Nếu bạn đang có thai thì đây là một số xét nghiệm bạn cần thực hiện trong suốt thai kỳ của mình.



Xét nghiệm nước tiểu
: là một xét nghiệm thường quy trong suốt thai kỳ nhằm kiểm tra các vấn đề sau:


- Dư đạm trong nước tiểu: có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc nếu kèm theo các triệu chứng khác như phù nề, cao huyết áp là biểu hiện của bệnh lý tiền sản giật. bệnh lý này có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.



- Nhiễm trùng đường tiểu: nó có thể gây cho bạn các vấn đề ở giai đoạn sau của thai kỳ nếu không được điều trị kịp thời. nhiễm trùng đường tiểu thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Qua xét nghiệm nước tiểu và biểu hiện lâm sàng bác sĩ sẽ chẩn đoán bạn có bị nhiễm trùng hay không, nếu có thì bệnh lý sẽ được bác sĩ điều trị dứt điểm cho bạn.



- Dư lượng đường trong nước tiểu: điều này chứng tỏ bạn đang ăn nhiều thức ăn có chứa hàm lượng đường cao, hoặc đơn giản bạn mới vừa ăn các thực phẩm có chứa đường. Nếu bạn thường xuyên có dư lượng đường trong nước tiểu, đó là dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ. Bệnh lý này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả bà mẹ và thai nhi, tuy nhiên bạn vẫn có thể điều chỉnh đường huyết bằng các chế độ dinh dưỡng và các bài tập vận động thích hợp.





hình minh họa (internet)



Xét nghiệm máu:
Trong suốt thời kỳ mang thai có thể bạn sẽ cần làm xét nghiệm máu nhiều lần theo định kỳ. Các xét nghiệm đó nhằm để kiểm tra các vấn đề sau:



- Lượng sắt trong máu: Nếu lượng sắt thấp bạn có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Do đó bạn nên bổ sung các thực phẩm có màu xanh đậm (cải bó xôi, rau ngót), thịt đỏ (thịt bò) vào khẩu phần ăn để tăng cường nguồn cung cấp sắt. Bên cạnh đó, bạn cũng cần bổ sung viên sắt để tránh thiếu máu do thiếu sắt. Vi lượng sắt trong máu của bạn sẽ thay đổi trong suốt thai kỳ.



- Nhóm máu và yếu tố Rh: các bác sĩ sẽ cần biết được nhóm máu của bạn cũng như bạn đang mang yếu tố Rh nào (Rh- hay Rh+). Do hai nhóm máu này không tương thích với nhau nên nếu bạn có nhóm máu mang Rh- còn con bạn đang mang Rh+ thì cơ thể bạn sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại các tế bào có Rh+. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho cả bà mẹ và thai nhi. Do đó, các bác sĩ cần biết sớm nhóm máu của bạn nhằm giảm thiểu các biến chứng xảy ra cho thai nhi.



- Bệnh sởi Đức (bệnh Rubella) và một số bệnh khác như viêm gan siêu vi B, giang mai, HIV/AIDS.



- Bệnh toxoplasma: đây là một bệnh gây ra do một loại ký sinh trùng có trong phân mèo, chó, thịt chưa chín kỹ, nó có thể gây hại cho thai nhi. Do đó xét nghiệm bệnh toxoplasma là một trong những xét nghiệm thường quy mà bạn cần làm trong thai kỳ.



Xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi: double test, triple test, đo độ mờ da gáy, xét nghiệm trước sinh NIPT (non invasive prenatal test) là những xét nghiệm sàng lọc sớm dị tật thai nhi có thể được thực hiện từ tuần 10-tuần 15 nhằm phát hiện sớm các bất thường NST ở thai nhi và các khuyết tật tim bẩm sinh. Siêu âm đo độ mờ da gáy được thực hiện bằng phương pháp siêu âm (thường được kết hợp với double test hay triple test) trong khi đó các xét nghiệm NIPT, double test, triple test là những xét nghiệm sử dụng mẫu máu của thai phụ.



Xét nghiệm chọc ối, sinh thiết gia nhau: nếu các xét nghiệm sàng lọc dị tật như xét nghiệm NIPT, doule test, triple test kết hợp với siêu âm cho kết quả nguy cơ cao với bất thường NST thì bạn cần làm xét nghiệm chẩn đoán là chọc ối hay sinh thiết gai nhau. Các xét nghiệm chẩn đoán sử dụngphương pháp xâm lấn như rút dịch ối trong bào thai hay hút gai nhau nên chúng có tồn tại những rủi ro nhất định đối với các thai phụ. Do đó nếu cần thiết phải làm chọc ối hay sinh thiết gai nhau bạn cần nghe tư vấn kỹ càng từ các bácsĩ sản nhé.



Siêu âm: Bạn nên tiến hành siêu âm định kỳ ở các cột mốc quan trọng tuần 11-13, 21-25, 32-36 nhằm phát hiện các bất thường về hình thái của thai nhi cũng như một số các dị tật nguy hiểm như nứt đốt sống, dị tật tim, dị tật cấu trúc sọ não…



Xét nghiệm dung nạp glucose: trong nửa sau của thai kỳ thì hầu hết các thai phụ đều được bác sĩ đề nghị làm xét nghiệm kiểm tra tiểu đường vì cứ 100 thai phụ thì có 2-3 người mắc bệnh. Xét nghiệm glucose sẽ giúp các thai phụ phát hiện mình có bị bệnh tiểu đường thai kỳ hay không. Nhiều thai phụ có thể điều chỉnh lượng đường thông qua chế độ dinh dưỡng và các bài tập luyện phù hợp. Nếu bạn bị tiểu đường trước khi mang thai thì có thai, bạn không được sử dụng các loại thuốc hạ đường huyết qua đường uống, chỉ được dùng insulin. Bạn nên yêu cầu bác sĩ hướng dẫn cách tự chăm sóc, tiết chế, cách đo đường huyết tại nhà, tự phát hiện các dấu hiệu để kịp thời báo cho bácsĩ điều chỉnh lượng insulin thích hợp. Bạn nên chăm sóc sản khoa và nội khoa tích cực hơn trong 8 tuần cuối của thai kỳ.



Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B: có khoảng 10-35% tổng số phụ nữ mắc liên cầu khuẩn nhóm B, đây là một loại vi khuẩn tồntại trong trực tràng và âm đạo. Bạn sẽ được bác sĩ khuyến cáo làm xét nghiệm GBS ở tuần 34-tuần 36. Trong trường hợp kết quả dương tính, bạn cũng sẽ không được tiến hành điều trị ngay bởi vì việc này không đảm bảo rằng các vi khuẩn sẽ không trở lại. Thay vào đó, bạn sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh khi sinh nở. Trong trường hợp bạn đã từng sinh con nhiễm GBS, bạn chắc chắn sẽ được cho dùng thuốc kháng sinh mà không cần thực hiện lại xét nghiệm.