Tuần thai thứ 11



Ngày thai thứ 71 - 77 (ngày 85 - 91 tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối)



Bạn biết không, bé đã có thể đáp lại bạn mỗi lần bạn chạm tay vào bụng mình, nhưng bạn vẫn chưa thể cảm thấy cử động của bé đâu. Có một vài lựa chọn mà bạn phải quyết định ở thời điểm này như việc mặc quần áo bầu hay thực hiện các xét nghiệm hơi rủi ro để biết những thông tin chi tiết hơn về tình trạng của bé.



Em bé phát triển như thế nào?




Hình ảnh thai nhi 11 tuần tuổi - Ảnh: Babycenter




Sự phát triển ấn tượng nhất trong tuần này chính là phản xạ của bé. Ngón tay bé sẽ sớm bắt đầu xòe ra và nắm lại được, các ngón chân cụp lại, cơ mắt nhắm chặt, và miệng sẽ có cử động mút. Trên thực tế, nếu bạn động vào bụng mình, em bé bên trong lúng búng để hồi đáp lại, dù là bạn sẽ không cảm thấy gì. Ruột bé phát triển rất nhanh và trồi lên thành dây rốn – sẽ bắt đầu chuyển vào khoang bụng vào thời điểm này, và thận bé bắt đầu bài tiết nước tiểu vào bàng quang.



Trong khi đó, các tế bào thần kinh đang nhân bản nhanh đến chóng mặt, và trong não bé các khớp thần kinh cũng đang hình thành với tốc độ khủng khiếp. Khuôn mặt bé còn giờ đã rất ra dáng người rồi: Hai mắt đã chuyển ra phía trước đầu, và đôi tai đã ở đúng vị trí của chúng. Từ đỉnh đầu đến chỏm mông, em bé tương lai của bạn chỉ mới dài khoảng 5cm và nặng chừng 15g.



Trong tuần này, mỗi ngày qua bé đều có một bước tiến rất đáng kể, hãy cùng điểm lại nhé!



Ngày thứ 71:
Bé yêu sẽ trải qua vài cơn nấc vào hôm nay, ngay cả khi bạn không nhận thức được chúng. Nấc giúp bé rèn luyện cơ hoành để chuẩn bị cho hoạt động của nó sau này khi hít thở oxy.


Mẹ làm cho con: Cung cấp fluor cho bé bằng cách ăn táo hoặc uống nước máy đun sôi để nguội. Bạn đang giúp bé của mình có được một hàm răng khỏe trong tương lai.



Ngày thứ 72:
Em bé bắt đầu thể hiện những đặc điểm trên khuôn mặt, trong đó hẳn sẽ có vài điểm tương đồng với bạn đấy. Bé trông sẽ khác biệt với những bé khác cùng tuổi, từ hình dáng đôi mắt, đôi tai cho đến những đường nét của khuôn mặt.


Mẹ làm cho con: Hẳn là bạn có một hình dung trong đầu rằng em bé của mình trông sẽ ra sao, nhưng hãy chuẩn bị cho một bất ngờ nhé. Nhờ cấu trúc xoắn lặp của mã di truyền, bé có thể thừa hưởng những gen di truyền lặn không ngờ tới – chẳng hạn như mái tóc xù từ bà cố của mẹ.



Ngày thứ 73:
Bé đã bắt đầu có giọng nói! Dây thanh của bé đang hình thành và sẽ tiếp tục hoàn thiện cho đến ngày bé cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui sướng của mọi người ở phòng sinh.


Mẹ làm cho con: 60g là lượng chất đạm mỗi ngày bạn cần bổ sung để giúp phát triển các mô của bé. Thịt gà, trứng, cá, các loại hạt và đậu đều là những nguồn chất đạm tuyệt hảo. Hãy kết hợp các nguồn này trong 3 bữa ăn mỗi ngày của mẹ, ví dụ như trứng luộc vào bữa sáng và gà nấu đậu vào bữa trưa.



Ngày thứ 74:
Tuyến yên nằm ở sàn não của bé đã đủ tinh vi để giải phóng các nội tiết tố quy định sự phát triển, trao đổi chất, và huyết áp.


Mẹ làm cho con: Bạn hãy ăn thức ăn giàu axit béo omega-3 (ví dụ như cá hồi) vì omega-3 tốt cho não và thị giác của bé.



Ngày thứ 75:
Hệ tiêu hóa của bé đang phát triển nhảy vọt. Từ hôm nay, bé đã có thể hấp thụ glucose và đường cùng với việc chuyển thức ăn qua ruột.


Mẹ làm cho con: Đây là lúc bố bạn bắt đầu tính toán đến các chi phí phát sinh cho việc sinh con và nuôi con. Rất nhiều loại phí như chi phí y tế, tã bỉm, sữa, quần áo, sản phẩm chăm sóc vệ sinh và trang bị cho bé sẽ thêm gánh nặng đáng kể về tài chính và bố mẹ cũng phải chuẩn bị sẵn sàng vì nó sẽ phát sinh bất cứ lúc nào. Hãy tham khảo anh chị hay những người bạn đã có con gần đây, hoặc nhờ tham vấn và chia sẻ tại cộng đồng Webtretho.



Ngày thứ 76:
Bé đã có thể thực hành nhún nhảy bên trong tử cung của mẹ. Bé có thể duỗi gập cánh tay và xoay trở cơ thể với chuyển động đáng ngạc nhiên và duyên dáng.


Mẹ làm cho con: Bạn hãy chọn những đồ ăn vặt giàu chất xơ và canxi (như táo và pho-mát) vừa ngon lành vừa có giá trị dinh dưỡng cho bé.



Ngày thứ 77:
Mỗi lần bạn ho, cười to, hắt hơi hoặc đi lại, bé lại đu đưa tới lui do những làn sóng nước ối trong tử cung của mẹ.


Mẹ làm cho con: Bạn không cần phải nhịn hắt hơi vì bé đâu, bé sẽ thích nghi với tất cả chuyển động của bạn và thậm chí thấy thoải mái với những hoạt động thể chất và âm thanh của mẹ.



Chủ đề đáng quan tâm trong 3 tháng đầu



Mang thai 3 tháng đầu (tầng 31): Rồng - Rắn lên mây, có cái cây lúc lắc, có các mẹ ở nhà ko???? Rồng con, rắn con đua nhau về với các mẹ rồi đây ^_^


Đau bụng ở tam cá nguyệt thứ nhất.


Mang thai 3 tháng đầu cần kiêng những gì


Bảng chi tiết chỉ số siêu âm thai theo từng tuần và từng ngày