Có bầu đi khám thai là chuyện quá đỗi quen thuộc rồi đúng không các mẹ? Tuy nhiên, với ai mang thai lần đầu còn nhiều bỡ ngỡ thì việc viếng thăm bệnh viện cũng có nhiều điều lo lắng lắm. Sợ nhất là khám lâu, kết quả sai lệch hoặc bác sĩ cứ lạnh lùng kiểu gì ấy.


Hôm qua có chị kia lên mạng đăng bài nói là lỡ uống mấy liều thuốc cảm xong phát hiện có bầu, sợ con bị dị tật nên đến bác sĩ tư giỏi để siêu âm. Vì lo quá nên trong lúc siêu âm, chị nằm ríu rít hỏi bác kết quả thế nào, có nên giữ con không mà bác sĩ cứ im im “mặt lạnh” không nói tiếng nào làm chị ấm ức nguyên ngày hôm đó.



Các mẹ ạ, vì bệnh viện hoặc phòng khám khá đông đúc, bác sĩ khám nhiều người cũng mệt nên khi đi khám, có một số quy tắc ngầm mà bất cứ bà bầu nào cũng phải tuân thủ. Sau 3 lần bầu bì và sinh em bé, em đã đúc kết được kha khá kinh nghiệm trong vụ này. Nhân vụ chị kia đăng đàn bày tỏ nỗi lòng, em chia sẻ ra đây 7 điều cấm kỵ khi đi khám thai mà các mẹ bầu nhất định phải biết.





1/ Đi khám dẫn theo nhiều người thân


Các mẹ thường đi khám thai với ai? Em thì được chồng chở đi, nếu trúng hôm chồng bận thì nhờ con bạn thân. Vậy mà có lần em thấy mẹ kia đi khám thai dẫn theo 3-4 chị nữa, hình như đều là người nhà cả, vô ngồi nói chuyện ì xèo rất mất trật tự. Bác sĩ phải ra cảnh cáo luôn là hiểu. Rồi lần khác có thấy mẹ nó đi khám thai mà đưa theo 2 đứa con nhỏ chút xíu nữa, tụi nó chạy giỡn xém húc phải các mẹ khác, ai cũng sợ sệt lắc đầu ngán ngẩm.


Các mẹ ạ, khi đi khám thai, các mẹ chỉ nên nhờ 1 người thân chở đi, đến nơi họ giúp mình nộp sổ sách, lấy số thứ tự, cầm giùm đồ đạc tư trang… Không nên dẫn theo nhiều người vì như thế sẽ chiếm hết chỗ ngồi chờ của các bà bầu khác, lại đông đúc nóng nực, nói cười gây mất trật tự, bác sĩ và sản phụ cũng không tập trung được.





2/ Không nhớ rõ thông tin của mình


Mỗi ngày, một bác sỹ phải tiếp xúc với hàng trăm bà bầu. Vì vậy, mỗi lần siêu âm cho một mẹ bầu chỉ kéo dài khoảng chừng 5 phút. Mẹ phải chuẩn bị kĩ càng thông tin của mình như: ngày tháng năm sinh, lịch sử kinh nguyệt (ngày bắt đầu chu kỳ kinh cuối cùng của mình), đây là lần sinh thứ mấy, lần sinh trước là khi nào, chế độ ăn uống của mẹ dạo này ra làm sao, mẹ có bất thường gì trong quá trình mang thai hay không…



Tuy nhiên, nhiều mẹ có thai, đi khám mà lại không quan tâm đến bản thân mình, không nhớ được các thông tin cơ bản trên khiến bác sỹ khó chẩn đoán hoặc chẩn đoán nhầm.





3/ Quên mang giấy tờ, sổ khám cá nhân


Đi khám thai, mẹ nhất định phải mang đầy đủ giấy tờ như: CMND, phiếu bảo hiểm xã hội, sổ khám thai, phiếu siêu âm của các lần trước… để có thể nhanh chóng làm thủ tục khám, tránh trường hợp nhớ trước quên sau, vừa mệt mình mà lại vừa mất thời gian của nhân viên, bác sĩ và các mẹ bầu khác.






4/ Hỏi quá nhiều



Khi đi khám thai, các mẹ nên kiên nhẫn chờ bác sĩ thăm khám, siêu âm xong xuôi là sẽ có kết quả. Nếu đọc kết quả mẹ không hiểu thì có thể nhờ giải thích thêm. Không nên hỏi quá nhiều trong lúc y tá, bác sĩ đang khám sẽ làm họ mất tập trung, chẩn đoán, ghi các thông số sai lệch. Nhiều bác sĩ khám cả buổi mệt mỏi mà gặp mẹ nào liên tục hỏi sẽ khiến họ khó chịu, làm “mặt lạnh” với mình, cuối buổi khám mình có muốn hỏi thêm thông tin gì họ cũng sẽ trả lời hời hợt, ít thiện cảm. Vì vậy các mẹ nhớ phải từ từ đừng vội vàng quá nha.



5/ Mất tập trung



Vẫn biết bầu bì mệt mỏi nhưng mẹ cũng phải thật tập trung khi đi khám thai. Mẹ mất tập trung không nghe thấy người ta gọi tới lượt mình vô phòng khám hoặc bác sĩ hỏi mà không trả lời đúng, đủ và kịp thời thì sẽ rắc rối lắm đấy nha.






6/ Khóc lóc, mất bình tĩnh


Nếu bác sỹ thông báo cho mẹ bầu một thông tin xấu về thai nhi, nhiều mẹ ngay lập tức tỏ ra mất bình tĩnh, sợ hãi, thậm chí là khóc nức nở, ngất xỉu… Các mẹ nên học cách kiềm chế bản thân mình. Ngay những lúc này đây, các mẹ cần phải bình tĩnh nhất để nghe bác sĩ giải thích rõ tận tường, tránh hiểu sai lệch thông tin. Từ đó, các mẹ sẽ có hướng đi đúng đắn, chẳng hạn như biết rõ tình hình mình đang mắc phải là gì, chắc chắn ngày nào bác sĩ hẹn khám lại, nếu tình hình xấu đi thì cách giải quyết nào là tốt nhất. Nếu mẹ không giữ bình tĩnh chỉ có thể làm hại con thêm mà thôi.


7/ Không tuân thủ chỉ định của bác sĩ


Trước, trong và sau khi khám, mẹ tuyệt đối phải tuân theo những chỉ định của bác sĩ. Chẳng hạn nếu hôm đó bác sĩ hẹn xét nghiệm máu, nước tiểu thì mẹ chỉ được ăn sáng nhẹ bằng thức ăn loãng cách đó vài tiếng đồng hồ hoặc đợi khám xong rồi ăn sau. Nếu bác sĩ bảo vô phòng vệ sinh lấy nước tiểu thì phải đi làm ngay, tránh kéo dài thời gian. Khám xong bác sĩ yêu cầu về nhà kiêng thứ này thứ nọ, ngày mấy tái khám thì nhất định mẹ phải để ý để làm đúng.






Dưới đây là các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu nhất định không được bỏ qua để bảo vệ con yêu:


-Đi khám ngay từ khi phát hiện có thai



-Tuần thai thứ 11 đến 13



-Khi con yêu được từ 14 đến 17 tuần



-Con đã được từ 21 đến 24 tuần



-Khi bé yêu được 32 tuần


-Con được 37 tuần trở đi.