Các nghiên cứu chỉ ra rằng mẹ hay đọc sách, kể chuyện cho bé nghe trước 3 tuổi giúp bé tăng vốn từ, phát triển trí thông minh. 

hình ảnh

Ảnh minh họa: mamaexpert

Có nhiều cách giúp bé rèn trí não, phát triển vốn từ. Một trong số đó là được mẹ đọc sách, kể chuyện cho con nghe. Theo khuyến nghị của các chuyên gia Nhi khoa tại Hoa Kỳ, mẹ nên thường xuyên đọc sách cho bé nghe từ khi mới sinh ra, nhất là trong 3 năm đầu đời. Bởi vì 3 năm đầu đời là giai đoạn trí não trẻ phát triển rất nhanh. Trẻ chưa biết nhiều từ vựng, nhưng não bộ có thể tiếp nhận nhiều từ hơn nếu mẹ đọc sách cho con nghe. Đó cũng là một cách giúp trẻ phát triển trí thông minh. Chúng có nhiều lợi ích đối với việc học tập và cuộc sống sau này của trẻ. 

Theo các nghiên cứu, trẻ trước 3 tuổi được mẹ thường xuyên đọc sách, kể chuyện cho nghe sẽ nhớ nhiều từ hơn những đứa trẻ ít hoặc không được mẹ kể chuyện, đọc sách cho nghe. 

Nên chọn đọc một cuốn sách hay đọc sách online?

Một trong những câu hỏi phát sinh trong nghiên cứu là "các mẹ có thể đọc sách online cho con nghe hay không?". Bởi vì trong thời đại hiện nay, một chiếc điện thoại di động hoặc máy tính bảng có thể chứa rất nhiều nội dung trong sách dưới dạng sách online. Về vấn đề này, các nhà nghiên cứu không chắc chắn vì thời gian nghiên cứu quá ngắn. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chắc một điều rằng trẻ dưới 2 tuổi không nên xem ti vi. Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên cho trẻ độ tuổi này sử dụng máy tính bảng. Thay vào đó, mẹ đọc một cuốn sách có lợi hơn cho sự tương tác của mắt, ngón tay và cánh tay của bé. Bởi vì trong quá trình đọc sách, bé sẽ nhìn vào từng trang sách, sử dụng tay để lật.

Sự khác biệt giữa đọc một cuốn sách và đọc online

Theo dữ liệu thu thập được từ một nhà tâm lý học tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, trẻ 3-5 tuổi thường được nghe cha mẹ đọc online tiếp thu nội dung chậm hơn so với những trẻ nghe cha mẹ đọc một cuốn sách. Lý do là khi đọc online, các mẹ thường tập trung vào thiết bị hơn vì sợ các bé chạm vào màn hình kéo lên kéo xuống. Điều này khiến cả mẹ và bé đều mất tập trung vào câu chuyện. Trong khi đọc một cuốn sách, các mẹ sẽ cho bé trải nghiệm với sách nhiều hơn. Khi đọc, mẹ cũng thường thay đổi nét mặt, ngữ điệu cao thấp theo từng nhân vật trong câu chuyện. Khi nhìn thấy những cử chỉ này, não bộ của bé cũng sẽ được nhận một kích thích để phát triển nhanh chóng. Cuối cùng, trẻ có thể dễ dàng hiểu và nhớ nội dung câu chuyện mình được nghe. Mẹ đọc sách mỗi ngày cho con nghe còn giúp bé phát triển kỹ năng đọc, hiểu. 

Chọn sách thú vị giúp trẻ tăng niềm yêu thích đọc sách

hình ảnh

Ảnh minh họa: imommy

Mặc dù sách online không phù hợp với trẻ nhỏ nhưng đôi khi những cuốn sách quá nhàm chán lại khiến trẻ chẳng mấy hứng thú với việc đọc sách. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, mẹ nên chọn những cuốn sách khó rách, nhiều màu sắc. Mẹ có thể chọn những quyền sách không thấm nước để bé có thể chơi trong khi tắm để giúp bé nuôi dưỡng thói quen đọc sách, cảm thấy sách rất thú vị. Sách phù hợp cho trẻ 1-2 tuổi nên là truyện ngắn, có vần dễ nhớ. Nội dung đơn giản, gần gũi, nói về các hoạt động hàng ngày, về cuộc sống muôn loài,...Trẻ có thói quen bắt chước cách kể chuyện của mẹ. Vì vậy khi bé kể lại, mẹ hãy chăm chú lắng nghe. Bé sẽ rất vui vì điều đó và cảm thấy hứng thú hơn với việc đọc sách.

Đối với bé 3-5 tuổi, mẹ nên mua cho bé những loại sách có nút nhấn và có phát ra âm thanh như lời nói hoặc âm nhạc. Những quyển sách này giúp bé rèn khả năng chú ý tốt hơn và tăng sự hứng thú.

Tóm lại, 3 năm đầu đời là giai đoạn não bộ trẻ phát triển nhanh nhất. Nếu được nhận những kích thích phù hợp và thường xuyên được rèn luyện, não bộ bé sẽ phát triển tốt hơn. Mẹ thường xuyên đọc sách, kể chuyện con nghe là một trong những cách hiệu quả giúp bé tăng nhanh vốn từ và phát triển trí thông minh. Ngoài những lợi ích này, các chuyên gia còn cho biết lợi ích khác đối với trẻ khi mẹ thường xuyên đọc sách, kể chuyện cho con nghe.

- Phát triển trí tưởng tượng, sáng tạo, khả năng tập trung;

- Thúc đẩy sự phát triển các thói quen, hành vi tự chăm sóc sức khỏe;

- Phát triển cảm xúc, giúp trẻ kiểm soát cảm xúc tốt hơn;

- Xây dựng và phát triển sự tự tin cho bé;

- Tăng cường sự gắn kết giữa mẹ và bé. 

Nguồn: mthai