Biến chứng nhau thai có thể xảy ra trong lúc mang thai và ngay sau khi sinh, gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.
Nhau thai đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giữ cho thai nhi có thể sống và phát triển khỏe mạnh trong suốt thai kỳ. Nếu nhau thai gặp biến chứng, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sự an toàn của thai nhi và cả người mẹ. Do đó, mẹ bầu cần tìm hiểu cách giữ sức khỏe cho nhau thai, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng.
Ảnh hưởng của nhau thai đến thai kỳ
1. Nhau thai là gì?
Nhau thai có nhiệm vụ chính là lọc, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi
Nhau thai là một cơ quan rất quan trọng, phát triển trong thời kỳ mang thai, gắn liền với niêm mạc tử cung. Nhau thai có nhiệm vụ chính là lọc, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi thông qua dây rốn.
- Lọc oxy và chất dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi
Máu từ mẹ đi qua nhau thai sẽ được lọc oxy, glucose và các chất dinh dưỡng để truyền đến thai nhi. Ngoài ra, nhau thai còn có nhiệm vụ lọc các chất gây hại, carbon dioxide ra khỏi máu thai nhi. Nhau thai giúp đưa chất thải của thai nhi trở lại cơ thể mẹ rồi ra ngoài theo đường nước tiểu.
- Hoạt động như phổi của thai nhi
Nhau thai còn hoạt động như một lá phổi cung cấp oxy cho thai nhi trong thời kỳ phát triển trong bụng mẹ. Nguyên nhân là chỉ khi chào đời, em bé mới bắt đầu hô hấp bằng phổi của mình.
- Bảo vệ an toàn cho thai nhi
Nhau thai giúp chống các bệnh nhiễm trùng bằng cách giữ máu của mẹ tách biệt với máu của thai nhi. Em bé ở cuối thai kỳ còn được nhau thai truyền kháng thể để bảo vệ sau khi chào đời.
- Điều chỉnh đường huyết
Để đảm bảo cơ thể mẹ đủ lượng đường trong máu cung cấp cho bé một cách hiệu quả, nhau thai sản xuất hormone để giữ lactose luôn có trong nhau.
- Ngăn ngừa co thắt tử cung trong quá trình mang thai
Nhờ lượng lớn các hormone estrogen và progesterone được nhau thai tiết ra, các cơn co thắt tử cung sẽ được ngăn ngừa cho đến khi em bé sẵn sàng. Những hormone này cũng giúp mô tử cung mềm hơn để chuẩn bị cho kỳ vượt cạn.
2. Vị trí nhau thai
Tùy mỗi người mà nhau thai sẽ có vị trí bám khác nhau. Vị trí bám nhau được xem là bình thường trong 4 trường hợp:
- Nhau bám mặt trước (phía trước thành tử cung), trường hợp này thai phát triển bình thường, tuy nhiên có thể sẽ chỉ định sinh mổ.
- Nhau bám mặt sau (phía sau thành tử cung).
- Nhau bám ở phía trên thành tử cung.
- Nhau bám ở bên phải hoặc bên trái tử cung.
Thường trong tờ kết quả siêu âm sẽ được để rõ thông tin vị trí của nhau thai. Nếu thuộc một trong bốn vị trí trên đây thì mẹ bầu có thể yên tâm, thai nhi có thể phát triển an toàn và bình thường.
3. Dấu hiệu nhau thai bất ổn
Nếu phát hiện cơ thể mẹ bầu có một trong những dấu hiệu bất ổn, cần phải đến ngay bệnh viện để khám. Những dấu hiệu cảnh báo biến chứng nhau thai thường gặp là xuất huyết âm đạo, đau bụng, đau lưng, cơn co tử cung.
Các biến chứng nhau thai cần lưu ý
1. Nhau cài răng lược
Đây là một trong những biến chứng nhau thai vô cùng nghiêm trọng, nguyên nhân hàng đầu gây sinh non, xuất huyết ồ ạt khi chuyển dạ. Nếu có tiền sử từng phẫu thuật tử cung, tình trạng sẽ càng nghiêm trọng, nguy hiểm tính mạng mẹ và con.
Nhau cài răng lược là biến chứng nhau thai vô cùng nghiêm trọng
Nhau cài răng lược là tình trạng nhau bám quá chắc và quá sâu vào thành tử cung. Triệu chứng là chảy máu âm đạo trong 3 tháng cuối thai kỳ. Bà bầu nên đi khám thai đầy đủ để phát hiện sớm. Nếu gặp trường hợp nhau cài răng lược, bác sĩ có thể chỉ định sinh mổ, phẫu thuật loại bỏ nhau thai.
2. Nhau tiền đạo
Nhau tiền đạo là tình trạng nhau bao phủ một phần hoặc tất cả cổ tử cung, chặn đường ra khiến thai nhi không ra bên ngoài được. Nhau tiền đạo sẽ gây nguy hiểm cho mẹ và con trong lúc sinh, vì có thể gây chảy máu nghiêm trọng lúc chuyển dạ.
Nhau tiền đạo được phân chia thành 4 loại dựa theo vị trí bám:
- Nhau bám thấp: Bờ bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung nhưng không nằm ngay vị trí cổ tử cung.
- Nhau bám mép: Bờ bánh nhau đã ở ngay gần lỗ cổ tử cung.
- Nhau tiền đạo bán trung tâm: Bánh nhau che kín một phần cổ tử cung.
- Nhau tiền đạo trung tâm: Bánh nhau che kín hoàn toàn cổ tử cung.
Nhau tiền đạo được phân thành 4 loại dựa theo vị trí bám lần lượt từ trái sang là bám thấp, bám mép, bán trung tâm, trung tâm
Nhau tiền đạo thường không có triệu chứng rõ ràng, chỉ phát hiện thông qua siêu âm. Ở nửa đầu thai kỳ, nhau tiền đạo có thể tự điều chỉnh lại. Nhưng nếu kéo dài đến nửa cuối thai kỳ, có thể xuất hiện dấu hiệu chảy máu âm đạo. Nhưng mẹ bầu vẫn không cảm thấy đau nên dễ dàng bỏ qua.
Các mẹ bầu có tiền sử mang đa thai, từng đình chỉ thai hoặc phẫu thuật tử cung sẽ có nguy cơ cao bị nhau tiền đạo. Một khi phát hiện nhau tiền đạo, bác sĩ sẽ theo dõi, không xuất huyết thì không có gì đáng lo.
Một khi gặp biến chứng nhau tiền đạo, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ, vì cổ tử cung đã bị nhau thai bịt kín, không thể sinh thường. Trường hợp máu ra không ngừng, người mẹ có thể phải thúc sinh sớm.
3. Nhau bong non
Nhau thai là cơ quan quan trọng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi, đồng thời thải độc cho thai nhi. Một khi nhau thai rời khỏi thành tử cung sớm sẽ khiến thai nhi thiếu oxy và thiếu dinh dưỡng để phát triển.
Tình trạng nhau bong non thường làm tăng nguy cơ sinh non, thai nhi kém phát triển. Nhau bong non được đưa vào nhóm cấp cứu sản khoa, diễn tiến rất nhanh, có thể gây nguy hiểm tính mạng cả mẹ lẫn con.
10 – 15% trường hợp mất con ở 3 tháng cuối thai kỳ là do nhau bong non. Nhau đã bong ra có nghĩa là dòng máu nuôi dưỡng thai nhi cũng bị cắt đứt. Lúc này thai nhi cần được đưa ra ngoài ngay. Một số trường hợp bong quá sớm từ tuần thứ 20, thai nhi sẽ rất khó để giữ lại.
Các triệu chứng của nhau bong non là đau bụng đột ngột và dữ dội, bụng cứng như gỗ, ra máu âm đạo loãng, sẫm màu. Đi kèm là triệu chứng bị choáng, tim thai bất thường.
Trường hợp thai phụ dễ bị bong nhau non là cao huyết áp không kiểm soát, chấn thương bụng, bất thường cổ tử cung, dây rốn. Ngoài ra còn ảnh hưởng do tuổi tác trên 35, chảy ối sớm, bị thiếu ối.
4. Suy nhau thai
Một khi hoạt động của nhau thai bị trục trặc sẽ làm mất oxy và chất dinh dưỡng nuôi thai. Suy nhau thai có thể khiến thai nhi phải thở trong nước ối chứa phân su, dẫn đến khó thở sau khi sinh hoặc ngưng thở. Suy nhau thai cũng khiến thai nhi bị kém phát triển, nhẹ cân, thai yếu do thiếu dinh dưỡng.
Suy nhau thai cũng được đưa vào biến chứng nguy hiểm có thể gây sinh non, thai lưu, biến chứng sau sinh. Biểu hiện của suy nhau thai gồm thai nhi ít cử động, chảy máu âm đạo, đau bụng, tim thai bất thường, nước ối bất thường.
5. Sót nhau thai
Trường hợp này xảy ra ngay giai đoạn cuối của quá trình sinh con. Việc để sót nhau là vô cùng nguy hiểm vì có thể gây nhiễm trùng nặng hoặc xuất huyết, nguy hiểm tính mạng của sản phụ.
Khi sinh con xong, người mẹ thường có thêm vài cơn co thắt nhẹ. Lúc này bác sĩ sẽ hướng dẫn rặn thêm một lần nhẹ nữa để đẩy nhau ra. Trường hợp sinh mổ, bác sĩ sẽ bóc tách nhau thai trong lúc phẫu thuật.
Sau khi em bé chào đời, trong vòng 30 phút mà nhau thau không được đẩy ra hết thì có nghĩa là sót nhau thai. Nguyên nhân có thể do kẹt ở cổ tử cung, nhau bám chặt còn gọi là nhau cài răng lược hoặc nhau dính bám nông. Nếu còn sót nhau, thường phải phẫu thuật để lấy hết ra ngoài, đề phòng biến chứng.
Cách bảo vệ nhau thai khỏe mạnh
1. Một số vấn đề gây ảnh hưởng tới nhau thai
Mẹ bầu tuổi tác cao dễ gặp biến chứng nhau thai
- Tuổi của người mẹ
Thường những mẹ bầu trên 40 tuổi sẽ dễ gặp bất thường về nhau thai. Biến chứng nhau thai có thể gặp ở những người từng sinh non, sảy thai, mắc bệnh liên quan tử cung.
- Rối loạn đông máu
Nếu người mẹ gặp vấn đề về thời gian đông máu cũng ảnh hưởng trực tiếp tới nhau thai.
- Trạng thái tinh thần
Nếu người mẹ gặp bất ổn tinh thần như căng thẳng, mệt mỏi sẽ tác động xấu đến nhau thai.
- Tiền sử biến chứng nhau thai
Nếu lần mang thai trước đó từng gặp biến chứng về nhau thai thì khả năng các lần sau mang thai cũng có thể gặp là rất cao.
- Sử dụng những thứ không tốt
Việc dùng đồ uống có cồn, chất gây hại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhau thai và thai nhi.
- Chấn thương ở bụng
Nếu các mẹ bầu không cẩn thận bị ngã, bị va đập mạnh, vật nhọn trúng bụng có thể khiến nhau thai bị bong sớm, đứt, gãy, gây nguy hiểm tính mạng thai nhi.
- Mang đa thai
Do số lượng thai nhiều hơn dẫn đến nhau thai phát triển yếu hơn.
- Huyết áp cao
Huyết áp cao không kiểm soát sẽ khiến nhau thai hoạt động không được tốt, không thể phát huy đầy đủ chức năng.
2. Cách giữ cho nhau thai luôn khỏe mạnh suốt thai kỳ
- Mang thai trong độ tuổi sinh sản, khỏe mạnh, thường là từ 24 – 35 sẽ giúp hạn chế các biến chứng nhau thai.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung rau xanh, hoa quả, ăn uống đủ chất trong suốt thai kỳ.
- Lối sống lành mạnh, không dùng các chất gây hại khi mang thai.
- Đi khám thai đầy đủ.
Để phát hiện sớm và kịp thời xử lý biến chứng nhau thai, giữ an toàn cho thai nhi, mẹ bầu cần khám thai và tìm hiểu kiến thức thai kỳ. Đồng thời duy trì chế độ sống và ăn uống lành mạnh để nhau thai ổn định. Một khi thấy những dấu hiệu nhau thai có vấn đề, cần đi bệnh viện ngay.
Xem thêm bài viết liên quan:
2 tháng sau sinh, mẹ trẻ tưởng không sống nổi, bỗng chốc nhau thai sót lại tự rơi ra ngoài
Sinh thường: Ưu, nhược điểm và trình tự các giai đoạn trong cơn vượt cạn