Ta đau khổ không phải vì ta đau khổ mà bởi vì ta muốn tránh đau khổ. Càng muốn tránh đau khổ, ta càng đau khổ. Cái bí quyết ở đây là chấp nhận đau khổ. Không ngờ khi ta can đảm chấp nhận đau khổ thì ta lại bớt đau khổ.


Khi ta chấp nhận đau khổ cũng có nghĩa là ta chấp nhận lỗi lầm của mình đã tạo ra trong quá khứ. Tâm lý biết nhận lỗi là tâm lý đạo đức. Vì là tâm lý đạo đức nên nó cho ta sức mạnh để hóa giải niềm đau.


Có khi ta phải làm việc trong một vị trí không vừa ý, ta cứ khó chịu bất mãn, thì chắc chắn ta tự làm khổ mình, mà công việc cũng không hiệu quả. Nếu ta chấp nhận cái không vừa ý đó, sống trọn vẹn với nó, không nghĩ ngợi xa xôi ra chỗ khác, thì ta an vui ngay lập tức, mà công việc cũng tốt lên.


Có khi ta bị một cơn bệnh đau khó chịu, dĩ nhiên phải chữa trị, nhưng tâm ta cứ muốn hết bệnh, thì sự khổ sở lại nhiều hơn. Nếu ta chấp nhận cơn bệnh đau đó, dĩ nhiên cũng phải chữa trị, nhưng tâm ta đỡ khổ sở hơn nhiều.


Ôm lấy niềm đau, đó là cả một bản lĩnh lớn để bớt đau. Nhưng ai chưa đủ bản lĩnh sẽ khó thực hiện điều này. Phải có trí tuệ và đạo đức lớn mới đủ sức ôm lấy niềm đau.

( Trích NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC _ Tiến Sĩ Luật Học VƯƠNG TẤN VIỆT biên soạn)

hình ảnh