Nhiều bà mẹ thích nhìn thấy con nên thường xuyên đi siêu âm trong thai kỳ. Nhưng theo nhận định của giới chuyên khoa, chỉ cần ba lần là đủ để biết bé có vấn đề hay không, đó là vào các tuần lễ thứ 12, 22 và 32.
Đôi khi bạn sốt ruột chờ đến cuộc hẹn để nhìn mặt con. Siêu âm chính là khoảnh khoắc mê ly, đầy ngạc nhiên thú vị, cách thức giúp người sắp làm cha mẹ hoà nhập với bào thai. Nguyên tắc của siêu âm là thiết bị đặt trên da phát ra những làn sóng siêu âm xuyên qua mô, đi sâu vào trong để đọc tín hiệu. Sau một lần nhận, dấu hiệu được phân tích bởi một hệ thống tin học, chuyển tải ra ảnh xuất hiện trên màn hình.
Thời điểm cần siêu âm lần đầu là tuần thứ 12 (hay đã mang thai được 2 tháng rưỡi). Mục đích là xác minh phôi thai có tốt không, có một hay hai thai trong cùng một cái nhau; ghi ngày tháng để tính trước ngày sinh. Lần siêu âm này cũng xác minh tình trạng sức khoẻ của phôi thai (đo tim thai), tử cung nở, giãn ra như thế nào (để tính đến chuyện sinh khó).
Lần thứ 2 là khi mang thai 4 tháng rưỡi hay tuần thứ 22. Bác sĩ sẽ kiểm tra sự phát triển của đứa bé, đo các chi thể, chiều dài từ đầu đến xương cụt, đường kính của sọ não, bụng, xác định sự hiện diện của các cơ quan.
Lần siêu âm thứ 3 (tuần lễ thứ 32 hay 7 tháng rưỡi) nhằm phát hiện thêm một số khác thường về hình thái, hình dạng cấu tạo thai nhi do siêu âm lần trước không thấy. Từ lần thứ 2 và thứ 3, bác sĩ khảo sát sự lưu thông máu trong dây rốn, các động mạch trong tử cung, nhất là đối với các bà mẹ có dấu hiệu bệnh lý về huyết quản (tiểu đường, suy thận, huyết áp); kiểm tra vị trí, tư thế của bào thai; xem khối lượng nước ối...
Siêu âm nhiều lần vẫn dễ có rủi ro vì bức xạ luôn ảnh hưởng đến các lớp mô. Có những vùng rất nhạy cảm với sóng siêu âm, bác sĩ gọi đấy là những vùng mềm như mắt, tuyến sinh dục. Đây lại là vùng hay bị "soi" nhất khi bác sĩ cứ gia tăng sóng lên mặt và cơ quan sinh dục không vì mục đích y khoa mà chỉ để lôi ra hình ảnh của bào thai. Các chuyên gia cho rằng, siêu âm là kỹ thuật y khoa, chỉ thực hiện khi cần chẩn đoán, không nên coi nó là chuyện chụp ảnh để xem chơi
Siêu âm 3 chiều sẽ tốt hơn?
Đo chiều dài, đường kính, những đường cắt của bào thai để so sánh với những kích thước bình thường...; tất cả được thực hiện qua siêu âm 2 chiều, gọi là 2D, trắng và đen. Đối với một số cha mẹ, hình ảnh như thế rất khó xem. Từ những thập niên 90, siêu âm 3D tạo lại hình ảnh có chất lượng hơn, bào thai xuất hiện bất ngờ như một đứa bé đích thực, lớn hay nhỏ tuỳ theo thời gian đã mang thai. Từ khi xuất hiện siêu âm 3D, người ta rất có cảm tình với kỹ thuật này.
Theo chuyên gia siêu âm, siêu âm 3D không dùng để phát hiện. Kích thước nào, thực hiện những đường cắt nào... đều là việc của siêu âm 2D. Không nên tin rằng 3D tốt hơn 2D. Siêu âm 3D chỉ dành cho những trắc nghiệm bổ sung khi có tình trạng bệnh.