Sự phát triển thai nhi 3 tháng giữa và mẹo dưỡng thai cho mẹ lúc này
Thai nhi 3 tháng giữa đã có sự hình thành các cơ quan nhất định. Để tốt cho con, mẹ nên tìm hiểu kĩ tình hình phát triển của bé và kiêng cữ khoa học phù hợp với giai đoạn này.
Mang thai 3 tháng giữa được xem là giai đoạn đẹp nhất của thai kỳ. Lúc này mẹ đã dần hết nghén, bụng nhô lên so với trước. Mẹ vừa cảm thấy thoải mái hơn vừa nhận ra mình đã thực sự trở thành bà bầu. Cụ thể con trong bụng lúc này đang phát triển như thế nào và cần thiết phải kiêng cữ điều gì là điều quan trọng mà bác sĩ luôn muốn nhắc nhở các mẹ.
Thời điểm này con trong bụng đã lớn cỡ nào?
Bước qua giai đoạn 3 tháng giữa (từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6, tức khoảng từ tuần 13-tuần 26), thai nhi tăng trưởng rất nhanh. Bình quân mỗi ngày tăng lên khoảng 10g. Đến tháng thứ 6, bé có thể dài 35,6 cm và nặng khoảng 760g. Cụ thể từng giai đoạn nhỏ như sau:
-Tuần 13-14: Bé to bằng quả chanh vàng (tầm 23-43g), dài tầm 7,62cm. Chân tay con đã khá linh hoạt, quẫy đạp nhiều, biết liếc mắt, cau mày, nhăn mặt, đi tè và mút tay. Các ngón tay có thể nắm lại và dấu vân tay dần hình thành. Bé đã có thể nghe tiếng tim mẹ đập và cảm nhận được giọng nói của mẹ.
-Tuần 17-18: Tai con đã vào vị trí cố định, khả năng nghe được rõ hơn nên đây là thời điểm thích hợp để áp dụng thai giáo bằng âm nhạc. Mẹ bầu cảm nhận rõ ràng từng cử động của con như co duỗi tay chân, di chuyển qua lại trong bọc ối. Mẹ nào thắc mắc thai nhi 3 tháng giữa lớn cỡ nào thì căn cứ vào các số liệu ước chừng của từng tuần dưới đây để biết thêm nha.
-Tuần 19: Bé nặng khoảng 241g và dài khoảng 15,3 cm. Não phát triển nhanh, bắt đầu phân chia từng vùng khứu giác, vị giác, xúc giác, thính giác và thị giác. Mẹ nên nhắc bố trò chuyện, vuốt ve bụng bầu mỗi ngày.
-Tuần 20: Thai nặng tầm 340g, dài tầm 25cm. Xương hàm, cơ bắp hình thành, tóc bắt đầu mọc. Con cử động mạnh mẽ hơn trong tử cung của mẹ, nhất là phát triển kĩ năng nuốt.
-Tuần 21: Bé nặng khoảng 360g và dài khoảng 26,67cm (bằng một củ cà rốt to). Lúc này, lông mày và mi mắt của bé đã hoàn thiện.
Thai nhi 3 tháng giữa bắt đầu phát triển khá nhanh về cân nặng và chiều dài
-Tuần 24: Bé nặng gần 570g, dài khoảng 33cm. Lớp mỡ xuất hiện trên lòng bàn tay và các ngón tay. Con mút tay và bị nấc thường xuyên.
-Tuần 25: Bé nặng khoảng 680g, dài thêm tầm 2 cm so với tuần 24. Da bắt đầu căng ra, ít nhăn nheo hơn và tóc cũng mọc dày và dài hơn.
-Tuần 26: Hệ thống dây thần kinh trong tai bé đã hoàn thiện nên con có thể nghe rõ cuộc trò chuyện của mẹ và mọi người. Con tập thở, dần hoàn thiện phổi. Nếu mẹ bầu con trai thì hai tinh hoàn di chuyển dần từ bụng xuống đúng vị trí.
Những rắc rối của cơ thể mà mẹ bầu sẽ gặp phải
Tuần thứ 17: Tử cung mẹ tròn ra, bụng phồng lên trên. Mẹ sẽ cảm thấy bị đau lưng, nhất là khi đang ngồi thì đứng lên hoặc giữ ở một tư thế quá lâu.
Từ tuần thứ 20: Tử cung mẹ tăng thêm 1cm mỗi tuần. Nếu tử cung cao hơn 28cm, mẹ nên đi siêu âm ngay vì có thể là mang đa thai hoặc bác sĩ tính tuổi thai chưa chính xác.
Từ tuần thứ 22 trở đi: Lượng hồng cầu trong máu mẹ giảm khá nhiều. Tình trạng này sẽ cải thiện khi nào sức khỏe mẹ khá hơn.
Trong 3 tháng giữa này, mẹ sẽ phải đối mặt với 4 triệu chứng khó chịu nhất là:
1/ Chóng mặt: Do trọng lượng của thai dần tăng lên chèn ép các tĩnh mạch mang máu từ phần dưới cơ thể quay lại tim nên mẹ bầu rất dễ bị chóng mặt trong giai đoạn này, nhất là những lúc nằm ngửa. Có nhiều mẹ nguy hiểm hơn còn bị ngất.
2/ Khó thở: Triệu chứng này xuất hiện vào giai đoạn cuối của tam cá nguyệt thứ 2. Nguyên nhân là do thai tiếp tục lớn gây sức ép lên lồng ngực và phổi khiến mẹ khó thở nhiều hơn.
3/ Táo bón: Sức chèn ép của bào thai đang ngày một lớn cộng với cơ thể bị nóng trong, nằm ngồi một chỗ nhiều khiến mẹ bầu mắc chứng táo bón khá khó chịu.
4/ Rạn da: Mẹ bầu sẽ xuất hiện những vết rạn da ở bụng, đùi, mông, ngực... Điều này không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng khá lớn đến thẩm mĩ.
Thai nhi 3 tháng giữa là lúc bụng mẹ bắt đầu xuất hiện những vết rạn
Cách dưỡng thai khoa học trong 3 tháng giữa mà mẹ phải biết
Nhiều mẹ chỉ chú trọng cách dưỡng thai 3 tháng cuối mà quên rằng giai đoạn 3 tháng giữa, con trong bụng cũng rất cần được chăm dưỡng kĩ càng. Sau đây là những lưu ý cho mẹ nào đang ở giai đoạn này:
-Giai đoạn này mẹ đã bớt nghén, ăn uống ngon miệng và dần khỏe lên. Vì vậy, nên tập trung vào chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng để bồi bổ giúp thai nhi 3 tháng giữa lớn khỏe. Bữa ăn nên có nhiều lòng trắng trứng, sắt, canxi, phốt pho, i-ốt, kẽm...
-Mẹ nỗ lực ăn nhiều vitamin và chất xơ có trong rau, củ, quả, hạt... Uống nhiều nước.
-Đi bộ nhẹ nhàng ít nhất 30 phút mỗi ngày vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối mát trời giúp máu lưu thông tốt, mẹ ngủ ngon hơn.
-Ngâm chân bằng nước muối ấm pha loãng hoặc nước lá để giúp thư giãn, tránh phù nề.
-Ngủ ở tư thế nằm nghiêng sang trái hoặc kê một chiếc gối phía hông khi bạn nằm nghiêng. Hạn chế tối đa việc nằm ngửa.
-Nếu muốn đi du lịch nghỉ dưỡng, mẹ nên tranh thủ đi sớm ngay từ bây giờ. Trên đường đi, thỉnh thoảng cần xoa bóp bắp chân để các khớp và cơ chân không bị tê mỏi, chuột rút… Mẹ đừng để bước sang 3 tháng cuối bụng to nặng nề thì việc di chuyển đường xa rất nguy hiểm.
-Đi khám thai đầy đủ, làm hết các khảo sát, xét nghiệm quan trọng. Trong mỗi lần khám, bác sĩ sẽ đo kích thước tử cung để có những chẩn đoán đúng đắn về thai kỳ của mẹ. Còn nữa, nếu mẹ chưa kịp siêu âm đo độ mờ da gáy từ 11 đến 13 tuần ở tam cá nguyệt thứ nhất thì ở thời điểm này, mẹ vẫn còn cơ hội làm xét nghiệm Triple test.
-Tuần thai thứ 22 là thời điểm tốt để siêu âm khảo sát các dị tật thai nhi như não úng thủy, giãn não thất, nứt đốt sống, tim bẩm sinh, dị dạng nang tuyến phổi, ngắn chi, chân tay khoèo, sứt môi chẻ vòm, teo thực quản, hẹp tá tràng, thoát vị rốn…
-Song song với sự phát triển của thai nhi 3 tháng giữa, mẹ cần siêng vận động. Việc nằm ngồi nhiều khiến mẹ mệt mỏi, đau nhức xương cốt và khiến chứng táo bón trầm trọng hơn. Nếu phải làm công việc ngồi lâu, cứ khoảng 10-15 phút nên đứng dậy vận động xíu rồi mới ngồi tiếp.
-Bôi kem chống rạn da dành riêng cho bà bầu để ngăn ngừa các vết rạn trở nên trầm trọng hơn.
-Ngồi đúng tư thế: tựa thẳng lưng vào thành ghế, có thể kê thêm chiếc gối nhỏ phía sau.
-Cẩn thận khi cúi người để khỏi ảnh hưởng thai: nếu phải cúi để nhặt vật gì đó nên khuỵ hai đầu gối thấp xuống trước, sau đó từ từ ngồi xuống và chỉ hơi cúi nhẹ về phía trước.
-Nếu công việc đòi hỏi mẹ phải đứng nhiều thì chú ý để trọng tâm chia đều cho hai chân bằng cách đứng thẳng chân ngang bằng vai.
-Mẹ đi khám răng để tránh tình trạng bị sâu răng, viêm lợi rất nguy hiểm khi mang thai.
-Nhờ chồng xoa bóp nhẹ nhàng dọc theo cột sống và massage chân tay.
-Bố mẹ thường xuyên trò chuyện, cho thai nghe nhạc từ tuần thứ 20 trở đi.
Có thể thấy thai nhi 3 tháng giữa đã có những phát triển nhất định. Đây là giai đoạn khá nhẹ nhàng, dễ thở đối với bà bầu. Tuy nhiên, mẹ cũng cần tìm hiểu và áp dụng các cách dưỡng thai khoa học để làm nền tảng cho con lớn khỏe, chuẩn bị tinh thần cho 3 tháng cuối và cuộc vượt cạn khá gian nan sau này.