Thai nhi 7 tuần là giai đoạn rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển bào thai. Và chắc chắn rằng, các mẹ sẽ rất tò mò không biết em bé của mình 7 tuần tuổi sẽ như thế nào.
Ở tuần thai thứ 7, nhiều mẹ bầu đã bắt đầu xuất hiện những cơn ốm nghén. Đối với đa phần các thai nhi, nhịp tim lúc này đa phần đều đã xuất hiện. Thời điểm thai nhi 7 tuần còn quá nhỏ để các mẹ có thể cảm nhận được sự phát triển của con. Bài viết này sẽ giúp bạn có thêm thông tin về con yêu khi bước sang tuần thứ 7 và những thay đổi của người mẹ trong giai đoạn này.
Thai nhi 7 tuần phát triển như thế nào?
Kích thước của thai nhi 7 tuần
Theo bảng đo cân nặng và chiều cao chuẩn thai nhi, ở giai đoạn này, cân nặng của bé ít hơn 1g và chiều dài từ đỉnh đầu cho đến mông của bé chỉ khoảng 5 đến 12mm mà thôi. Tử cung lúc này đã to hơn nhiều so với bình thường. Tuy nhiên, em bé của bạn thì vẫn còn khá nhỏ, chỉ bằng một hạt đậu hà lan. Chính vì thế mà bạn sẽ chưa thể cảm nhận sự thay đổi rõ rệt của em bé.
7 tuần là mốc phát triển quan trọng của thai nhi
Mặc dù có kích thước rất nhỏ nhưng thai nhi 7 tuần đã bắt đầu có tim thai. Trong giai đoạn này, nhịp tim thai sẽ dao động trong khoảng 150 lần/phút. Bạn có thể nghe thấy tim thai khi đi siêu âm. Tuy nhiên, vì sự phát triển của mỗi em bé là khác nhau nên có nhiều thai nhi đến tuần thứ 9 mới bắt đầu có tim thai.
So với những tuần đầu tiên mang thai thì tuần thứ 7 là mốc đánh dấu nhiều sự thay đổi của em bé.
- Bắt đầu xuất hiện những ngón chân và tay. Đồng thời, bàn tay và bàn chân cũng có màng phát triển;
- Các cơ quan nội tạng phát triển với tốc độ nhanh cùng với ống thở và cả mí mắt của bé;
- Hệ thần kinh sơ khai được hình thành;
- Tai của em bé được hình thành cả bên trong lẫn bên ngoài. Chân răng cũng dần xuất hiện trong hàm;
- Em bé 7 tuần tuổi cũng có thể cử động trong tử cung của người mẹ. Thế nhưng do những cử động này khá yếu, thai nhi lại đang còn nhỏ nên các mẹ bầu vẫn chưa thể cảm nhận được.
Ở giai đoạn 7 tuần tuổi, bộ phận sinh dục của bé chưa phát triển đầy đủ. Do đó mà khi siêu âm, bác sĩ vẫn chưa thể biết được giới tính của em bé là trai hay gái.
Thai nhi 7 tuần qua siêu âm
Ở giai đoạn này, các bác sĩ vẫn lựa chọn một trong hai phương pháp siêu âm, đó là soi qua ổ bụng hoặc siêu âm qua đường âm đạo, tức siêu âm đầu dò. Giai đoạn 7 tuần, thai nhi vẫn còn khá nhỏ. Vì thế mà các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, các mẹ bầu nên siêu âm qua đường âm đạo sẽ cung cấp được những hình ảnh trực quan tốt nhất và chính xác nhất của con yêu.
Mẹ bầu có thể xem được phôi và nghe nhịp tim thai trong giai đoạn này
Khi thai nhi được 7 tuần, qua siêu âm, các mẹ bầu sẽ nghe được nhịp tim thai. Qua đó biết được tình hình sức khỏe của con mình. Đồng thời, việc siêu âm vào tuần thai thứ 7 cũng giúp các mẹ bầu biết được mình mang đơn thai hay là đa thai.
Tuần thai thứ 7 còn là mốc quan trọng để bạn siêu âm thai. Bởi ở tuần thai này, bác sĩ cần kiểm tra kích thước phôi có phát triển phù hợp với tuổi thai hay không.
>>> Có thể bạn quan tâm: Thử thai khi nào mới chính xác: Lưu ý dấu hiệu và thời gian
Những thay đổi của người mẹ khi thai nhi 7 tuần
Song song với sự phát triển của bé yêu thì ở giai đoạn này, cơ thể của các mẹ bầu cũng có những sự thay đổi rõ rệt.
Về mặt cảm xúc, ở giai đoạn này, các mẹ sẽ dễ bị xuống tinh thần, dễ cáu gắt và dễ khóc hơn. Nguyên nhân đến từ sự biến động nội tiết tố, đặc biệt là việc tăng progesterone đột ngột làm bạn cảm thấy uể oải, thiếu năng lượng hơn bình thường.
Một trong những thay đổi thường thấy nhất ở các mẹ bầu 7 tuần tuổi đó là ngực căng, đau và đầu ngực bị thâm lại. Điều này hết sức bình thường do ngực của bạn đang chuẩn bị để cung cấp nguồn sữa mẹ cho con yêu khi chào đời. Vì thế, việc cần làm lúc này đó là đừng nắn bóp và kích thích vùng đầu ngực. Bởi việc đó sẽ kích thích tử cung, khiến em bé của bạn gặp nguy hiểm.
Mẹ bầu có nhiều thay đổi khi bước sang tuần thai thứ 7
Khi thai nhi 7 tuần tuổi, âm đạo của bạn có thể sẽ tiết nhiều dịch nhầy. Đối với những bà bầu thì việc này hoàn toàn bình thường. Thế nhưng, nếu dịch nhầy có mùi hoặc chuyển sang màu vàng, xanh thì bạn nên thăm khám và hỏi ý kiến của bác sĩ.
Một số mẹ bầu sẽ xuất hiện nhiều mụn trên khuôn mặt. Không ai khác, các hormon thời kỳ thai nghén chính là nguyên nhân khiến mặt bạn trở nên nhạy cảm. Nếu cần sử dụng các loại mỹ phẩm dưỡng da, hãy tham khảo bác sĩ để tránh những loại kem ảnh hưởng đến thai phụ.
7 tuần là một mốc khá quan trọng đối với các mẹ bầu và cả thai nhi. Do đó, bạn cần theo dõi cơ thể và siêu âm định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để biết sự phát triển của con yêu. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!
>>>Xem thêm các bài viết liên quan:
Mang thai 15 tuần: Những thay đổi rõ rệt từ cơ thể mẹ