Đáng sợ quá các mẹ ơi, nuôi con là 1 hành trình không hề dễ dàng. Đã làm bố mẹ thì ai cũng vất vả sớm hôm nhưng dù có thế nào cũng đừng để xảy ra trường hợp như bác sĩ cảnh báo mới đây nhé! Em bé này ngày nào cũng ăn cháo dinh dưỡng mua ngoài hàng và uống sữa, cuối cùng sức khỏe suy giảm nặng, 'máu loãng như nước'. 

Thông tin này là hoàn toàn chính xác đã được báo chí đăng tải rồi, mình chia sẻ lại chi tiết trong bài viết dưới đây cho mọi người cùng biết nhé!

Cụ thể là mới đây, bác sĩ đưa ra cảnh báo, đã có trường hợp ăn "cháo dinh dưỡng" kéo dài, không kiểm soát được hàm lượng dinh dưỡng khiến trẻ bị thiếu sắt nặng, thậm chí có thể ngưng tim.

Ngày 4/12, thông tin trên báo Dân trí đăng tải, bác sĩ Khương Thị Khánh (chuyên khoa Nhi, làm việc ở một cơ sở y tế tại tỉnh Đồng Nai) cho biết, thời gian gần đây, bác sĩ đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị thiếu máu khi tình cờ làm xét nghiệm.

Đáng chú ý, hầu hết phụ huynh đưa trẻ đi khám đều cho biết thường cho con ăn cháo dinh dưỡng, uống sữa thay cơm.

hình ảnh

Da em bé tái xanh do thiếu máu, ảnh: DT

Điển hình là trường hợp của bé S.B. (33 tháng tuổi), quê ở một tỉnh miền Tây, sống cùng cha mẹ làm công nhân tại Đồng Nai. Vì công việc bận rộn cũng như bé kén cơm, mỗi ngày cha mẹ cho con ăn 2 bữa cháo dinh dưỡng (mỗi bữa vài muỗng) và uống 6-8 bịch sữa tươi.

Sau thời gian dài liên tục cho con ăn uống theo cách trên, bé trai da tái xanh, được cha mẹ đưa đi khám với tình trạng sốt. Sau khi xem xét các dấu hiệu bên ngoài và triệu chứng của trẻ, bác sĩ chỉ định cho bé B. thực hiện các xét nghiệm.

Quá trình rút máu xét nghiệm, các nhân viên y tế ngỡ ngàng vì máu lấy ra loãng như nước. Các chỉ số HgB (lượng huyết sắc tố), RBC (số lượng hồng cầu) và HCT (dung tích hồng cầu) rất thấp, cho thấy bé bị thiếu máu nặng. Bệnh nhi sau đó được đề nghị nhập viện truyền máu cấp cứu khẩn.

hình ảnh

BS ra chỉ định em bé vào viện để truyền máu khẩn, ảnh: DT

"Khi bé tới khám, bố mẹ chỉ nghĩ bé bị sốt chứ không hề biết cháu thiếu máu. Điều kiện kinh tế gia đình cũng khó khăn, nên tôi chỉ định nhập viện để sử dụng bảo hiểm y tế, nhằm giảm chi phí điều trị và theo dõi định kỳ về sau", bác sĩ chia sẻ.

Thống kê từ ngày 25/11 đến ngày 2/12, tại nơi bác sĩ Khanh làm việc có 12 ca thiếu máu được tình cờ phát hiện thông qua xét nghiệm. Đáng chú ý, trước đó đã có trường hợp trẻ thiếu máu gây biến nặng ở tim, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm.

Bác sĩ Khánh chia sẻ, hiện nay tình trạng cha mẹ cho con ăn chế độ nghèo dinh dưỡng xảy ra khá phổ biến. Đặc biệt là việc thiếu sắt, nếu sử dụng lượng sữa tươi quá nhiều thay thế cho việc ăn uống theo nhu cầu cơ thể hàng ngày.

Bên cạnh đó, việc quảng cáo phóng đại công dụng của sữa cũng khiến nhiều bố mẹ hiểu lầm việc chỉ cho con uống sữa là đủ để giúp trẻ cao lớn, thông minh.

Bác sĩ phân tích, khi bé ăn uống kém, bố mẹ chuyển sang cho bé uống sữa thay thế, đặc biệt là sữa tươi liên tục sẽ làm bé thiếu một số loại vi chất, trong đó có sắt.

Mặt khác, sữa tươi cũng làm giảm hấp thụ sắt trong thức ăn, nên dù số cân nặng trẻ vẫn đạt chuẩn nhưng da bé sẽ có biểu hiện trắng xanh, hay mệt mỏi và hay mắc một số bệnh vặt. Khi bé uống sữa no cũng làm giảm cảm giác thèm ăn.

hình ảnh

Ảnh minh họa, nguồn: DDD

Còn việc cha mẹ lạm dụng cháo dinh dưỡng sẽ khiến hàm lượng vi chất trong khẩu phần ăn của trẻ không kiểm soát được. Trong nhiều trường hợp, cháo dinh dưỡng được nấu rất ít thịt và chất xơ, nên trở thành cháo… thiếu dinh dưỡng.

Ngoài ra, cháo nấu sẵn thường không thể đảm bảo được sự cân đối về dinh dưỡng, đặc biệt khi so sánh với cháo mẹ nấu theo nhu cầu của từng giai đoạn phát triển của trẻ. Nhiều loại cháo nấu sẵn có thể thiếu vitamin, khoáng chất cần thiết hoặc không đủ các nhóm dinh dưỡng như protein, chất béo, và carbohydrate. Việc ăn cháo không đủ dinh dưỡng trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.

iệc tự nấu cháo tại nhà không chỉ đảm bảo dinh dưỡng mà còn giúp cha mẹ kiểm soát chất lượng thực phẩm và chế biến theo sở thích, nhu cầu của trẻ. Đầu tư thời gian và công sức vào bữa ăn của trẻ chính là cách tốt nhất để đảm bảo sự phát triển toàn diện và sức khỏe lâu dài cho con.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh chỉ nên cho trẻ uống sữa tươi cách bữa ăn 2 giờ, với lượng sữa phù hợp theo độ tuổi con em.

Bên cạnh đó, bố mẹ nên chọn các loại thức ăn giàu sắt (có nhiều trong thịt đỏ - phần thịt nạc của thịt bò, thịt gà, thịt heo…), trứng, gan động vật, hải sản, đậu, rau xanh sậm màu (rau ngót, rau họ đậu, bông cải…).

Nếu bé có biểu hiện xanh xao, mệt mỏi, phụ huynh nên cho bé đi khám để được kiểm tra sớm và can thiệp phù hợp, không tự ý uống sắt tại nhà. Đối với những bé sinh non, nhẹ cân, cần bổ sung sắt theo liều chỉ định của bác sĩ.