SẠCH VÀ ĐẸP
Ta hay nói rằng nội tâm đạo đức mới là quan trọng, còn hình thức không cần thiết. Ta không để ý đến hình thức bên ngoài, không cần sạch, không cần đẹp. Đâu biết rằng chân lý là tất cả, chân lý là bao trùm, chân lý là mọi thứ. Trong hay ngoài, nhỏ bé hay lớn lao, tất cả đều biểu hiện điều gì đó của quy luật trong trời đất.
Người có đạo đức là người có trí tuệ. Đạo đức là biết phải trái đúng sai. Phải hay trái, đúng hay sai, là những điều rất khó nhận ra. Ai nhận ra được nhiều điều sâu xa, tế nhị, trừu tượng đó, thì chắc chắn phải là người có trí tuệ. Người có trí tuệ ít thì sẽ có đạo đức ít, người có trí tuệ nhiều thì sẽ có đạo đức nhiều.
Trong cái đạo đức và trí tuệ đó, người này sẽ từ chối hai điều, Bẩn và Xấu. Không cần lý luận tại sao, chỉ biết rằng hễ ai có trí tuệ và có đạo đức thì đồng thời cũng không chấp nhận sự bẩn thỉu và xấu xí.
Bẩn thỉu thì bị từ chối là dễ hiểu. Bẩn thỉu gây hại về chất lượng sống của con người, nên phải tránh bẩn thỉu. Còn sự xấu xí gây hư hại tâm hồn của mọi người, nên cũng phải tránh đi. Ta theo dõi sẽ thấy, đứa trẻ nào sống trong khung cảnh xấu xí, lớn lên tâm hồn nó cũng xấu xa. Trừ trường hợp đứa trẻ nào bị sống trong khung cảnh xấu xí mà đã không chấp nhận, thì nó lớn lên sẽ thoát ra khỏi sự tầm thường kém cỏi.
Vẻ đẹp của cảnh trí trong nhà, vẻ đẹp của khung cảnh quanh nhà, vẻ đẹp của đường phố xóm làng, vẻ đẹp của núi sông đất nước... đang giáo dục tâm hồn con người một cách âm thầm vô thức. Ta dễ nhận thấy rằng người sống trong đất nước sạch đẹp, tính cách họ cũng văn minh hơn.
Các bậc cha mẹ phải tạo một khung cảnh sạch đẹp từ trong nhà đến cả khu phố để con em mình được giáo dục tâm hồn âm thầm từng ngày đẹp lên dần. Đừng để nhà cửa và khu phố bẩn thỉu xấu xí làm hư tâm hồn con em mình. Nhìn đứa con mắng cha mẹ, coi chừng nó đã lớn lên trong khung cảnh bẩn thỉu xấu xí nào đó rồi, nên tâm hồn nó đã hư rồi.
Trí tuệ giúp ta tạo ra vẻ đẹp, và đạo đức giúp ta tạo ra sự giản dị. Đẹp mà giản dị, đó là chân lý.
Ta nhìn một tác phẩm đẹp đến mức độ phức tạp quá, ta hiểu tác giả rất thông minh, nhưng chưa cân bằng với đạo đức. Ta nhìn một tác phẩm giản dị đến sơ sài, ta hiểu tác rất hiền lành nhưng chưa cân bằng với trí tuệ. Đẹp mà giản dị, đó là chân lý.
Vẻ đẹp của hình ảnh là một, còn vẻ đẹp của âm thanh, vẻ đẹp của mùi hương, vẻ đẹp của triết lý, vẻ đẹp của võ thuật, vẻ đẹp của thiên nhiên... đều đáng cho ta trân trọng yêu quý. Chỉ những người có trí tuệ và đạo đức mới biết cảm nhận, biết thưởng thức các vẻ đẹp như thế. Cũng như chỉ những người rất có trí tuệ, rất có đạo đức mới tạo ra được các vẻ đẹp như thế để dâng tặng cho đời.
Ta có thể tu dưỡng đạo đức và rèn luyện trí tuệ bằng cách giữ khung cảnh chung quanh sạch sẽ và đẹp đẽ. Ta có thể giáo dục tâm hồn cho con em của mình bằng cách hướng dẫn chúng giữ gìn khung cảnh sạch sẽ và đẹp đẽ.
(Trích trong sách NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC cuốn 1 bài SẠCH VÀ ĐẸP trang 179-181-183 do Tiến sĩ Luật học VƯƠNG TẤN VIỆY biên soạn)