Khi biết mình mang thai, chắc hẳn không ít mẹ sẽ băn khoăn về chế độ ăn uống như thế nào để có thể cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho con. Theo các bác sĩ, việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong ba tháng đầu của thai kỳ là vô cùng quan trọng, bởi khi đó, thai nhi còn rất yếu (dinh dưỡng của mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi trong suốt thai kỳ).


Lúc này, mẹ bầu vẫn có thể ăn uống bình thường, tuy nhiên hãy cố gắng lưu ý bổ sung một số dưỡng chất có lợi cho sức khỏe của thai nhi sau đây:



1.Axit folic.



Axit folic là một dạng của Vitamin B9. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, việc sử dụng axit folic theo đúng liều lượng trước và trong giai đoạn sớm của thai kỳ sẽ hạn chế được 70% các trường hợp dị tật ống thần kinh. Ngoài ra, Axit folic còn hỗ trợ việc giảm nguy cơ mắc các dị tật khác như sứt môi, dị tật tim, chân tay. Bên cạnh việc giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh, phụ nữ mang thai cần bổ sung đủ axit folic cần thiết cho quá trình tạo máu, tham gia vào quá trình sao chép DNA và phân chia tế bào.


Ống thần kinh là khái niệm để chỉ cấu trúc thần kinh tồn tại trong giai đoạn mang thai, từ đó hình thành nên não và cột sống. Nếu quá trình hình thành này không diễn ra đúng và ống thần kinh không đóng lại hoàn toàn thì sẽ dẫn tới dị tật ở não và cột sống, phổ biến nhất là cột sống chẻ đôi và thai vô sọ. Dị tật ống thần kinh là một trong những dị tật bẩm sinh thường gặp nhất và rất nhiều trường hợp thai dị tật bị sảy thai hoặc lưu thai.


Nên bắt đầu bổ sung axit folic từ khi nào?


Hầu hết khi thai đã phát triển được 2-3 tuần tuổi, thai phụ mới phát hiện mình mang thai, trong khi ống thần kinh đã bắt đầu phát triển từ khoảng tuần thứ 3 của thai kỳ. Từ ngày thứ 18, ống thần kinh bắt đầu khép lại dần và đến ngày 28 ống thần kinh sẽ khép lại hoàn toàn. Vì vậy, khi có ý định mang thai, bạn hãy chủ động bổ sung axit folic từ 1-3 tháng trước khi thụ thai và trong suốt quá trình mang thai.



Liều lượng axit folic bao nhiêu là đủ?


Tất cả phụ nữ đang mang thai hoặc chuẩn bị mang thai hãy bổ sung cho mình khoảng 400 microgram (0,4mg) axit folic mỗi ngày từ các loại multivitamin hoặc từ các thực phẩm giàu axit folic như các loại đậu, trái cây (cam, chuối), các loại rau xanh (đặc biệt súp lơ xanh), ngũ cốc.





Cơ thể hấp thu axit folic từ các loại multivitamin cao hơn từ các loại thực phẩm do trong quá trình chế biến thức ăn, loại vitamin này đã bị phân hủy một phần. Vì vậy bạn nên uống viên axit folic hoặc các loại multivitamin có chứa hàm lượng axit folic theo yêu cầu.



2.Sắt



Vai trò của sắt: Sắt là nguồn nguyên liệu tổng hợp hemoglobin, giúp vận chuyển oxy trong máu đến các mô trong cơ thể mẹ và thai nhi. Sắt cũng là thành phần của hemoglobin, có trong các mô cơ, có tác dụng dự trữ oxy cho các hoạt động của mô cơ. Ngoài ra, Sắt cũng góp phần cấu tạo nên enzym hệ miễn dịch nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.


Thiếu sắt có thể khiến bà bầu luôn xanh xao, mệt mỏi, khó chịu và nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến nguy cơ sinh non hoặc trẻ thiếu cân.



Mẹ bầu nên bổ sung sắt thế nào cho đúng?


Theo nghiên cứu của các chuyên gia tại Viện dinh dưỡng quốc gia, Phụ nữ lần đầu tiên phát hiện có thai nên uống ngay viên sắt, uống kéo dài tới sau khi sinh 1 tháng. Liều lượng: tối đa 60mg sắt nguyên tố/ngày. Ngoài ra cũng nên sử dụng các thực phẩm có tăng cường sắt cho phụ nữ mang thai như rau bó xôi (rau chân vịt), các loại hạt (hạnh nhân, óc chó…), bí đỏ, trứng gà…




Tuy nhiên, các mẹ cũng không nên bổ sung Sắt bừa bãi. Bởi tác hại của việc thừa sắt cũng không kém việc thiếu sắt. Thừa sắt có thể khiến mẹ bầu tăng nguy cơ bị đái tháo đường, trẻ sinh ra có thể bị vàng da, hệ hô hấp khó hoàn thiện. Ngoài ra, việc thừa sắt có thể dẫn tới việc táo bón, viêm khớp, dẫn tới đau lưng, nhức mỏi chân.


Các mẹ bầu nên đi xét nghiệm, bổ sung sắt một cách hợp lý theo kê đơn của bác sỹ, liều lượng không vượt quá 60mg/ ngày.



3.Canxi



Vai trò của Canxi: Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố, làm chắc xương cho mẹ, xây dựng hệ thống xương vững chắc cho thai nhi. Thiếu canxi khiến mẹ dễ mệt mỏi, chuột rút, đau lưng, rụng tóc. Thai nhi thiếu canxi có thể bị suy dinh dưỡng ngay trong bụng mẹ, gây ra các dị tật về xương, còi xương bẩm sinh.



Bổ sung lượng canxi như thế nào là hợp lý?


Trong thời gian ba tháng đầu của thai kỳ, thai nhi chưa có nhu cầu quá nhiều về canxi, do đó mẹ bầu nên bổ sung khoảng 800mg/ ngày và tăng dần đến 1.000-1.200mg/ngày trong các tháng sau.


Việc bổ sung canxi mẹ bầu có thể dùng viên uống canxi hoặc bổ sung từ các thực phẩm hàng ngày giàu canxi như sữa bột tách béo, rau dền cơm, tôm đồng, lòng đỏ trứng, rau đay, rau muống…




Lưu ý khi bổ sung sắt và canxi: Không uống sắt và canxi cùng nhau hoặc uống sắt với các thực phẩm giàu canxi hoặc ngược lại vì chúng cản trở sự hấp thụ của “đối phương”.



4.Protein (Chất đạm).



Vai trò của Protein: Duy trì năng lượng cho cơ thể đồng thời có vai trò tăng cường hệ miễn dịch cho thai phụ. Protein giúp vận chuyển oxy trong máu, hình thành những mô mới trong cơ thể, giúp mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh.


Bổ sung lượng protein như thế nào là hợp lý?Phụ nữ mang thai cần 90g Protein mỗi ngày.


Các mẹ bầu có thể tăng cường bổ sung Protein từ thịt các loại, trứng, cá, ngũ cốc, chế phẩm từ sữa như sữa chua, phomai.






5.Vitamin và khoáng chất



Không chỉ đối với phụ nữ mang thai mà tất cả mọi người đều cần bổ sung vitamin và khoáng chất. Riêng đối với phụ nữ đang mang thai, việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất giúp mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi phát triển toàn diện, mẹ bầu hạn chế được các tình trạng táo bón, rạn da, sạm da.


Cách bổ sung vitamin và khoáng chất: Từ các loại multivitamin hoặc ăn các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như rau xanh (bông cải xanh, cải bó xôi..), hoa quả như cam, chuối, bưởi ….



6.Tổng hợp các loại thực phẩm tốt cho bà bầu trong ba tháng đầu.



♥ Các loại đậu (đậu bắp, đậu đen), măng tây, trái cây: Đây là những loại thực phẩm chứa axit folic, tránh dị tật thai nhi


♥ Thịt bò và thịt gà: Đây là nguồn cung cấp Protein tuyệt vời, đồng thời có thể cung cấp sắt cho cơ thể.


♥ Rau cải bó xôi, bông cải xanh: giàu chất sắt


♥ Cá: Cá là loại thực phẩm rất tốt cho sự phát triển của thai nhi. Một số loại cá mẹ bầu có thể ăn như cá hồi, cá chép, cá cơm, cá da trơn, … Tuy nhiên, bạn nên tránh một số cá có hàm lượng thủy ngân cao như cá thu, cá kình, cá kiếm


♥ Trứng, sữa chua: nguồn Protein, vitamin D và canxi, rất có lợi cho sự phát triển của thai nhi.


♥ Các loại hạt: như hạt hạnh nhân, óc chó, macca, hạt hướng dương… Đây chính là các món ăn vặt, giúp mẹ bầu đỡ đói bụng vào giữa buổi. Các loại hạt này chứa nhiều khoáng chất và chất béo bão hòa có lợi cho sức khỏe mẹ và bé.



7.Những lưu ý dành cho mẹ bầu.



Một số mẹ bầu sẽ có cảm giác buồn nôn và chán ăn trong khoảng 3 tháng đầu của thai kỳ hoặc hơn tùy vào cơ địa của mỗi người. Rất may trong thời kỳ này, mẹ bầu chưa cần bổ sung quá nhiều năng lượng. Tuy nhiên, mẹ bầu hãy đảm bảo cung cấp đủ 200 – 300 calo mỗi ngày, ăn đủ 3 bữa chính và có thêm 3 bữa phụ.


Nếu cảm thấy buồn nôn, mẹ bầu có thể ăn ít, thức ăn mềm, hạn chế thực phẩm có mùi mạnh như hành, tỏi, sả…, hoặc các đồ chiên, xào. Mẹ bầu có thể sử dụng thêm gừng, chanh, bạc hà …là những thực phẩm có tác dụng giảm nghén.


Để có một khởi đầu tốt đẹp cho bé yêu của mình, các mẹ bầu hãy lưu ý bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như axit folic, sắt, canxi, protein, vitamin và khoáng chất. Mẹ bầu có thể đi khám và xét nghiệm tại các cơ sở y tế uy tín để có thể nhận được sự tư vấn chính xác nhất của các bác sỹ chuyên khoa, tránh việc bổ sung thiếu hay thừa chất, gây ảnh hưởng không tốt tới thai nhi.



Tìm hiểu thêm nhiều chủ đề về chăm sóc Mẹ & Bé tại nguồn:


http://phongbenhchobe.com/che-do-dinh-duong-trong-3-thang-dau-thai-ki-cho-me-va-be/