Chúc mừng mẹ và con đã bước qua tháng thứ 8 của thai kỳ. Hẳn mẹ rất muốn biết về sự phát triển của thai nhi và cơ thể mẹ đã thay đổi thế nào trong tháng này.
Mang thai tháng thứ 8 làm thay đổi cơ thể của bạn như thế nào?
Bạn có vẻ chậm lại hẳn: làm gì cũng từ từ chậm rãi chứ không còn nhanh nhẹn linh động như trước. Do sự phát triển của thai nhi ngày càng lớn, cơ thể bé lớn hơn khiến bụng mẹ kéo căng hết cỡ dẫn đến bất cứ một chuyển động nào của mẹ cũng trở nên phiền hà.
Lúc này mẹ đã tiết sữa non, mẹ có thể thấy sữa non khi dùng tay nặn hai bầu vú. Sữa non được sản xuất sớm nhằm khởi động tuyến sữa trước khi trẻ sinh ra. Khi bầu vú mẹ được kích thích bởi trẻ vào lần đầu cho con bú, sữa non của mẹ sẽ về nhiều hơn.
Tháng thứ 8 thai kỳ, mẹ cũng có thể rất dễ dàng nhận ra bụng dưới chật chội và đau dưới háng, sự di chuyển của mẹ cũng chậm hơn do mẹ bị đau khi đi lại. Đó là bởi vì các em bé bắt đầu di chuyển đầu xuống vùng chậu của mẹ và cơ thể của bé cũng dịch chuyển xuống phía dưới nhường cho bàn chân đang duỗi thẳng lên phía xương sườn của mẹ. Thỉnh thoảng bé đạp chân, mẹ sẽ thấy đau thốn phía mạn sườn.
Vào giai đoạn này, chân mẹ sẽ sưng nhiều hơn do sự phát triển của thai nhi kéo theo trọng lượng của thai nhi chèn lên các tĩnh mạch lớn ở thân sau của mẹ. Kết quả là, quá trình lưu thông máu trở lại tim diễn ra khó khăn hơn. Nếu mẹ thấy bàn chân mình bị sưng nhiều hơn bình thường, và khuôn mặt cũng bị sưng phù thì mẹ cần được chăm sóc y tế ngay lập tức bởi vì nó có thể là một biến chứng của tiền sản giật.
Cảnh báo cho mẹ ở tháng cuối thai kỳ: Mẹ có thể sẽ nhận thấy những cơn co bóp tử cung vào cuối tháng thứ tám của thai kỳ. Đây là những tín hiệu báo cho mẹ biết mẹ cần chuẩn bị bước vào một giai đoạn của chuyển dạ thực tế. Nếu tử cung phồng lên khi co bóp nhưng kéo dài không quá 30 giây thì chỉ là “thực nghiệm”, là cơn gò giả thôi nhé mẹ.
Thai nhi ở tháng thứ tám thai kỳ phát triển thế nào?
Sự phát triển của thai nhi đã ở một bước hoàn thiện. Lúc này con đã “khôn” lắm rồi. Con đã phản đối rất dứt khoát mỗi khi mẹ để con đói, con mệt hay con nóng… Con sẽ phản kháng bằng những cú đạp hay những cú thụi, “lên gối” cú nào ra cú đấy và mẹ sẽ đau thốn.
Con cũng tỉnh táo hơn, con có thể cảm nhận được và phản ứng lại với sức mạnh của các cơn co thắt tử cung giả nhé mẹ. Mỗi lúc như thế, con sẽ con người đối phó với chúng.
Để chuẩn bị cho cuộc chào đời sắp tới, mô trong các túi khí ở phổi con phát triển mạnh mẽ ở giai đoạn này nhằm hoàn thiện chức năng của phổi, giúp con có thể thở tốt khi ra khỏi bụng mẹ.
Các cơ quan nội tạng của thai nhi đang phát triển với tốc độ chóng mặt để hoàn tất chức năng. Phổi của con tuy vẫn còn non nớt, nhưng khi con được sinh ra thì phổi sẽ được phát triển và có đầy đủ sức mạnh để con thở.
Cơ thể con cũng dần dịch chuyển xuống phía dưới khung xương chậu của mẹ để chuẩn bị chào đời. Mẹ sẽ thấy đầu con chúc xuống khiến mẹ đau khi đi lại và mẹ sẽ phải đi tiểu nhiều hơn do con chèn ép bàng quang của mẹ.
Lúc này con cũng dễ dàng nhận thấy ra ánh sáng bởi sự phản chiếu của ánh sáng xuyên qua thành bụng của người mẹ. Con sẽ giật mình nếu thấy ánh sáng chiếu vào mặt.
Các con cũng đã biết nhắm mở mắt rất sinh động. Ở trong bụng mẹ, con đang học cách nhấp nháy mắt nhanh chóng, sau đó là mở to mắt. Nhưng tốt nhất vẫn là nhắm mắt vào mẹ ạ, trong này toàn nước ối!
Thỉnh thoảng con sẽ báo cho mẹ biết con vẫn khỏe bằng cách dùng chân hay tay đập đập vào thành bụng mẹ khiến bụng mẹ có khi lồi nguyên một khối, rất buồn cười.
Chế độ ăn uống tập luyện phù hợp với mẹ mang thai tháng thứ 8:
Nếu mẹ đã tập thể dục nhè nhàng từ quý 2 của thai kỳ, mẹ vẫn có thể duy trì việc tập luyện này cho đến khi sinh. Tập thể dục giúp hormone cân bằng trong cơ thể mẹ, giúp mẹ khỏe khoắn hơn. Tập luyện nhẹ nhàng cũng giúp mẹ thư giãn, giảm lo âu khi sinh con và giúp các cơ vùng chậu trở nên mạnh mẽ hơn, khiên mẹ dễ dàng sinh nở.
Mẹ vẫn cần bổ sung đầy đủ 5 nhóm chất, nhưng mẹ cần chú ý theo một chế độ ăn uống giàu canxi, vitamin C, vitamin D và omega-3 và các loại thực phẩm giàu sắt. Hãy nhớ rằng cơ thể mẹ sinh xong sẽ mất rất nhiều máu; vì vậy, cơ thể mẹ cần gấp đôi lượng máu trong suốt thời kỳ mang thai và sinh con.