Trẻ thiếu hụt canxi ngay từ nhỏ sẽ để lại nhiều hệ lụy về sau. Vì vậy, ngay từ năm đầu đời của trẻ mẹ cần phải “nằm lòng” những dấu hiệu cơ bản nhận biết con bị thiếu canxi để bổ sung kịp thời nhé!
Mẹ biết không? Canxi đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ, giúp xương phát triển rắn chắc, duy trì sự hoạt động của cơ bắp, tim mạch, hệ thần kinh và kích thích máu lưu thông… Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng trẻ thiếu canxi sẽ dễ bị bệnh vặt, chậm tăng chiều cao, vận động kém… so với những bạn được bổ sung đầy đủ vi chất này. Vậy trẻ thiếu canxi nhận biết qua dấu hiệu nào?
Những dấu hiệu cơ bản nhận biết trẻ bị thiếu canxi
Trẻ dưới 4 tuổi:
- Tóc rụng vành khăn: Những trẻ đổ nhiều mồ hôi trộm thường sẽ kèm theo hiện tượng tóc rụng nhiều ở đằng sau đầu theo hình vành khăn. Nếu trẻ trên 3 tháng mà vẫn gặp tình trạng này thì mẹ cần nghĩ ngay đến nguyên nhân là do thiếu vitamin D dẫn đến rối loạn chuyển hóa canxi.
- Trằn trọc, khó ngủ: Mẹ có thể hiểu đơn giản là trẻ bị thiếu canxi thì các hoạt động trao đổi chất của hệ thần kinh trung ương cũng bị ảnh hưởng, vỏ não sẽ luôn trong tình trạng hưng phấn khiến trẻ không thể ngủ ngon giấc, thường quấy khóc và hay giật mình khi ngủ.
Trẻ thiếu canxi thường hiếm khi ngủ ngon giấc, dễ giật mình và khóc thét
- Chậm mọc răng và bị sâu răng: Thông thường trẻ sẽ mọc những chiếc răng đầu tiên từ lúc 4-6 tháng tuổi, nhưng những trẻ thiếu canxi sẽ mọc răng chậm hơn, có bé đến 11 tháng mới nhú chiếc răng sữa đầu tiên. Thêm nữa, tình trạng thiếu hụt canxi khiến men răng của trẻ bị yếu nên dễ gây sâu răng.
- Thóp chậm liền: Đây là vùng mềm giữa các xương sọ bên trên trán của trẻ sơ sinh, thường chỉ sau 12 đến 18 tháng tuổi là thóp của trẻ sẽ khép kín lại. Nhưng nếu thiếu canxi thì vùng thóp này sẽ lâu liền và hậu quả là trẻ còi xương suy dinh dưỡng hoặc não phát triển to bất thường.
- Nôn trớ, biếng ăn: Trường hợp bé yêu hay gặp tình trạng này thì mẹ nên nghĩ đến việc bổ sung canxi chứ không chỉ đơn giản là hiên tượng sinh lý như nhiều người vẫn nói nhé! Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ ngày càng còi, hệ miễn dịch kém, ảnh hưởng đến sự phát triển trí não…
- Chậm nhận thức và khó thích ứng: Nếu mẹ quan sát thấy bé chậm nhận thức , khó thích ứng với môi trường xung quanh và có phản xạ chậm, thậm chí không quan tâm đến những gì đang diễn ra thì hãy nghĩ đến nguyên nhân trẻ thiếu canxi, gây rối loạn tâm lý và làm chậm quá trình nhận thức của trẻ.
Trẻ trên 4 tuổi:
- Đổ nhiều mồ hôi khi ngủ (mồ hôi trộm): Đây là dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ trẻ bị thiếu canxi mẹ nhé! Thông thường trẻ hay đổ mồ hôi nhiều ở vùng trán, gáy bất kể trời nóng hay lạnh, trẻ chơi đùa nhiều hay ít.
- Biểu hiện bất thường ở vùng chân: Không những chậm biết lật, bò, trườn hơn các bạn khác mà trẻ bị thiếu canxi còn có biểu hiện bất thường ở vùng chân như cơ bắp mềm yếu, chân cong hình chữ X, chữ O…
– Thường xuyên đau nhức mỏi ở chân: Thiếu hụt canxi khiến xương của trẻ không phát triển rắn chắc, không đảm nhận chức năng nâng đỡ cơ thể. Do vậy, trẻ thường bị nhức mỏi ở quanh bàn chân, dễ bị chuột rút dù không vận động nhiều.
Những cách bổ sung canxi hiệu quả cho trẻ
Tắm nắng: Trẻ dưới 1 tuổi cần được tắm nắng thường xuyên (trước 8h sáng) nhằm tăng cường hấp thu canxi thông qua quá trình tổng hợp vitamin D. Lưu ý là mẹ nên để lộ phần tay, chân, ngực, lưng nhưng bịt mắt trẻ lại nhé!
Bổ sung qua thực phẩm: Các bữa ăn hàng ngày là cách đơn giản nhất để bổ sung canxi cho trẻ. Mẹ nên ưu tiên những thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá… và các loại rau màu xanh sẫm như cải bó xôi, mồng tơi, rau ngót, các loại đậu… Bên cạnh đó, trẻ cần được bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng vì đây là nguồn dinh dưỡng cung cấp nhiều canxi. Ngoài ra, trẻ trên 6 tháng cần được bổ sung thêm các chế phẩm của sữa như sữa chua, váng sữa, phô mai để tăng cường canxi cho trẻ.
Bổ sung qua đường uống: Trường hợp trẻ gặp khó khăn trong việc ăn uống thì mẹ nên bổ sung canxi qua đường uống. Tùy vào độ tuổi của con mà mẹ có thể lựa chọn sản phẩm bổ sung canxi phù hợp, nên ưu tiên dạng canxi nano vì dễ uống, tốt cho hệ tiêu hóa và tăng khả năng hấp thu canxi. Bên cạnh đó, mẹ nên cho trẻ uống canxi vào buổi sáng hoặc trưa, uống sau khi ăn 30 phút là tốt nhất.
Bé nhà mẹ có các dấu hiệu kể trên không? Nếu có thì hãy sớm tìm cách bổ sung canxi để con có thể phát triển một cách toàn diện, mẹ không phải canh cánh những nỗi lo như con chậm lớn, chậm tăng cân… nữa nhé!