“Trời ơi! Áp lực quá! Mệt mỏi quá!” – Có phải là tâm trạng chung khi vừa mới sinh con phải không các mẹ mình ơi? Hay có những lúc tự dưng cảm thấy sao cô đơn quá vậy nè, không ai thấu hiểu được mong muốn của mình.
Áp lực sau sinh – Đương đầu – Giải tỏa
Với bản thân:
– Dám thừa nhận với chính mình rằng: “Tôi đang thực sự không ổn!” Dũng cảm đương đầu với nó.
– Chăm sóc bản thân:
+ Tranh thủ ngủ, nghỉ khi có thể thay vì thức để suy nghĩ vẩn vơ
+ Học cách thư giãn: đọc sách, đi dạo, tập yoga, tập thể dục nhẹ nhàng,… Bỏ ra ít phút thôi nhưng duy trì đều đặn sẽ mang lại tâm trạng thoải mái. Đứa trẻ mới sinh sẽ phát triển tốt hơn nếu có một bà mẹ thư thái;
+ Ăn uống đa dạng, không quá kiêng khem, bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin B, C, kẽm, magie, omega-3.
– Chăm sóc gia đình bằng tình yêu thương và khả năng vốn có, làm những gì có thể làm, không tự đòi hỏi mình quá nhiều.
– Coi việc làm mẹ như một công việc mới, đầy ắp điều mới mẻ với những trải nghiệm mới, những niềm vui mới đang đón chờ. Thay vì xem đó như trách nhiệm nặng nề.
– Không nhìn vào hình mẫu nào đó, đem so sánh với bản thân, rồi tự hạ thấp mình. Lấy khuyết điểm làm động lực để chị em mình phấn đấu mỗi ngày. Nhưng đừng quá sức, miễn bản thân cảm thấy vui và thoải mái là được.
– Luôn tích cực hóa mọi chuyện: “Cái này dễ mà!”; “Chưa làm được? Không sao, từ từ cố gắng thêm được mà.”; “Con khó chăm nhưng bé sẽ sớm dễ chịu hơn, ai rồi cũng trải qua như mình thôi”…
– Không quá ôm đồm mà nên ưu tiên những việc quan trọng hơn làm trước, những việc ít quan trọng hơn làm sau.
– Đến gặp bác sĩ tâm lý khi cảm thấy không thể tự mình thực hiện tất cả những điều trên.
Với con:
– Thừa nhận sự tồn tại của bé – mình đã thực sự có con, thực sự làm mẹ.
– Kiềm chế cảm xúc, kiên nhẫn với con.
– Vạch ra những việc cần phải làm trong một ngày cho con, sắp xếp chúng theo thời gian biểu phù hợp. Tuy nhiên không nên quá cứng nhắc, lỡ làm việc gì trễ hơn một chút so với dự định cũng không sao, cố gắng ngày mai làm đúng hơn là được.
– Trò chuyện với con khi có thể, vì giai đoạn từ 0-3 tuổi hoạt động chủ đạo của bé là giao lưu trực tiếp với người chăm sóc. Ôm con vào lòng để con cảm nhận hơi ấm, tạo sự tương tác giữa mẹ và con bằng ánh mắt.
– Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân để phụ chăm sóc bé, có như vậy áp lực mới không đổ dồn hết về mình.
– Tham gia các hội nhóm về nuôi dạy trẻ để có thêm nhiều kiến thức, trở thành những bà mẹ thông thái. Vietbaby cũng là một trang để các gia đình tham khảo.
Với chồng:
– Dành cho chồng những lời động viên, khích lệ để người chồng cảm nhận được sự tin tưởng của vợ.
– Tranh thủ quan tâm, hỏi thăm về công việc, sức khỏe, mong muốn của chồng.
– Tâm sự những khó khăn của bản thân với chồng, ngỏ ý khi cần sự chia sẻ, giúp đỡ từ chồng.
Có rất nhiều mẹ sau sinh cảm thấy khó có thể nhận được sự đồng cảm từ gia đình. Hoặc nghĩ rằng mới sinh con thì làm gì có thời gian dành cho bản thân. Nhưng tất cả mọi việc đều có thể, nếu như các chị thật sự muốn nói ra hết những chất chứa trong lòng và thật sự có một thời gian biểu hợp lý, khoa học.