Trong 9 tháng mang thai, các mẹ sẽ có nhiều sự thay đổi qua các giai đoạn khác nhau. Ai cũng đều mong muốn con mình được khỏe mạnh, phát triển bình thường qua từng giai đoạn. Tuy nhiên vẫn có một số ít trường hợp ngoại lệ và việc mẹ bầu cần tăng hiểu biết để tự bảo vệ chính mình trong quá trình thai nghén là rất cần thiết. Cùng Smee điểm qua một số biến chứng thai kỳ nguy hiểm mẹ cần thận trọng phòng tránh.
Mang thai ngoài tử cung
Biến chứng thai kỳ nguy hiểm đầu tiên cần nhắc tới đó là thai ngoài tử cung. Khi đó thai làm tổ ở những vị trí khác như: vòi tử cung, buồng trứng, ổ bụng,… chứ không làm tổ tại tử cung. Trong trường hợp này, thai sẽ không được bảo vệ bởi buồng tử cung và gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ bầu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Mang thai ngoài tử cung sẽ có một số dấu hiệu cụ thể như: ra máu âm đạo, đau vùng bụng hoặc vùng xương chậu dữ dội, hay bị choáng váng chóng mặt gây ngất,… Khi gặp những dấu hiện này các mẹ nên nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và đưa ra lời khuyên phù hợp.
Tiền sản giật
Trong các biến chứng thai kỳ nguy hiểm không thể không kể đến biến chứng tiền sản giật. Biến chứng này ảnh hưởng đến 5% phụ nữ mang thai. Từ tuần thứ 20 trở đi, mẹ sẽ chẩn đoán được biến chứng này. Tiền sản giật mức độ nặng sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho cả mẹ và bé như: gây phù não, suy tim, rối loạn đông máu,.. đối với mẹ; gây phát triển chậm, sinh non, thai lưu đối với thai nhi.
Tiền sản giật sẽ có một số dấu hiệu nhận biết trong 3 tháng cuối thai kỳ như: Protein dư thừa trong nước tiểu của sản phụ, tăng cân đột ngột, phù mặt, nhức đầu dữ dội, lượng nước tiểu giảm, chức năng gan suy giảm,…
Biến chứng tiểu đường thai kỳ
Tuy không quá gây nguy hiểm nhưng biến chứng tiểu đường thai kỳ xảy ra khá phổ biến trong giai đoạn mang thai (chiếm khoảng 2-10%). Từ tuần 24 trở đi mẹ nếu gặp những biểu dưới đây nên đi xét nghiệm để kiểm soát lượng đường huyết:
- Cảm thấy cơ thể mất nước, thường xuyên khát nước, hay thức dậy giữa đêm để uống nước.
- Đi tiểu nhiều lần và lượng nước tiểu nhiều.
- Thai phụ bị sụt cân, luôn trong tình trạng mệt mỏi.
- Dễ bị nhiễm nấm ở vùng kín, dùng thuốc trị nấm thông thường không hiệu quả.
Nếu bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, các mẹ phải được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ, kiểm soát lại chế độ ăn uống và tập thể dục để sinh con khỏe mạnh, tránh tình trạng ảnh hưởng về sau đối với cả mẹ và con.
Thiếu ối
Túi ối giữ vai trò rất quan trọng đối với sự sống và phát triển của thai nhi. Thiếu ối là tình trạng khi túi ối của mẹ có quá ít chất lỏng. Theo thống kê tại Mỹ, có khoảng 8% thai phụ bị vấn đề này ở giai đoạn cuối thai kỳ. Chiếm 30% không tìm được nguyên nhân thiếu ối nên nếu điều này xảy ra, mẹ cần theo dõi đặc biệt để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Một số biện pháp phòng ngừa vấn đề thiếu ối như: vào 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ nên tập thói quen uống nhiều nước trung bình 2 lít/ ngày, có thể là nước khoáng hoặc nước trái cây đều cần thiết.
Sinh non
Nếu trong quá trình mang thai, mẹ xuất hiện các cơn co thắt bụng thường xuyên làm cho cổ tử cung mở rộng trước 36 tuần thai thì rất dễ đó là dấu hiệu mẹ có khả năng sinh non. Sinh thiếu tháng gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ, thậm chí có thể gây tử vong nếu bé trào đời quá sớm so với dự kiến.
Một số dấu hiệu dọa sinh non các mẹ cần thận trọng như:
- Dịch tiết âm đạo có sự thay đổi (rỉ dịch lỏng, nhầy hơn hoặc có máu).
- Đau lưng ở vùng thấp liên tục, âm ỉ.
- Đau quặn bụng giống đau bụng kinh, hoặc đau kèm với những cơn co thắt tử cung liên tục.
- Vỡ màng ối (thấy nước ối xuất hiện và tuôn ra ngoài, đôi khi chỉ là một giọt chất lỏng).
Như vậy, các biến chứng trong thời kỳ mang thai đều gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Vì vậy, các mẹ cần khám thai định kỳ theo lời khuyên của bác sĩ để khắc phục kịp thời nếu chẳng may gặp phải những biến chứng thai kỳ nguy hiểm. Smee chúc các mẹ có thời kỳ mang thai thật khỏe mạnh!