Tuân thủ lịch khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ là một trong những việc rất quan trọng mà mẹ bầu không được bỏ qua.

Tâm lý mẹ bầu nào khi biết mang thai đều quan tâm đến thời điểm các cột mốc đi khám thai. Như em đây dù lần này đã sinh đứa thứ 2 rồi nhưng khi ai hỏi tuần thai đó là bác sỹ sẽ kiểm tra những vấn đề gì trong thai kỳ là em không nhớ được. Vậy nên hôm nay em lướt Face book thấy bài viết đầy đủ của bác sỹ sản khoa Nguyễn Thị Thùy Linh đăng trên toppic dành cho mẹ bà bé, em chia sẻ lên đây để các mẹ đang mang thai nắm rõ nhé.

1. Lần khám thai đầu tiên

Thời điểm mẹ thấy bị trễ kinh từ 1-3 tuần và có những dấu hiệu nghi ngờ có thai như ốm nghén, nôn, buồn nôn, thử que thử thai cho kết quả 2 vạch,... thì cần đến khám thai lần đầu tiên để xác định đã mang thai thật sự hay chưa.

Lúc này, các xét nghiệm được thực hiện đó là xét nghiệm máu và siêu âm thai. Ngoài ra, tại buổi khám này, bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ cách bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết khi mang thai, tư vấn lối sống, dặn dò các loại thuốc và thực phẩm cần tránh trong thai kỳ...

hình ảnh

2. Lần khám thai thứ 2: Từ 11-13 tuần

Vào khoảng tuần 11-12, sản phụ được siêu âm thai để kiểm tra sự phát triển của thai cũng như tính được ngày dự sinh. Bác sĩ cũng sẽ chỉ định làm xét nghiệm Double test và siêu âm kiểm tra các bất thường lớn có thể gặp ở tuổi thai này ví dụ như: Thai vô sọ, thoát vị rốn, bàng quang lớn... đặc biệt là siêu âm đo độ mờ da gáy để đánh giá thai nhi có nguy cơ bị Down hay không.

3. Lần khám thai thứ 3: Từ 16-20 tuần

Nếu chưa được thực hiện xét nghiệm Double test, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm Triple test. Đến tuần thứ 20 thì có thể phát hiện được huyết áp thai kỳ để đề phòng được bệnh lý tiền sản giật. Trong lần khám này thì có thể biết được bào thai có bị suy dinh dưỡng hay không, từ đó sẽ có những thay đổi trong khẩu phần ăn của người mẹ để khắc phục tình trạng này.

4. Lần khám thai thứ 4: Từ 21- 25 tuần

Vào khoảng tuần thứ 21- 22, sản phụ tiếp tục được siêu âm hình thái chi tiết kiểm tra kĩ về dị tật của thai và sự phát triển của đứa trẻ trong tử cung.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn hình: sohu

5. Lần khám thai thứ 5: Từ 26- 30 tuần

Sản phụ được thăm khám thai và thực hiện xét nghiệm kiểm tra vào tuần thứ 26. Đặc biệt, trong các mốc khám thai định kỳ thì đây là lần khám thai mà sản phụ sẽ được tiêm mũi vắc-xin phòng uốn ván đầu tiên và làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

6. Lần khám thai thứ 6: Từ 31- 35 tuần

Từ tuần 31- 32 thì sản phụ sẽ được khám, siêu âm và thực hiện tiêm phòng vắc-xin uốn ván lần thứ 2 trong thai kỳ của mình. Trong lần khám này thì sẽ biết được ngôi thai, khung chậu có bị bất xứng với trọng lượng thai không... từ đó có thể tiên lượng quá trình đẻ một cách tốt nhất.

7. Lần khám thai thứ 7

Đây là mốc khám thai quan trọng nhất trong tất cả các mốc khám thai định kỳ. Đây có thể là thời gian sinh của sản phụ, có thể là sinh thường hoặc sinh mổ. Một số trường hợp như nhau tiền đạo, hẹp khung chậu, có vết mổ cũ thì chỉ định sinh mổ là bắt buộc.

Trong giai đoạn chuẩn bị sinh này thì sản phụ sẽ được theo dõi kỹ càng về tình trạng sức khỏe, tình trạng nước ối, nhau thai, tình trạng thai nhi, tim thai, trọng lượng thai, ngôi thai... để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ và cuộc sinh được tiến hành thuận lợi nhất.

Trên đây là toàn bộ mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu không được quên, đặc biệt nếu trong thời gian mang thai mà mẹ thấy các dấu hiệu đau bụng, ra huyết cần đi khám ngay. Hoặc nếu đi tiểu buốt cũng cần đi khám vì có thể bị viêm đường tiết niệu vô cùng nguy hiểm. Khi thấy đột ngột hết nghén, đầu ti thâm bỗng hồng hào trở lại thì đi khám ngay.

Chúc các mẹ bầu thai kỳ an toàn và mẹ tròn con vuông nhé.