Nhau cài răng lược là gì?
Bánh nhau là trạm trung gian trao đổi chất từ mẹ sang con và ngược lại. Sau khi thai nhi lọt lòng, tử cung co lại chừng 10 – 15 phút, thành tử cung bắt đầu dày lên nhưng không đều, mỏng ở chỗ bánh nhau. Nhau lúc này như bị đan xiết lại. Vì không có tính đàn hồi như cơ tử cung nên bánh nhau nhăn nhúm lại và tróc ra một phần. Khi nhau bắt đầu bong, máu từ các xoang tĩnh mạch đổ vào tạo thành một bướu tụ máu sau nhau giúp cho sự tróc nhau đạt đến mức bong tróc hoàn toàn. Lúc này, thành tử cung trở nên dày đều khắp mọi mặt. Riêng màng ối mỏng và có tính đàn hồi nên tự rút lại theo cơn co tử cung. Nhau sẽ được tống xuất xuống phần thân dưới tử cung kéo theo màng ối, dần dần được tống ra ngoài.
Khi có nhau cài răng lược, tùy theo mức độ, các gai nhau sẽ bám chặt sâu vào thành tử cung, xuyên hết phần nội mạc, xuyên đến lớp cơ, thậm chí xuyên hết tất cả các lớp của thành tử cung và ăn lan ra các cơ quan nằm cạnh như ruột, bàng quang. Do đó, sau khi thai nhi lọt lòng, các gai nhau này sẽ không bong tróc được một cách tự nhiên hay chỉ bong tróc một phần. Tình trạng này có thể dẫn đến băng huyết sau sinh. Tình trạng bệnh lý bánh nhau này có khả năng đe dọa đến tính mạng của sản phụ và thai nhi nhất là khi sinh ở một cơ sở không có điều kiện hồi sức, truyền máu hay phẫu thuật sản khoa.
Để thoát nhau, lúc này, cần phải can thiệp bằng cách bóc nhau. Nếu nhau bám quá chặt, bóc nhau cũng không lấy được hoàn toàn nhau, có khi còn làm tổn thương thành tử cung (thủng, vỡ tử cung). Nếu nhau bám ra tới các cơ quan lân cận sẽ làm thủng cả các cơ quan này.