Táo bón luôn là nỗi ám ảnh của các bà bầu và nếu bị lâu ngày, có thể dẫn tới bệnh trĩ. Tuy nhiên, một số bà mẹ đã hoàn toàn “chiến thắng” hiện tượng này khi mang thai, bằng những cách đơn giản mà rất hiệu quả.



Nguyễn Song Hà (Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội): “Chìa khóa” chống táo bón của tôi là nước và rau quả. Hồi có bầu, tôi uống ít nhất 1.5l nước/ ngày và bắt đầu bằng một cốc nước ấm với một lát chanh vào buổi sáng trước khi ăn. Trong thực đơn hàng ngày, không thể thiếu trái cây tươi, trái cây sấy, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và bánh mỳ đen. Tôi tích cực sử dụng các thực phẩm nguyên chất, ví dụ như thay vì uống nước ép trái cây, tôi ăn hoa quả tươi để lấy chất xơ, hoặc tự nấu chè đỗ đen, đỗ xanh để ăn thay cho ngũ cốc ăn liền…



Nguyễn Thị Thủy (Trường Mầm non Hoa Hồng – ngõ Thái Thịnh 2, Đống Đa, Hà Nội): Tìm hiểu thông tin, mình được biết hạt lanh là loại hạt rất giàu chất xơ và axit béo thiết yếu, nên đã mua về dùng dần. Các mẹ có thể trộn hạt lanh nghiền vào sữa chua, các món bánh hay salad đều được (không dùng dấu ép mà dùng hạt lanh nguyên chất để có nhiều chất xơ với tác dụng chống táo bón). Lưu ý, bạn cần uống ít nhất một cốc nước khi ăn một thìa hạt lanh thì cơ thể mới có thể “tải” được lượng chất xơ này. Bạn cũng không nên lạm dụng, vì ăn quá nhiều hạt lanh có thể gây tiêu chảy và dị ứng.








Đào Kim Anh (KTT Đường Sắt – Trần Quý Cáp, Đống Đa, Hà Nội): Trước đây, lúc mang bầu bé Minh Anh, tôi cũng rất “khổ sở” bởi chứng táo bón. Rất may, tôi được chị bạn mách cho một “bí kíp” và thấy khá hiệu quả. Đó là mỗi khi tắm, chỉ cần thêm 3-4 giọt tinh dầu cam ngọt, chanh, bưởi, nho… vào nước tắm. Sau đó thư giãn và xoa bụng nhẹ nhàng với bọt xà phòng theo chiều kim đồng hồ. Tuy nhiên, chị em cần lưu ý là không nên xoa bóp mạnh nhằm tránh co bóp tử cung gây sinh non. Với những người bị rau tiền đạo thì tuyệt đối không nên áp dụng cách này nhé!



Nguyễn Hải Linh (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội): Thời gian có bầu, mình khá “vật vã” vì táo bón. Tuy nhiên, được chị chồng tư vấn về cách massage để chống chứng bệnh này, mình đã áp dụng ngay và thấy khá hiệu quả. Mình nhờ chồng xoa bóp gan bàn chân theo chiều kim đồng hồ (hướng chuyển động của ruột trong hệ thống tiêu hóa) khoảng 5 phút mỗi ben. Bạn cũng có thể tự massage bằng cách lấy hai chai nước ấm đặt dưới lòng bàn chân và nhẹ nhàng di trên sàn. Một điều nữa mình muốn chia sẻ là khi đi vệ sinh, hãy cố gắng đảm bảo thời gian thoải mái và không gian thật riêng tư. Bạn hãy hít thở sâu để các cơ bắp được thư giãn hoàn toàn. Uốn cong đầu gối và bàn chân rồi đặt lên một chiếc ghế hoặc thành bồn tắm để giúp xương chậu thoải mái nhất.







Nguyễn Thị Hoa (Bắc Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội): Khi mang thai bé Linh Chi, tôi sử dụng một số loại trà thảo dược như trà bồ công anh, trà hoa hòe, trà bụt… uống hàng ngày để chữa táo bón. Các loại trà này rất an toàn nếu sử dụng với liều lượng thấp trong thời gian ngắn, dưới sự theo dõi của bác sĩ. Tuy nhiên, trong 3 tháng cuối của thai kỳ, các mẹ không nên dùng các loại trà kể trên. Ngoài ra, nước chanh và nước mận ép cũng là lựa chọn của tôi vì chúng khá hiệu quả trong việc giảm táo bón.



Những lời khuyên khác cho bà bầu mắc chứng táo bón


- Vận động thường xuyên là một trong những cách khiến đường ruột hoạt động trơn tru, giúp giảm thiểu tối đa táo bón cho bà bầu. Chỉ cần 15 phút đi bộ mỗi ngày, bạn sẽ thấy tình hình được cải thiện rõ rệt.


- Nếu cần được bổ sung sắt vì chứng thiếu máu bạn nên hỏi bác sĩ về việc sử dụng sắt ở dạng lỏng thay vì dạng viên nang cứng để dễ dàng hấp thu hơn. Ngoài ra, bạn nên tránh bổ sung canxi quá liều, bởi đây là một trong những nguyên nhân khiến chất thải trở nên cứng hơn.


– Tuyệt đối, không sử dụng thuốc nhuận tràng nếu chưa được sự đồng ý của bác sĩ, vì có thể gây hậu quả xấu cho bạn và thai nhi.



Theo Đẹp