Trứng là thực phẩm bổ dưỡng cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất nhưng cũng cần ăn đúng cách. Đối với phụ nữ mang thai nên ăn trứng thế nào là có lợi nhất? hãy cùng cha mẹ yêu con tìm hiểu nhé.
1. Lợi ích của việc ăn trứng trong thời kỳ mang thai
Vì có chứa đầy đủ protein chất lượng và các chất dinh dưỡng thiết yếu, trứng là lựa chọn tuyệt vời để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ khi mang thai.
Trứng chứa 13 loại vitamin và khoáng chất khác nhau, cả chất béo omega-3 cũng như chất chống oxy hóa và là nguồn protein chất lượng dồi dào, rất cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của em bé.
Trứng chứa nhiều loại vitamin bao gồm vitamin A, hỗ trợ sự phát triển khỏe mạnh của mắt và da, góp phần vào hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Chúng cũng chứa các chất dinh dưỡng quan trọng khác cho thai kỳ như iốt, folate và sắt.
Trứng còn chứa nhiều choline, một chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của não và tủy sống trong thời kỳ mang thai. Ngoài việc bổ sung acid folic, việc tiêu thụ choline trong thời kỳ mang thai có thể làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh. Tuy nhiên, choline hiếm khi được tìm thấy trong các loại vitamin tổng hợp dành cho bà bầu, vì vậy điều quan trọng là nên tiêu thụ các loại thực phẩm có chứa choline như trứng.
Theo ThS.BS Trần Thị Minh Nguyệt, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, với nguồn dưỡng chất đa dạng, có thể thấy trứng là một loại thực phẩm cần thiết và cân đối dinh dưỡng cho cơ thể, phù hợp với nhiều đối tượng.
Trứng cung cấp protein, tăng cường hệ miễn dịch, cung cấp choline giúp cho các quá trình trao đổi chất của tế bào, não và các cơ quan thần kinh thực hiện chức năng của mình, đồng thời hỗ trợ quá trình vận chuyển các dưỡng chất đi khắp cơ thể, hỗ trợ thai nhi 3 tháng đầu tránh các dị tật và phát triển não bộ.
Ngoài ra trứng còn có tác dụng cải thiện trí nhớ, chống lão hóa da, tăng cường hệ tiêu hóa và có nhiều công dụng trong làm đẹp.
2. Lưu ý cách ăn trứng có lợi cho bà bầu
Trứng là thực phẩm đặc biệt bổ dưỡng cho phụ nữ mang thai nên bà bầu có thể thưởng thức trứng mỗi ngày suốt thai kỳ trong chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh bao gồm nhiều loại thực phẩm, protein từ thịt nạc, thịt gà, rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt...
Trong thời kỳ mang thai, ăn trứng giúp đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày nhưng phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ hoặc có mức cholesterol LDL cao lưu ý Tổ chức Tim mạch khuyến cáo nên hạn chế ăn trứng ở mức 7 quả mỗi tuần.
Ăn trứng đúng cách
- Cần đảm bảo tất cả các món làm từ trứng đều được nấu chín kỹ. Tránh trứng sống trong các thực phẩm như aioli, sốt mayonnaise tự làm, bột bánh hoặc mousse. Mayonnaise trong siêu thị thường an toàn vì chúng được xử lý bằng nhiệt để tiêu diệt mọi vi khuẩn có hại.
- Kiểm tra ngày sử dụng tốt nhất trên bao bì trứng trước khi ăn.
- Tránh chọn những quả trứng có vỏ nứt hoặc bẩn.
- Bảo quản trứng bằng cách cho vào hộp để trong tủ lạnh.
- Không nên cất trứng chung với các thực phẩm khác, hãy để chúng riêng biệt.
- Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi chế biến trứng.
- Ăn các món trứng ngay sau khi nấu là tốt nhất. Trứng còn thừa phải bảo quản cẩn thận trong ngăn mát tủ lạnh và không nên để quá 24h.
Cảnh giác nhiễm khuẩn salmonella từ trứng
Trứng sống có thể chứa vi khuẩn salmonella. Loại vi khuẩn này được tìm thấy nhiều trên vỏ trứng và cả bên trong trứng. Do đó, nếu chúng ta ăn trứng sống hoặc chế biến không đúng cách như không rửa sạch trứng, chần trứng chưa chín rất dễ bị ngộ độc. Đặc biệt, phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị ngộ độc và có nguy cơ nặng hơn so với người khỏe mạnh bình thường.
Các triệu chứng điển hình ngộ độc cấp tính bao gồm: đau bụng, co thắt, sốt, ớn lạnh, tiêu chảy, đau cơ, buồn nôn, nôn, có dấu hiệu mất nước, phân có máu… Các chủng vi khuẩn salmonella đôi khi gây nhiễm trùng trong nước tiểu, máu, xương, khớp hoặc hệ thần kinh (dịch tủy sống và não)... rất nguy hiểm.
Thận trọng với nguy cơ dị ứng trứng
Trứng là một trong những thực phẩm dễ gây dị ứng. Các triệu chứng dị ứng sau khi ăn trứng bao gồm: đau bụng, rối loạn tiêu hóa, phát ban, có vấn đề về đường hô hấp, hiếm gặp sốc phản vệ.
Hầu hết các protein gây dị ứng được tìm thấy trong lòng trắng trứng. Do đó, dị ứng lòng trắng trứng thường phổ biến hơn. Cách điều trị và phòng ngừa tốt nhất là không sử dụng trứng trong chế độ ăn nếu có biểu hiện dị ứng trứng. Nếu bà bầu không bị dị ứng với trứng thì nên sử dụng trứng trong thời kỳ mang thai như một phần của chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng bao gồm nhiều loại thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng.
Tóm lại từ những thông tin trên mà cha mẹ yêu con. com cung cấp thì trứng là thực phẩm giàu dinh dưỡng và rất có lợi cho sức khỏe của bà bầu nếu được sử dụng đúng cách. Để tối ưu hóa lợi ích, bà bầu nên ăn trứng đã được nấu chín kỹ nhằm tránh nguy cơ nhiễm khuẩn, đặc biệt là salmonella. Bằng cách kết hợp trứng vào chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng, mẹ bầu có thể tận dụng nguồn protein, vitamin D, và các dưỡng chất quan trọng giúp hỗ trợ sự phát triển của thai nhi và duy trì sức khỏe cho bản thân.