Tất cả chúng ta đều biết 3 tháng đầu thai kỳ là thời gian vô cùng quan trọng. Thậm chí ngay từ từng bước đi cũng phải thật thận trọng. Thế nhưng, có mấy ai lý giải được vì sao nó lại được đặc biệt nâng niu đến vậy?
Hồi mình có bầu đứa đầu mọi thứ đều nghe theo lời người lớn răm rắp. Má chồng bảo gì mình cứ theo bài làm y như vậy. Thậm chí khi biết tin có thai, bà còn bắt mình xin nghỉ phép hẳn 2 tuần vì theo lời bà, quãng thời gian này cực kỳ quan trọng, sẩy một chút là mất con như chơi chứ chẳng đùa.
Nghe bà dặn, mình lại ít kinh nghiệm nên mạnh dạn đề đơn xin nghỉ phép. Sau, vào guồng công việc trở lại, thấy bụng ngày càng lồ lộ ra đấy, ai cũng nhớ ra đợt nghỉ phép dài ngày đầy lạ lùng của mình nên ghẹo hoài. Thật ra, giờ nghĩ lại thấy thương má chồng ghê! Càng biết ơn hơn nữa khi mình tình cờ đọc thấy những lý do phải đặc biệt thận trọng trong 3 tháng đầu thai kỳ. Mình xin mạnh dạn chia sẻ cùng các mẹ để biết mà bảo vệ mình hơn nhé!
3 tháng đầu thai kỳ rất quan trọng đối với hệ tim mạch của thai nhi
Các nhà khoa học người Hà Lan đã nghiên cứu trên 1.200 trẻ trong lứa 6 tuổi để đánh giá và nhận định các yếu tố có thể dẫn đến nguy cơ tim mạch bao gồm cả số lượng và mức độ phân bố mô mỡ trên cơ thể, huyết áp và cholesterol cũng như mức độ insulin. Một trong những kết luận quan trọng hàng đầu cho thấy 3 tháng đầu thai kỳ là thời điểm ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống sau này của trẻ. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong giai đoạn đầu của sự phát triển, thai nhi đã có nguy cơ gia tăng các vấn đề về tim mạch và nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của các bé khi sinh ra và trưởng thành. Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí BMJ.
Thực ra, các mẹ thường cho rằng giai đoạn cuối thai kỳ, khi bụng ngày càng lớn nhanh là lúc thai nhi phát triển mạnh mẽ nhất. Nhưng thực chất, 3 tháng đầu thai kỳ mới là bước phát triển vũ bão của con. Từ một đầu kim, chỉ trong chưa đầy một tháng, bé đã thành hạt đậu và nhanh chóng hình thành các cơ quan quan trọng như tim, não và nhiều cơ quan khác. Chính vì vậy, mẹ đừng bao giờ xem nhẹ khoảng thời gian vô cùng quan trọng này nhé!
Thêm một mách nhỏ cho các mẹ thế này, các em bé sơ sinh nhẹ cân thường có nồng độ cholesterol và huyết áp cao hơn so với các bé đủ cân đấy! Lý do này đã đủ thuyết phục mẹ phải nghiêm túc hơn trong chuyện ăn uống và ngủ nghỉ chưa nào?
3 tháng đầu thai kỳ là thời gian phát triển mạnh mẽ nhất của thai nhi
Trong suốt 8 tuần đầu tiên của thai kỳ, em bé trong bụng mẹ được gọi là phôi. Bé phát triển rất, rất nhanh trong ba tháng này với gần như đầy đủ các cơ quan và dài khoảng 53cm khi đạt đến mốc 12 tuần. Đây thực sự là những thay đổi đáng kể nhất cho tiến trình phát triển của thai kỳ. Đó cũng là lý do vì sao các con rất dễ bị tổn thương và mang những di chứng nặng nề nếu mẹ uống rượu, dùng thuốc kích thích, uống thuốc Tây hoặc mắc một số bệnh mãn tính nguy hiểm.
Nếu mẹ không thực sự ý thức đến việc bảo vệ con trong giai đoạn vô cùng quan trọng này, con sẽ chịu tàn tật cả về sức khỏe thể chất và tâm thần đến suốt đời. Chính vì vậy, trước và trong thai kỳ, mẹ nhớ bổ sung đủ vitamin và tuân thủ theo chế độ ăn uống dinh dưỡng nhé! Đặc biệt, cần phải hạn chế những thức ăn có quá nhiều chất béo và đường, cũng như các chất độc như rượu, thuốc lá, thuốc kích thích hoặc cafein quá liều.
Dưới đây mình xin chia sẻ thêm các tiêu chuẩn phát triển của bé trong 3 tháng đầu thai kỳ để các mẹ theo dõi:
4 tuần đầu tiên: Đến cuối tháng thứ nhất, các cơ quan quan trọng của bé bắt đầu hình thành. Phôi thai có hình hài giống như con nòng nọc và chức năng của đôi mắt, đôi tai cũng bắt đầu phát triển. Trái tim nhỏ bé của con cũng đang đập những nhịp yếu ớt đầu tiên, đồng thời tay và chân cũng đã xuất hiện.
Cuối 8 tuần tuổi: Khi kết thúc 2 tháng đầu, bé sẽ lớn hơn và tiếp tục phát triển. Các hệ thống thần kinh, hệ tiêu hóa, tiết niệu và tuần hoàn cũng phát triển thêm một bước mới. Phôi thai không còn trông giống như con nòng nọc mà đã có hình hài như con người. Trong miệng của bé đang phát triển chồi răng và các bộ phận mắt, mũi, miệng đều đang bắt đầu trở nên rõ rệt hơn. Nếu siêu âm vào thời điểm này, các mẹ có thể thấy cả các ngón tay và ngón chân của bé đấy! Đến cuối tuần thứ 8, bé đã chuyển động liên tục, dù mẹ phải đợi thêm 8 tuần nữa mới có thể cảm nhận được những chuyển động đầu tiên của con. Đây cũng là lúc phôi thai được chính thức gọi là thai nhi.
Từ 9-12 tuần: Các cánh tay và chân của em bé phát triển hoàn thiện trong khoảng từ 9 đến 12 tuần tuổi. Các cơ quan sinh dục cũng đang phát triển và các móng tay và móng chân bắt đầu xuất hiện. Mí mắt của bé cũng được hình thành trong thời gian này và thanh quản đang phát triển trong khí quản của bé. Các chuyển động của con cũng tăng lên rõ rệt trong 3 tuần này đấy mẹ ạ!
Mẹ thấy đấy, trong 12 tuần đầu tiên, các cơ quan chính và các hệ thống phức tạp bên trong cơ thể con đang hình thành và phát triển nhanh chóng. Do đó, đây là khoảng thời gian rất nhạy cảm để bé có thể gánh hết mọi dị tật nặng nề nhất nếu mẹ không bảo vệ con khỏi tác hại của thuốc, bức xạ, khói thuốc lá và các chất độc hại khác.
Ngoài việc can thiệp trong thời điểm hình thành ban đầu, các mẹ còn có khoảng thời gian 3 tháng trước khi sinh để chuẩn bị kỹ lưỡng những gì tốt nhất cho con. Do đó, các mẹ đừng quên khám sức khỏe, kiểm tra tiền sử bệnh của gia đình và kiểm soát các bệnh mãn tính đang mang trong người nhé!
Mình đã rất tự tin khi mang thai với những đợt kiểm tra sức khỏe tiền thai kỳ. Cộng thêm đó, được nghỉ ngơi và hạn chế việc nặng, các tác nhân làm căng thẳng gia tăng nên mình đã có một thai kỳ thật mỹ mãn. Các mẹ có thể hoàn toàn được như mình nếu lưu ý những gì mình vừa chia sẻ trên đây đấy! Chúc cả nhà đều vui! :) :)