hình ảnh

Hình thức quản lý hành chính nhà nước là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đối với các quá trình xã hội, hành vi hoạt động của công dân, do các cơ quan trong hệ thống hành pháp tiến hành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, phát triển các mối quan hệ xã hội, duy trì an ninh trật tự, thỏa mãn các nhu cầu hợp pháp của công dân.

Theo nghĩa rộng, quản lý hành chính nhà nước là việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mọi cơ quan trong bộ máy nhà nước và của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi được nhà nước trao quyền nhân danh nhà nước.

Theo nghĩa hẹp, quản lý hành chính nhà nước là hình thức hoạt động của nhà nước thuộc lĩnh vực chấp hành và điều hành được thực thi chủ yếu bởi các cơ quan hành chính nhà nước nhằm đảm bảo chấp hành các quy định của cơ quan quyền lực nhà nước.

Chức năng của quản lý hành chính nhà nước

Quản lý hành chính nhà nước có chức năng thiết lập trật tự quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. Quản lý hành chính nhà nước thực hiện các chức năng cơ bản gồm:

  • Thực hiện và đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
  • Tổ chức và quản lý phát triển nền kinh tế, các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, y tế, thể dục, thể thao.
  • Thực hiện các chính sách xã hội.
  • Điều hành, phòng chống tội phạm đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội.
  • Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp công dân.
  • Xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ đất nước.
  • Tăng cường và củng cố quan hệ hợp tác quốc tế.

Các hình thức quản lý hành chính nhà nước

Phương pháp quản lý hành chính nhà nước là cách thức mà chủ thể quản lý hành chính nhà nước sử dụng để thực hiện chức năng quản lý hành chính của mình, là cách thức tác động của chủ thể quản lý hành chính nhà nước lên các đối tượng quản lý nhằm đạt được hành vi xử sự cần thiết. Các hình thức đó bao gồm:

  • Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
  • Ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật.
  • Thực hiện những hoạt động khác mang tính chất pháp lí.
  • Áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp.
  • Thực hiện những tác động về nghiệp vụ-kĩ thuật.

Ngoài ra, phương pháp quản lý hành chính nhà nước còn có những phương pháp khác như : phương pháp thuyết phục, phương pháp cưỡng chế, phương pháp hành chính, phương pháp kinh tế.

1. Hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Đây là văn bản do cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục luật định, trong đó chứa đựng các quy tắc xử sự chung được nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, đây còn là hình thức pháp lý quan trọng nhất trong hoạt động của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Thông qua hoạt động ban hành văn bản QPPL hành chính các chủ thể quản lý hành chính nhà nước:

  • Ấn định các quy tắc xử sự chung trong quản lý hành chính nhà nước;
  • Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các bên tham gia quan hệ quản lý hành chính nhà nước;
  • Quy định những hạn chế và điều ngăn cấm;
  • Quy định trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động của chủ thể quản lý.

2. Hình thức ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật

Đây là hình thức hoạt động chủ yếu của cơ quan hành chính nhà nước. Thông qua hoạt động này, các cơ quan có thẩm quyền áp dụng quy phạm pháp luật của Nhà nước để giải quyết những công việc cụ thể như xử phạt vi phạm hành chính, bổ nhiệm, bãi miễn…

Văn bản áp dụng quy phạm pháp luật có số lượng rất lớn, có nội dụng, tính chất, mục đích sử dụng rất khác nhau. Tuy nhiên, căn cứ vào mục đích áp dụng, chúng ta có thể chia thành 2 nhóm lớn là:

  • Những văn bản chấp hành pháp luật;
  • Những văn bản bảo vệ pháp luật.

Ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật là việc các chủ thể quản lý có thẩm quyền căn cứ vào các quy định pháp lụât hiện hành để giải quyết các vụ việc cụ thể phát sinh trọng họat động quản lý nhà nước.

cac-hinh-thuc-quan-ly-hanh-chinh-nha-nuoc-1

3. Thực hiện những hoạt động khác mang tính chất pháp lí

Đây là những hoạt động do các chủ thể quản lý HCNN tiến hành khi pháp sinh những điều kiện tương ứng được quy định trước trong các văn bản QPPL nhưng không cần ban hành văn bản ADQPPL. Những hoạt động mang tính pháp lý bao gồm rất nhiều các hoạt động cụ thể khác nhau như:

  • Áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn và phòng ngừa VPPL như kiểm tra giấy phép lái xe, kiểm tra tạm vắng, tạm trú…
  • Đăng kí những sự kiện nhất định như đăng kí hộ tịch.
  • Lập và cấp một số giấy tờ nhất định như giấy phép lái xe
  • Công chứng, chứng thực
  • Lập văn bản VPHC

4. Áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp

Đây là hình thức hoạt động không mang tính quyền lực nhà nước, không có tính chất bắt buộc, hình thức hoạt động này rất đa dạng như tuyên truyền, giải thích pháp luật, tổng kết kinh nghiệm công tác thực hiện pháp luật.

Áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp bao gồm các biện pháp tổ chức ra bên ngoài như: hội thảo quần chúng, lấy ý kiến người dân, điều tra xã hội học…; Các biện pháp tổ chức nội bộ cơ quan như: hội thảo, hội nghị, tổng kết rút kinh nghiệm.

Kết quả của những hoạt động này không làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt các quan hệ pháp luật nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết những nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan hành chính, trong công tác tổ chức đối với quần chúng nhân dân…

5. Thực hiện những tác động về nghiệp vụ-kĩ thuật

Đây là hình thức bổ sung, trợ giúp cho các hình thức quản lý mang tính pháp lý như: chuẩn bị dữ liệu, thông tin cho việc ban hành quyết định quản lý nhà nước, lập các biên bản, báo cáo, lưu trữ, soạn thảo văn bản, v.v..

Thực hiện những tác động về nghiệp vụ – kỹ thuật có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao hiệu suất công tác của bộ máy hành chính nhà nước, đảm bảo công tác quản lý hành chính nhà nước dược tiến hành một cách nhanh chóng, hiệu quả và chính xác.

Sau khi đọc xong bài viết của chúng tôi các bạn đã nắm được các hình thức quản lý hành chính nhà nước và chức năng của quản lý hành chính nhà nước rồi nhé. Hãy thường xuyên theo dõi chúng tôi để được chia sẻ tin tức khác nữa.