháng bảo hiểm thôi là coi như xôi hỏng bỏng không. Thế nên các mẹ đang làm việc trong các cơ quan có đóng bảo hiểm, nhớ phải xác định rõ tình trạng bảo hiểm của mình thế nào, nhất là trong thời gian mang bầu.



Câu chuyện bảo hiểm sau đó tiến hành khá nhanh: tôi được hướng dẫn khai 2 mẫu đơn rồi nộp lại cùng với sổ bảo hiểm đã chốt. 10 ngày sau hồ sơ của tôi được giải quyết và 5 ngày sau đó, tiền bảo hiểm thai sản được chuyển khoản vào tài khoản.



Chế độ thai sản là quyền lợi mà người lao động nữ mang thai, sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 4 tháng tuổi được hưởng khi tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Vì chúng ta chỉ sinh nở 1-2 lần trong đời, nên các mẹ phải chú ý để hông bị mất quyền lợi như nhiều chị em khác trong cơ quan tôi.



Một số vấn đề mẹ nhất quyết phải lưu ý như:



Khi nào thì cần lo lắng về chế độ thai sản?


- Khi có kế hoạch mang thai hoặc đã cấn bầu, ngay lập tức hãy lo nghĩ đến vấn đề bảo hiểm. Nếu mẹ đang đi làm và đóng bảo hiểm ở cơ quan, hãy chắc chắn là tình trạng bảo hiểm của mình đang ổn: tức là cơ quan không nợ bảo hiểm. Nếu mẹ không đi làm, hãy nghĩ đến chuyện mua bảo hiểm tự nguyện; bởi vì bảo hiểm tự nguyện này sẽ giúp mẹ giảm thiểu chi phí khi đi khám thai. Tuy nhiên, nếu bạn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất mà không được hưởng chế độ thai sản. Chỉ có hình thức bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động và người lao động đóng thì mới được hưởng chế độ thai sản. Đó chính là lý do nhiều mẹ làm tự do nhưng đã tính toán đến việc “gửi gắm” đóng bảo hiểm ở cơ quan người quen để được hưởng đầy đủ chế độ thai sản.



Điều kiện cần và đủ để hưởng chế độ thai sản đối với người lao động nữ là gì?


Mẹ chỉ cần chú ý đến một chi tiết duy nhất: lao động nữ mang thai và người lao động nhận nuôi con nuôi phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.



Mức hưởng chế độ thai sản được tính như thế nào?


Mức hưởng chế độ bảo hiểm thai sản là 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc (tính theo lương trong hợp đồng lao động bạn ký, chứ không phải tính lương thực lãnh). Ngoài ra bạn còn được nhận 2 tháng lương cơ bản theo khung lương của nhà nước để hỗ trợ phần bỉm sữa.



Thủ tục cần thiết để lãnh chế độ thai sản?


Sau khi sinh, bạn chỉ cần nộp lại giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh (bản sao) cho kế toán cơ quan bạn là đủ. Nếu đã nghỉ việc và chốt sổ bảo hiểm rồi, bạn cầm sổ bảo hiểm đã chốt cùng với giấy chứng sinh (hoặc bản sao giấy khai sinh của con) đến cơ quan bảo hiểm cấp quận nơi bạn cư trú.



Thời gian bao lâu sau khi làm hồ sơ sẽ được nhận tiền chế độ thai sản?


- Nếu bạn đang làm việc trong một cơ quan có đóng bảo hiểm thai sản, thì bộ phận kế toán - nhân sự sẽ thực hiện các thủ tục này. Về cơ bản, ngay sau khi bạn cung cấp các giấy tờ trên, kế toán cơ quan bạn sẽ làm việc với bên bảo hiểm và chỉ khoảng tối thiểu 3 ngày sau hoặc tối đa 1 tuần sau bạn sẽ được nhận đầy đủ tiền thai sản.


- Nếu bạn đã nghỉ việc nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ điều kiện nhận chế độ thai sản, thì bạn vào đây để tải về mẫu hồ sơ để nộp cho cơ quan bảo hiệm quận nơi bạn cư trú. Sau khi nộp hồ sơ, cơ quan bảo hiểm sẽ giải quyết chế độ cho bạn sau 3 ngày làm việc.



Nhận tiền thai sản bằng cách nào?


Có hai cách để bạn nhận tiền bảo hiểm: một là nhận trực tiếp (mang giấy hẹn lên nhận tiên trực tiếp ở cơ quan bảo hiểm quận nơi bạn cư trú – thường thì sau 3 ngày trả kết quả thì sẽ lên nhận tiền), hai là nhận bằng chuyển khoản (qua tài khoản ngân hàng Donga và thường thì sau 5 ngày trả kết quả thì tiền sẽ về tài khoản của bạn).



Kinh nghiệm của mình, chia sẻ cùng các mẹ. Các mẹ góp ý hay cần trao đổi hay có thắc mắc gì cứ hỏi nhé. mình sẽ trả lời nhiệt tình (khi rảnh) ạ.



http://ketoanthue.info/wp-content/uploads/2015/01/thoi-gian-nhan-duoc-tien-bao-hiem-thai-san.jpg