Cổ tử cung giãn nở cũng là lúc thai nhi chuẩn bị cho quá trình lọt lòng của mình. Quá trình này nhanh hoặc lâu tùy cơ địa mỗi mẹ. Quan trọng là thai phụ cần nắm rõ một số kiến thức để ca sinh nở được suôn sẻ.


Mở cổ tử cung báo hiệu mẹ bầu chuẩn bị chuyển dạ và sinh con. Việc này mở đường cho đầu thai nhi đi từ tử cung ra âm đạo, và cuối cùng là nằm trong vòng tay của người đỡ đẻ. Cổ tử cung phải nở rộng từ 1 lên đến 10 cm, đây chính là thời điểm mẹ có thể rặn con ra được rồi. Song song với quá trình này, mẹ đừng quên làm một số việc để thúc đẩy ca chuyển dạ thành công tốt đẹp.



Các dấu hiệu nhận biết



1/ Lắng nghe âm thanh, tiếng kêu


Có nhiều dấu hiệu cho thấy cổ tử cung giãn nở mà không cần phải lồng ngón tay vào âm đạo. Điều này hữu ích cho trường hợp mẹ đang rất đau, khó chịu. Đa số mẹ sẽ phát ra những âm thanh, tiếng kêu khi chuyển dạ. Lắng nghe kĩ sẽ đoán được cổ tử cung giãn nở đến mức nào.


-Mở 0-4cm: mẹ không kêu la, rên rỉ, có thể nói chuyện tương đối dễ dàng trong quá trình co thắt.



-Mở 4-5cm: mẹ khó hoặc hầu như không thể nói chuyện. Tiếng kêu rất nhẹ.


-Mở 5-7cm: mẹ kêu la lớn hơn và không đồng đều, hầu như không thể nói chuyện trong quá trình co thắt.


-Mở 7-10cm: mẹ kêu la rất lớn, không thể nói chuyện trong suốt quá trình co thắt.



2/ Chú ý cảm xúc



Quan sát những cảm xúc của mẹ có thể dự đoán được độ giãn cổ tử cung.



-Mẹ thấy hạnh phúc và vui cười: mở 1-4cm



-Mỉm cười và cười lớn giữa những đợt co thắt: mở 4-6cm


-Bực mình với lời nói đùa của người khác và trò chuyện ngắn: mở khoảng 7cm cho đến lúc sinh.




Có thể dựa vào cảm xúc của mẹ để biết được cổ tử cung giãn nở ở mức nào




3/ Ngửi mùi



Một số người ngửi thấy có mùi khi tử cung mẹ mở 6-8cm. Mùi này khá nặng và không rõ ràng.



4/ Xem xét máu và dịch nhầy



Một số mẹ bầu tiết dịch nhầy khi thai được 39 tuần. Dịch này có màu hơi hồng hoặc nâu kèm theo máu. Dịch nhầy lẫn máu có thể tiếp tục tiết ra trong suốt giai đoạn chuyển dạ ban đầu. Tuy nhiên, khi giãn nở từ 6-8cm thì máu và dịch nhầy sẽ ra nhiều hơn.


5/ Tìm đường hằn màu tím



Đường màu tím này nằm ở kẽ mông, mẹ có thể nhờ người quan sát giúp rồi dựa vào nó để xác định độ giãn cổ tử cung. Trong giai đoạn sớm của quá trình chuyển dạ, đường màu tím nằm gần hậu môn. Khi quá trình chuyển dạ diễn ra thì nó bò dần lên giữa hai mông. Nếu đường này chạm đến đỉnh của kẽ mông thì cổ tử cung đã giãn tối đa.


6/ Cảm nhận của cơ thể


-Cảm giác muốn nôn, mặt ửng đỏ, sờ vào người thấy ấm, run rẩy không kiểm soát: mở 5cm.


-Mặt ửng đỏ mà không có dấu hiệu nào khác: mở 6-7cm.



-Mẹ uốn gập các ngón chân hoặc đứng trên ngón chân: mở 6-8cm.


-Mệt mỏi, choáng váng, nổi da gà ở mông và đùi trên, buồn “đi nặng”, có thể sờ thấy đầu em bé tại đáy chậu: mở 9-10 cm.


7/ Cảm nhận áp lực ở lưng



Khi thai nhi hạ xuống đường sinh, mẹ thấy áp lực tại các điểm khác nhau dọc theo lưng. Cổ tử cung giãn càng rộng thì áp lực đó càng lùi sâu xuống dưới lưng. Thông thường áp lực sẽ di chuyển từ vành xương chậu xuống xương cụt.



Cận cảnh quá trình giãn nở cổ tử cung



Nhiều người làm mẹ lần đầu sẽ thắc mắc cổ tử cung giãn nở mấy phân thì sinh? Các mẹ nên biết rằng cổ tử cung được thiết kế hoàn hảo để bảo vệ thai nhi trong suốt quá trình mang thai. Tới ngày sinh, cổ tử cung cũng chính là bộ phận đặc biệt giãn nở kịp thời để thai nhi chui ra. Quá trình cổ tử cung mở thường diễn ra qua 4 giai đoạn, với mỗi mẹ sẽ có từng biểu hiện khác nhau:



-Giai đoạn mới chuyển dạ: mở 0-3cm



-Giai đoạn chuyển dạ nhanh: mở 4-7cm



-Giai đoạn chuyển dạ chuyển tiếp: mở 8-10cm



-Giai đoạn mở hoàn toàn: mở 10cm, em bé chui ra liền ngay sau đó.


Các mẹ có thể tham khảo hình ảnh sinh động dưới đây:














Cách kiểm tra độ giãn nở cổ tử cung



Bác sĩ, y tá hoặc bà đỡ sẽ kiểm tra độ giãn cổ tử cung. Tuy nhiên, trong vài trường hợp đặc biệt, mẹ cũng có thể tự kiểm tra bằng cách sờ cổ tử cung và xem xét các dấu hiệu khác.



1/ Lưu ý khi chuẩn bị kiểm tra cổ tử cung bằng tay



-Trao đổi, hỏi ý kiến bác sĩ, nhờ họ hướng dẫn. Khi nác sĩ sờ nắn bụng, siêu âm, khám trong để biết em bé đã “đi xuống” chưa, cổ tử cung mềm chưa… thì mẹ nên tuân thủ, trả lời đúng các câu hỏi.



Kiểm tra cổ tử cung giãn nở phải được sự tư vấn và thực hiện bởi người có chuyên môn




-Rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn để tránh viêm nhiễm.


-Nhờ người ở bên quan sát, giúp đỡ, động viên, cầm gương giúp để mẹ quan sát phía dưới dễ dàng.


-Tư thế phải thoải mái: có thể ngồi lên mặt bồn cầu hoặc nằm lên giường với hai chân mở rộng…



-Cởi đồ phía dưới ra trước khi thực hiện.



2/ Các bước kiểm tra cổ tử cung ở nhà



-Lồng hai ngón tay vào âm đạo. Trước khi kiểm tra, mẹ cần cảm nhận xem mình phải nong rộng bao xa. Thay vì nhét cả bàn tay vào âm đạo sẽ gây khó chịu, mẹ chỉ dùng ngón trỏ và ngón giữa.



-Xác định cửa vào âm đạo bằng đầu các ngón tay. Mui bàn tay sẽ đối diện với cột sống và lòng bàn tay hướng lên trên. Nghiêng ngón tay về phía hậu môn để cảm nhận cổ tử cung dễ nhất. Nếu cảm thấy đau hoặc rất khó chịu thì rút ngón tay ra.




Nghiêng ngón tay về phía hậu môn để cảm nhận cổ tử cung giãn nở dễ nhất




-Đẩy ngón tay vào cổ tử cung. Sau khi lồng ngón tay vào âm đạo, mẹ tiếp tục đẩy tay đến khi sờ thấy cổ tử cung, cảm giác cổ tử cung giống như đôi môi nhăn nheo. Một số phụ nữ có cổ tử cung cao, số khác lại có cổ tử cung thấp. Có thể mẹ phải đẩy ngón tay vào khá sâu trong âm đạo hoặc chạm được khá nhanh. Chạm nhẹ nhàng để tìm cổ tử cung (không được ấn hoặc chọc bằng ngón tay có thể gây chảy máu). Một ngón tay có thể trượt dễ dàng vào điểm giữa nếu cổ tử cung giãn nở. Tại tâm cổ tử cung, mẹ có thể sờ thấy túi nước ối bao bọc quanh đầu thai nhi.



-Tiếp tục dùng ngón tay để cảm nhận. Nếu có thể trượt một ngón tay vào điểm giữa cổ tử cung thì độ giãn nở khoảng 1cm. Tương tự, nếu có thể lồng năm ngón tay vào cổ tử cung thì độ giãn nở là 5cm. Tiếp tục lồng các ngón tay vào âm đạo một cách nhẹ nhàng đến khi dùng hết toàn bộ bàn tay hoặc khi cảm thấy khó chịu. Rút bàn tay ra để xem mình đã sử dụng bao nhiêu ngón sẽ hình dung được cổ tử cung đã giãn bao nhiêu.



Xác định mức độ cổ tử cung giãn nở bằng số lượng các ngón tay




-Vào bệnh viện: Nếu cổ tử cung mở hơn 3cm thì nên vào bệnh viện để sinh. Theo dõi sự co thắt cũng giúp mẹ biết được có nên vào bệnh viện hay chưa. Sự co thắt sẽ diễn ra mạnh mẽ và thường xuyên hơn. Các cơn co thắt thường xảy ra 5 phút mỗi lần, kéo dài khoảng 45-60 giây.


3/ Cảnh báo



-Làm nhẹ nhàng và chậm rãi, không chuyển động đột ngột.


-Rửa sạch tay trước và sau khi kiểm tra cổ tử cung.


-Ngừng kiểm tra cổ tử cung nếu thấy đau, rất khó chịu hoặc bị co thắt do cố gắng đưa tay vào âm đạo.



-Đây chỉ là hướng dẫn cho các trường hợp đặc biệt mà thai phụ phải tự kiểm tra. Còn đa số các trường hợp còn lại không nên tự thực hiện bởi nguy cơ nhiễm trùng, xảy ra biến chứng là khá lớn. Tốt nhất nên để bác sĩ, y tá, người có chuyên môn sản khoa thực hiện cho an toàn.



Cách kích thích cổ tử cung mở nhanh


Sinh thuận tự nhiên là cách sinh nở đặc biệt, không mẹ nào giống mẹ nào. Có mẹ chuyển dạ nhanh (tầm 30 phút đã sinh xong) nhưng cũng có mẹ phải chờ tới 1-2 ngày thì cổ tử cung mới mở hoàn toàn. Dưới đây là 7 mẹo giúp cổ tử cung giãn nở nhanh, ít đau, ít mất sức, ít bị rạch tầng sinh môn:



1/ Thực phẩm thúc đẩy chuyển dạ nhanh, dễ



-Trái thơm: Chứa bromelain có tác dụng làm mềm tử cung, kích thích tử cung co bóp và chuyển dạ dễ dàng. Trái này không nên dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ. Mẹ bầu có thể bắt đầu ăn dứa hoặc uống nước ép dứa từ tuần thai thứ 39.


-Mè đen: Mè đen giàu dinh dưỡng, giúp chuyển dạ nhanh. Mẹ bầu nên ăn chè mè đen từ tuần thai thứ 35.


-Rau lang: Ăn rau lang luộc trong 2 tuần cuối thai kỳ vừa chống táo báo, lợi sữa vừa giúp dễ đẻ.



-Nước lá tía tô: Ngay sau khi có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ hãy nhờ người thân đun một ấm nước lá tía tô để uống. Nước lá tía tô giúp tử cung mềm, rặn đẻ dễ dàng.



2/ Đi bộ nhiều


Các tháng cuối thai kỳ, mẹ siêng đi bộ nhẹ nhàng sẽ giúp lưu thông máu, dễ thở, bụng bầu chịu áp lực khiến em bé di chuyển, quay đầu vào khung xương chậu. Khi đã có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ cũng nên cố gắng đi lại. Việc đi lại tạo ra những cơn có thắt giúp cổ tử cung mở nhanh, đẻ dễ.



3/ Ngâm mình trong bồn nước ấm



Ngâm mình trong bồn nước ấm là cách hay làm dịu các cơn đau co thắt, giúp tử cung mở nhanh. Tuy nhiên, việc này nên có bác sĩ ở cạnh giám sát.


4/ Kích thích đầu ti



Ngực và cơ quan sinh sản phía dưới có sự liên quan mật thiết với nhau. Việc kích thích đầu ti, massage bầu ngực sẽ tạo ra các cơn co thắt, giải phóng oxytocin làm mở cổ tử cung nhanh.



5/ “Gần gũi” chồng



“Chuyện ấy” với chồng trong tháng cuối sẽ làm mềm “vùng kín”, thúc đẩy các cơn co thắt giúp cổ tử cung mở nhanh. Ngoài ra, trong cơn chuyển dạ để đẻ thường không đau mẹ nhớ nhờ bố thường xuyên massage ở những vùng khác nhau trên cơ thể nhé!


6/ Kích thích vỡ ối



Khi mở được 3-4 phân, mẹ bầu đau nhức nhưng chưa vỡ ối, để mở nhanh hơn, tránh mất sức, bác sĩ sẽ dùng thủ thuật bấm ối để tăng tốc độ sinh.



7/ Tiêm thuốc kích sinh



Trong một số trường hợp, việc tiêm thuốc kích sinh là cần thiết để tránh những tai biến có thể xảy ra. Thường áp dụng với các mẹ sinh khó, thai nhi gặp bất thường, thai lưu…


Trên đây là những kiến thức quan trọng về cổ tử cung giãn nở và việc mẹ cần phải làm khi quá trình này xảy ra để cuộc sinh nở “mẹ tròn con vuông”. Dù là mang thai ở tháng đầu, tháng giữa hay tháng cuối cũng nên tìm hiểu ngay từ bây giờ.