Từ lúc tôi cấn bầu, mẹ chồng tôi thường nhắc thay đổi một vài thói quen không tốt. Bà lo lắng rằng, những thói quen đó không chỉ có hại cho sức khỏe của cả tôi và con, mà ít nhiều còn “di truyền” sang bé. Kinh nghiệm của một bà mẹ hai con của tôi phần nào chứng minh nỗi lo của mẹ chồng là có cơ sở.
>> Mời xem thêm:
Thức khuya
Vì tính chất công việc, tôi thường phải thức khuya để giải quyết những vấn đề phát sinh, mà việc nào cũng gấp gáp nên việc thức đến 2-3h sáng là chuyện thường ngày. Hơn nữa, tình trạng nghén ngủ khiến tôi có thể ngủ ngay khi đặt mình xuống, nhưng cứ tầm nửa đêm là hai mắt chong chong. Tình trạng này kéo dài suốt thai kỳ, nhất là những tháng cuối, khi thai lớn khiến tôi thường xuyên nhức mỏi cơ thể và khó ngủ.
Không biết, có phải “di truyền” từ mẹ không, mà con tôi thường xuyên “lấy đêm làm ngày” trong suốt 3 tháng đầu. Ban ngày, con tôi ngủ ro ro liên tục 3-4 tiếng, chỉ dậy khi đói bụng và ăn xong lại ngủ. Những lúc con ngủ, tôi tranh thủ dọn dẹp, ăn uống, tắm rửa và làm mấy việc linh tinh. Nhưng đêm đến khi ba mẹ buồn ngủ sụp cả mắt thì con tôi lại nằm ê a nói chuyện, khóc quấy. Đó là thời gian “kinh hoàng” của hai vợ chồng tôi, mà nếu không có sự góp sức của bà nội thì chúng tôi sẽ sớm rơi vào khủng hoảng.
Rút kinh nghiệm với bé thứ hai, tôi cố gắng sinh hoạt có nề nếp. Mỗi ngày ngủ trưa 1 tiếng, tối 8 giờ là tắt đèn đi ngủ, sáng dậy sớm tập vài bài thể dục nhẹ nhàng. Trộm vía, bé thứ hai của tôi ngủ ngoan hơn hẳn bé đầu. Bé có thể ngủ suốt đêm, chỉ ăn một lần trước khi ngủ và một bữa sữa nữa lúc nửa đêm. Hai vợ chồng tôi có thể thoải mái ngủ ngon để tái tạo năng lượng cho một ngày mới.
Cáu kỉnh
Tôi vẫn nhớ, không chỉ mẹ chồng, mà cả mẹ đẻ tôi cũng thường nhắc tôi phải “đi nhẹ nói khẽ” lúc mang bầu. Tôi lúc đó không tin lắm, tôi sinh con trai, thì sao phải “đi nhẹ nói khẽ”? Phải “mạnh mẽ” lên chứ! Mà sao khi có bầu, người ta dễ stress và nổi giận thật. Tôi cáu gắt đến nỗi, chồng tôi cũng… phát sợ! Không biết có phải “học” từ mẹ hay không mà con trai tôi rất cáu bẳn. Bé ít cười, hay chau mày, không hòa đồng, thường cáu kỉnh khi không làm được điều gì như ý. Một lần, khi không được ăn món chocolate yêu thích, cậu hét: “Bực mình quá à!”làm tôi cũng… giật mình. Đó là câu cửa miệng của tôi chứ đâu!
Bé thường xuyên cáu gắt khi không vừa ý
Ngược lại, bé thứ hai của tôi lại rất hay cười, thảo tính và hòa đồng đến nỗi ai giơ tay bế cũng theo. Mỗi khi bà, hay ba mẹ đi đâu về, bé đều lũn cũn chạy ra đón, ai cũng yêu. Có lẽ nhờ mẹ nó đã rút kinh nghiệm, kìm chế nóng giận, đã biết thư giãn và suy nghĩ tích cực từ khi mang bầu.
Kén ăn
Tôi nổi tiếng kén ăn từ bé, thứ gì thích là ăn miết, thức nào không thích thì kiểu gì cũng không ăn. Đã thế, cơn nghén của thai kỳ khiến tôi cực khó nuốt, cứ nghe hơi đồ ăn là mắc ói. Có thời kỳ, tôi chỉ ăn cháo trắng với chà bông; hoặc cứ ăn xong là ói. Đến khi sinh con, tôi đến khổ với chứng hay ói của con. Ngày nào bé cũng bị nôn trớ: ăn nhiều - trớ; cười đùa to - trớ; ho - trớ; thậm chí uống nước xong cũng trớ sạch đồ ăn mới ăn trước đó. Và bé cũng cực kỳ kén ăn: chỉ ăn món bé thích, nếu không có thì… nhịn cũng được.
Bé thứ hai, dù vẫn rất nghén nhưng tôi cố gắng lấy ăn uống làm niềm vui. Nghĩa là, dù ăn ít hay ăn nhiều cũng ăn trong vui vẻ, không cầu kỳ như trước. Có lẽ vì thế bé thứ hai của tôi ai cũng yêu nết ăn. Bé không bị nôn trớ như anh hai, có phản xạ nhai từ rất sớm và bé ăn rất nhiệt tình. Với bé thứ hai, tôi không còn áp lực chuyện ăn uống của con nữa. Lòi khuyên cho các bà bầu là: Hãy ăn uống với thái độ vui vẻ, đừng nhăn nhó.
Lười vận động
Các bà bầu trong thời kỳ nghén ngẩm thường chỉ thích được nghỉ ngơi, nhất là những mẹ bầu có nguy cơ sảy thai lại càng hạn chế vận động. Nhưng thực tế, vận động nhẹ khiến cơ thể mẹ bầu đỡ mệt mỏi hơn là nằm ì một chỗ. Tập thể dục nhẹ nhàng, làm những việc nhà đơn giản, không nguy hiểm khiến mẹ bầu trở nên dẻo dai hơn, tránh bị nhức người sau này. Có lẽ, việc truyền tin thông tin từ mẹ sang con trong thời gian mang thai rất mật thiết, nên khi mẹ chịu khó vận động, tích cực suy nghĩ… sẽ kích thích não bộ của bé, giúp bé thông minh và hoạt bát hơn.
Thi thoảng, mẹ bầu cũng có thể nghỉ ngơi thư giãn, nhưng đừng bao giờ vin vào cớ “có bầu” phải kiêng cữ để nghỉ ngơi nhiều hơn cả về thể chất và trí tuệ. Sự lười biếng, ít vận động của mẹ có thể “di truyền” sang con bạn, khiến bé chậm chạp hơn các bạn cùng trang lứa.