Từ giai đoạn mang thai, mẹ bầu cần tìm hiểu rõ về các phương pháp sinh, dù là sinh thường hay sinh mổ.


Những mẹo giúp mẹ sinh thường dễ dàng được giới thiệu để mẹ áp dụng, chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho ngày đón bé yêu chào đời.



Sinh đẻ là chuyện thuận theo tự nhiên, là bản năng có sẵn của người phụ nữ. Trừ những trường hợp đặc biệt, đa phần các bà mẹ hoàn toàn có thể tự mình sinh thường mà không cần sử dụng bất cứ biện pháp can thiệp nào.


Tuy nhiên, tỷ lệ sinh mổ ngày càng tăng chóng mặt, tỷ lệ sinh thường lại giảm đi đáng kể. Nguyên nhân một phần là do thói quen sinh hoạt của phụ nữ bây giờ khác nhiều so với trước đây. Nhưng nguyên nhân chính yếu là nhiều người chưa hiểu về tác hại của sinh mổ đối với sức khỏe của cả mẹ và bé. Ngoài ra tâm lý mong gặp con sớm, sinh mổ cho nhanh, sợ rạch tầng sinh môn, bị xấu vùng kín khá phổ biến.


Việc phân tích những mặt lợi và hại của hai phương pháp sinh thường và sinh mổ sau đây sẽ giúp mẹ bầu có nhận thức và lựa chọn đúng đắn cho việc sinh nở. Ngoài ra những mẹo giúp mẹ sinh thường dễ dàng được giới thiệu để mẹ áp dụng,chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho ngày đón bé yêu chào đời.


Lợi ích khi sinh thường


Sinh thường là việc sinh con qua đường âm đạo của người mẹ mà không có bất cứ tác động nào từ bên ngoài. Sinh thường hay còn gọi là sinh tự nhiên, mang đến rất nhiều lợi ích về mặt tinh thần, sức khỏe cho cả mẹ và bé.


1. Thời gian nằm viện ngắn


Lợi ích trước mắt và dễ nhìn ra nhất khi sinh thường là mẹ không phải nằm viện lâu do ít có nguy cơ gặp các biến chứng sản khoa như nhiễm trùng, băng huyết, phản ứng với thuốc gây tê như khi sinh mổ. Thông thường từ 1-2 ngày mẹ và bé hoàn toàn có thể xuất viện. Thời gian nằm viện ngắn tiết kiệm chi phí, tiền bạc và mẹ cũng thoải mái hơn khi được về nhà sớm.




2. Không sợ đụng đến "dao kéo"


Sinh thường đồng nghĩa với việc mẹ không phải đụng dao kéo như khi sinh mổ. Dù sinh mổ không phải cuộc đại phẫu lớn nhưng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ. Các mẹ sinh thường rất may mắn vì không phải lo lắng đến những biến chứng liên quan đến mổ như chảy máu nhiều, nhiễm trùng, phản ứng với thuốc gây tê và các loại thuốc chống nhiễm trùng khác.


3. Sữa về nhanh và sớm hơn


Các mẹ sinh thường có sữa nhanh và sớm hơn so với các mẹ sinh mổ. Sinh mổ mất máu, mẹ đau và mệt nhiều, ngoài ra hai mẹ con bị cách ly ít nhất 6 tiếng sau mổ nên sữa mẹ sẽ về chậm hơn.


4. Hai mẹ con được gặp nhau sớm


Nếu mẹ sinh thường, mẹ sẽ được gặp con, ôm ấp con ngay và cho con bú sữa ngay lúc đó. Các mẹ sinh mổ thì thiệt thòi hơn vì mẹ phải nằm phòng hậu phẫu theo dõi ít nhất 6 tiếng sau mổ.


5. Bé được sinh thường ít gặp vấn đề về hô hấp


Các bé sinh thường theo ngả âm đạo có hệ hô hấp khỏe mạnh hơn so với bé được sinh mổ. Do khi sinh thường, các cơn co tử cung tạo áp lực lên bé, tạo điều kiện cho bé chui ra ngoài đồng thời nước ối trong phổi bé cũng được đẩy ra.


6. Sinh thường giúp hoàn chỉnh hệ miễn dịch của bé




Đây là lợi ích to lớn nhất mà sinh thường mang lại cho bé. Bé sinh thường có hệ miễn dịch hoàn chỉnh hơn rất nhiều so với bé sinh mổ do khi đi qua đường sinh, bé được nhận những lợi khuẩn quý giá giúp bé có hệ miễn dịch khỏe mạnh và hệ tiêu hóa ổn định.


Những nhược điểm khi sinh thường


Sinh thường vẫn là lựa chọn an toàn nhất với mẹ và bé, tuy nhiên không phải là nó không có những nhược điểm nhất định.


1. Rách âm đạo


Rách âm đạo là hiện tượng thường gặp nhất trong sinh thường. Ngoài những cơn đau đẻ dữ dội, sinh xong mẹ còn bị đau nhức nhiều hơn do vết rách âm đạo gây nên. Nếu vết rách to và sâu, mẹ sẽ phải khâu và kiêng khem rất cẩn thận để tránh nhiễm trùng.


2. Có thể gặp vấn đề về sức khỏe nên ca sinh thường khó và kéo dài


Nếu ca sinh thường khó và kéo dài, mẹ có thể gặp các vấn đề như chấn thương khung chậu, mất cảm giác ở âm đạo, són tiểu, rối loạn tiêu hóa…


3. Đau đáy chậu


Đáy chậu là vùng bị kéo căng nhiều trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, vì thế đau đáy chậu sau sinh là hiện tượng bình thường.


4. Bé bị chấn thương nếu mẹ sinh khó


Một số ca sinh thường nhưng khó có thể gây ra những vết thương nhẹ ở da đầu, nặng hơn là xương đòn bị gãy. Hai loại chấn thương này là phổ biến nhất trong những ca sinh khó.


Lợi ích của sinh mổ


1. Nhanh và tiết kiệm thời gian


Một ca sinh mổ thông thường chỉ diễn ra trong khoảng 30-45 phút, bao gồm cả thời gian chuẩn bị, thời gian tiêm thuốc tê, mổ lấy thai, khâu vết mổ cho mẹ và vệ sinh cho bé. Như vậy xét về mặt thời gian thì sinh mổ lại thuận tiện và nhanh hơn rất nhiều so với những ca sinh thường, thông thường kéo dài 12 hoặc thậm chí lâu hơn rất nhiều.


2. Không bị đau đẻ


Sinh mổ đồng nghĩa với việc mẹ không phải chịu hoặc chịu rất ít những cơn co tử cung, cơn đau đẻ dồn dập.


Những nhược điểm của sinh mổ




Sinh mổ không mang lại nhiều lợi ích cho mẹ, mà phần lớn là gây hại. Vì vậy, chỉ nên lựa chọn phương pháp sinh mổ trong tình trạng bất khả kháng.


1. Nằm viện lâu hơn


Sau sinh mổ, cả mẹ và bé đều phải lưu lại viện lâu hơn để theo dõi sức khỏe, loại trừ khả năng bị biến chứng nguy hiểm. Thời gian nằm viện của hai mẹ con ít nhất là 3-4 ngày.


2. Mẹ hồi phục sau sinh lâu hơn


Đối với mẹ sinh mổ, sẽ mất ít nhất 3 tuần và nhiều nhất là 2 tháng để cơ thể hồi phục hoàn toàn. Thời gian hồi phục sau sinh lâu hơn cùng những bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày là hai nhược điểm lớn nhất của phương pháp sinh mổ.


3. Đau mạn tính


Những cơn đau mạn tính, đau nhức kéo dài chủ yếu xuất hiện ở vùng tiêm thuốc gây tê, lưng, vai, gáy hoặc nhức ở vết mổ.


4. Mất máu


Mẹ sinh mổ bị mất máu nhiều hơn so với mẹ sinh thường do đó sức khỏe cũng kém hơn và sữa về lâu hơn.


5. Nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc gặp các thương tổn khác


Sinh mổ có nguy cơ nhiễm trùng khá cao. Ngoài ra mẹ còn có thể gặp thương tổn ở dạ dày, bàng quang…


6. Gặp khó khăn khi cho con bú


Mẹ sinh mổ sữa về chậm hơn so với mẹ sinh thường. Đau vết mổ cũng khiến mẹ gặp một số khó khăn khi cho con bú. Mẹ không thể bế bé và cho bé bú theo tư thế phổ thông mà phải chọn tư thế khác, bé không chạm vào bụng mẹ.


7. Phải sinh mổ ở lần sinh tiếp theo


Gần như chắc chắn mẹ sẽ phải sinh mổ ở lần sinh tiếp theo để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Cũng có trường hợp sinh thường sau khi đã sinh mổ, nhưng tỷ lệ rất thấp và rủi ro quá cao nên nhiều người không dám lựa chọn.


8. Tử vong


Theo các nghiên cứu, phụ nữ sinh mổ có nguy cơ tử vong cao gấp 3 lần so với phụ nữ sinh thường.


9. Ảnh hưởng đến bé


Trẻ được sinh theo phương pháp mổ đẻ dễ gặp các vấn đề về hô hấp, hệ miễn dịch yếu hơn, dễ bị béo phì sau này.


20 mẹo hay giúp mẹ sinh thường


Nếu muốn bé phát triển khỏe mạnh hơn và bản thân mẹ cũng không mất nhiều thời gian hồi phục, mẹ hãy áp dụng những mẹo hay sau để sinh thường nhé.


1. Tập thể dục


Vẫn biết mẹ bầu nặng nề, đi thôi đã mệt chứ đừng nói đến chuyện tập thể dục. Nhưng mẹ biết không, tập thể dục trong thai kỳ rất tốt cho mẹ và bé. Tập thể dục cũng là yếu tố quyết định chính cho khả năng sinh thường của mẹ đấy. Khi mang thai, mẹ có thể áp dụng những bài tập sau:- Đi bộ là bài tập đơn giản, dễ thực hiện và có thể tập mọi lúc mọi nơi. Đi bộ không những giúp tâm trạng mẹ thoải mái, mà còn giúp khung xương chậu dẻo dai hơn, chuẩn bị tốt hơn cho ca sinh thường.




- Ngoài đi bộ, bơi cũng là “bài tập vàng” cho mẹ bầu.


- Các bài tập Kegel cũng nên được bổ sung vào lịch tập của mẹ. Bài tập Kegel giúp tăng cường sự dẻo dai của cơ thể, đặc biệt vùng đáy chậu.


-Các bài tập tăng cường khung chậu và cơ đùi sẽ giúp mẹ sinh thường dễ dàng, giảm nguy cơ phải sinh mổ.


2. Không stress


Stress là tâm lý bình thường khi mang thai nhưng hãy cố gắng giữ thăng bằng và bình tĩnh nhất có thể. Mỗi khi căng thẳng hay stress cao độ mẹ hãy ngồi thiền, nghe nhạc hoặc làm bất cứ điều gì để cảm thấy khá hơn.


3. Tập thở đúng cách


Khi các cơn chuyển dạ và đau đẻ đến, mẹ phải biết tập thở đúng phương pháp nếu không sẽ bị hụt hơi, mất sức và có thể bị chuyển mổ đẻ. Mẹ nên tìm hiểu các phương pháp tập thở như tập thở từ ngực, tập thở từ dạ dày, thở nông, thở sâu.


4. Ăn uống khoa học




Những thực phẩm mẹ ăn hàng ngày không chỉ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con yêu trong bụng mà còn quyết định phần nào việc mẹ có sinh thường được hay không. Mẹ khỏe thì con mới khỏe vì thế nên có chế độ ăn uống khoa học mẹ nhé.


- Chế độ ăn uống cần bổ sung nhiều loại trái cây, rau quả, thịt nạc, các loại đậu và sữa.


- Ăn nhiều rau lá xanh, ăn tinh bột vừa phải và bổ sung nhiều protein.


- Đảm bảo chế độ ăn uống giàu chất sắt.


- Hạn chế ăn nội tạng


- Tránh các loại thực phẩm có chứa retinol.


- Tránh ăn hải sản, các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao.


- Hạn chế ăn đường.


- Hạn chế ăn ngoài hàng quán


.5. Không tăng cân nhiều


Tăng cân nhiều khiến mẹ gặp nhiều khó khăn hơn khi chuyển dạ. Mẹ tăng cân nhiều cũng khiến bé nặng cân, “đô con” và bé cũng khó chui qua đường sinh.


6. Lạc quan và không nghe những câu chuyện khủng khiếp về sinh nở


Mẹ cần giữ tinh thần lạc quan, tự tin về khả năng sinh thường của mình. Tránh nghe những câu chuyện đáng tiếc về sinh nở. Sự lo lắng chẳng giúp được gì hơn, chỉ khiến mẹ bầu sợ hãi hơn mà thôi.


7. Có kiến thức về quá trình chuyển dạ và sinh nở


Khi có những hiểu biết về quá trình chuyển dạ và sinh nở, mẹ sẽ chủ động hơn và biết cần làm gì trong từng trường hợp. Thông tin có rất nhiều trên sách báo, mạng Internet, mẹ có thể tham khảo hoặc hỏi thêm ý kiến của bác sỹ chuyên khoa, hỏi kinh nghiệm của những người đi trước.


8. Lên kế hoạch cho ngày sinh nở


Mẹ quyết định trước ai sẽ là người đồng hành cùng mẹ khi cơn chuyển dạ đến. Người này phải có kinh nghiệm để giúp mẹ kiểm soát mọi thứ và hỗ trợ, trấn an tinh thần trong khi sinh nở.


9. Lựa chọn bác sỹ đỡ đẻ


Mẹ có thể tham khảo kinh nghiệm của nhiều người về việc chọn bác sỹ đỡ đẻ tốt. Hẹn gặp và nói chuyện với bác sỹ để biết được quan điểm của họ và phần nào giúp mẹ quyết định đúng đắn.


10. Mát xa đáy chậu thường xuyên


Mẹ có thể bắt đầu mát xa đáy chậu sau tháng thứ bảy của thai kỳ. Mát xa đáy chậu có thể giúp bạn đối phó với cơn chuyển dạ tốt hơn và kiểm soát căng thẳng. Mát xa đáy chậu thực hiện khá đơn giản bằng cách dùng 1 ngón tay cái đưa vào bên trong âm đạo, sau đó nhẹ nhàng kéo phần dưới của âm đạo hướng ra ngoài và về phía trước.


11. Uống nhiều nước


Uống nhiều nước cũng là một mẹo nhỏ rất hay nếu mẹ muốn sinh thường. Luôn luôn uống nhiều nước, ít nhất 2 lít mỗi ngày.


12. Tìm Doula - người hỗ trợ sinh phù hợp


Với những kinh nghiệm của mình, người hỗ trợ sinh sẽ giúp đỡ người nhà và bản thân sản phụ rất nhiều. Họ sẽ đánh giá được ca sinh nở bình thường và bất thường, trấn an tinh thần sản phụ, hướng dẫn thở và rặn đẻ. Sau sinh họ cũng giúp sản phụ trong vấn đề cho con bú.


13. Khi cơn co đến, hãy “làm bạn” với nước


Nước giúp mẹ trải qua cơn đau đẻ dễ dàng hơn. Khi cơn co đến, mẹ có thể ngâm mình trong bồn nước để đỡ đau và giảm căng thẳng. Chú ý đến nhiệt độ nước trong bồn, không được nóng quá, chỉ hơi hơi ấm nếu không sẽ nguy hiểm đến thai nhi.


14. Tập bài tập squat


Bài tập squat (ngồi xổm) giúp mở xương chậu và em bé nằm vào vị trí thuận lợi nhất khi sinh thường. Nó cũng giúp tăng cường cơ ở bắp chân, khiến ca sinh nở diễn ra dễ dàng hơn. Mẹ có thể thử quỳ, ngồi bắt chéo chân, hoặc ngồi trên bóng tập.


15. Chơi trò chơi khi đang chuyển dạ


Mẹo này sẽ giúp mẹ quên đi cơn đau chuyển dạ đấy.


16. Tập yoga


Với bài tập yoga, mẹ biết cách thở đúng, nó sẽ hỗ trợ mẹ nhiều trong chuyển dạ và sinh nở. Một số tư thế yoga rất hợp với mẹ mang thai vì nó giúp giảm áp lực ở vùng lưng và hông.


17. Tránh đứng quá lâu


Đứng quá lâu có thể gây nên áp lực và di chuyển bé khỏi vị trí sinh thuận lợi.


18. Ăn đồ cay


Đồ cay nóng làm cho cơ thể mẹ ấm hơn và kích thích cơn chuyển dạ đến. Nhưng nếu mẹ bị chứng khó tiêu, ợ nóng và tiêu chảy thì không nên áp dụng mẹo này.


19. Bổ sung thực phẩm nhiều bromelain vào khẩu phần ăn


Bromelain là một loại enzyme có khả năng kích thích cơn co và làm mềm cổ tử cung. Vì vậy, những ngày cuối thai kỳ mẹ có thể bổ sung thực phẩm nhiều bromelain vào khẩu phần ăn để có thể sinh thường như ý muốn. Một số loại hoa quả như xoài, đu đủ, dứa rất giàu bromelain.


20. Sử dụng liệu pháp nắn khớp xương


Mẹ có thể tìm hiểu và tham khảo ý kiến bác sỹ về liệu pháp nắn khớp xương. Liệu pháp này giúp mẹ giảm mệt mỏi, căng thẳng, giảm đau lưng, tăng độ dẻo dai của cơ đùi và tăng khả năng sinh thường.


Việt Hà
Nguồn: MJ


(Theo Congluan)