Nhiều du học sinh Việt Nam ở châu Âu do đeo khẩu trang nên bị xa lánh, sỉ nhục vì nghi nhiễm Covid-19

Mấy hôm nay, phương tiện truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin về việc nhiều du học sinh Việt Nam ở châu Âu bị kỳ thị do đeo khẩu trang. Có thể nói, họ đang phải trải qua những ngày tháng khủng hoảng nơi xứ người.

hình ảnh

Nguồn ảnh: Reuters

Mình có cô bạn du học bên Ireland, hôm trước cũng thấy cô ấy than trên Facebook: “Tổng cộng 94.000 trường hợp nhiễm Covid-19 trên thế giới thì đã có 51.000 người hồi phục. Bởi vậy dân Âu vẫn bình chân như vại, ra đường cấm thấy ai mang khẩu trang. Tụi nó vẫn đi du lịch ào ào. Sự kiện diễu hành ngày lễ St.Patrick's Day bị huỷ thì nhiều đứa phản đối. Cuối tuần rồi một loạt dân Ý còn bay qua Ireland chơi làm nhiều nhà hàng Á đóng cửa. Chưa kể một số người nghi nhiễm virus liên hệ xin test mà còn bị từ chối, kêu khi nào có dấu hiệu nặng mới cho test. Người nào nhiễm rồi mà sức khoẻ không quá nghiêm trọng còn cho tự cách ly ở nhà chứ ko tập trung. Túm lại là bạn mới cho cái khẩu trang xịn mà không dám mang ra đường vì sợ bị kỳ thị.

hình ảnh

Đó là một thực tế xem nhẹ dịch bệnh không chỉ tại Ireland mà còn ở nhiều nước châu Âu khác. Họ cho rằng chỉ nhân viên y tế hoặc người mắc bệnh mới cần đeo khẩu trang. Vậy nên, nhiều du học sinh Việt Nam ở châu Âu bị kỳ thị do đeo khẩu trang ra đường, thậm chí có nguy cơ bị tấn công vì nghi nhiễm Covid-19. 

Trên Kênh 14, một du học sinh chuyên ngành báo chí tại Bournemouth University (Anh) cho biết sau vài vụ việc người châu Á đeo khẩu trang bị hành hung gây thương tích thì nhiều du học sinh đành phải chấp nhận thực tế "thà dính virus còn hơn bị đánh vỡ mặt". Thậm chí tại trường bạn này có một sinh viên nhiễm corona nhưng chính quyền không phong tỏa cũng không xịt khử khuẩn. Sinh viên nhiễm bệnh tự cách ly tại nhà, theo dõi và chữa bệnh qua điện thoại. 

Tại Anh không hề có chuyện phải kiểm tra thân nhiệt hay khai báo lịch trình đi lại, ngay cả những người quay trở lại Anh từ các vùng cao điểm dịch như Ý, Pháp. Nhịp sống vẫn sôi động, dân tình vẫn đi bar quẩy ầm ầm đến 3 - 4 giờ sáng và luôn “kỳ thị” với khẩu trang.

hình ảnh

Nguồn ảnh: https://bizlive.vn/the-gioi/o-day-khong-ai-mang-khau-trang-ho-con-nem-bat-lua-vao-nguoi-deo-3537802.html

Ở Đức, tình hình cũng chẳng khá hơn. Trên motthegioi.vn, một người Việt Nam sống tại đây chia sẻ: “Ở Đức có hơn 260 ca nhiễm nCoV rồi. Hôm qua có 2 người đeo khẩu trang bị người ta đánh cho không trượt phát nào. Thằng đánh bảo: ‘Mày bị bệnh thì ở nhà đi, ra ngoài làm gì”.

Trên NewZing, du học sinh Việt cho biết tại sân bay Frankfurt cũng chỉ có một tấm biển nhỏ xíu nói về dịch bệnh, không ai phải đi qua máy đo thân nhiệt hay làm bất kỳ thủ tục khai báo nào.

Nói về việc bị kỳ thị do đeo khẩu trang, một bạn tên Khánh cho biết đã 3 lần bạn ấy bị gọi là “virus corona”. Nhưng vẫn còn may mắn hơn vì một người bạn của Khánh thậm chí còn bị ném bật lửa vào người chỉ vì đeo khẩu trang.

Có thể nói, do chủ quan và xem nhẹ dịch bệnh Covid-19, chính phủ nhiều nước ở châu Âu đã không có những biện pháp phòng ngừa dịch nghiêm ngặt như một số quốc gia châu Á khác. Điều này dẫn đến ý thức chủ quan cũng như những hiểu sai về dịch bệnh của người dân nơi đây, kéo theo việc du học sinh châu Á nói chung và du học sinh Việt Nam nói riêng gặp khó khăn khi muốn phòng ngừa bệnh cho chính mình. Những ai đeo khẩu trang đều được xem là  “dị biệt” và bị kỳ thị, thậm chí bị sỉ nhục, hành hung.

Khó khăn chồng chất khó khăn với nhiều du học sinh Việt Nam khi họ vẫn phải đi làm để có tiền trang trải chi phí nhưng không thể ngừa lây nhiễm cho bản thân. Mặt khác, nếu chẳng may nhiễm bệnh, họ cũng không được chăm sóc y tế chu đáo một phần do chi phí y tế đắt đỏ, phần khác do chính phủ xem thường căn bệnh dễ lây nhiễm này mặc dù bài học thực tế từ Vũ Hán (Trung Quốc) và Lombardy (Ý) vẫn còn đó.

Có thể nói, nhiều du học sinh Việt Nam ở châu Âu bị kỳ thị do đeo khẩu trang nhưng họ vẫn không có cách để đối phó. Vậy nên, họ đang phải trải qua những ngày tháng hoang mang nhất tại xứ người trong tình thế đi không được ở không xong.