http://d.f16.photo.zdn.vn/upload/original/2013/07/10/13/12/861197330_1836922710_574_574.jpg"/>


Bên cạnh việc lựa chọn đồ chơi an toàn, việc sắp xếp và bảo quản đồ chơi ở nhà cũng rất quan trọng.


Cha mẹ không nên để đồ chơi bằng kim loại qua đêm bên ngoài vì mưa gió, hay sương vì có thể làm cho chúng bị rỉ sét. Trẻ có nguy cơ bệnh uốn ván hoặc nhiễm vi khuẩn có ảnh hưởng đến hệ thần kinh nếu trẻ tiếp xúc với kim loại gỉ.


Cha mẹ cần kiểm tra đồ chơi thường xuyên và kịp thời thay thế hay sửa chữa đồ chơi đã bị hư hỏng vì mảnh vụn trên đồ chơi bằng gỗ, những bộ phận rời nhỏ, hoặc dây tiếp xúc có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Kiểm tra đường nối trên thú nhồi bông và búp bê vải. Mắt, mũi, nút, dải băng và các vật trang hoàng khác phải được gắn chắc, không thể kéo hoặc cắn đứt rời ra được.


Cha mẹ cũng cần để ý đến đồ chơi bằng nam châm. Trẻ chẳng may nuốt phải thanh nam châm này có thể bị tắt nghẽn hoặc thủng ruột, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng. Cha mẹ hãy thường xuyên chú ý kiểm tra dấu hiệu hao mòn, hư hỏng và chú ý quan sát khi trẻ đang chơi với đồ chơi này.


Đối với đồ chơi bị hỏng, cha mẹ cần lấy ngay khỏi tầm tay của trẻ. Việc thu hồi đồ chơi của trẻ không có gì khó khăn, cha mẹ chỉ việc canh lúc trẻ không để ý và đem món đồ chơi này đi nơi khác, trẻ cũng không thể nhớ ra mình đã có món đồ chơi gì. Đối với trẻ đủ lớn để hiểu những gì đang xảy ra, cha mẹ không nên lén vứt đồ chơi của trẻ mà hãy nói cho trẻ biết những mối nguy hiểm mà món đồ chơi ấy có thể mang lại. Hãy giải thích thật cụ thể, rõ ràng và nhấn mạnh rằng hiện tại không có trẻ nào còn chơi những món đồ như vậy nữa. Thêm vào đó, cha mẹ có thể hứa với trẻ về một món đồ chơi khác gần giống như vậy nhưng an toàn hơn để trẻ ngoan ngoãn chịu vứt bỏ món đồ chơi của mình.


Cha mẹ nên sắp xếp đồ chơi gọn gàng không chỉ an toàn cho trẻ mà vì tất cả mọi người trong gia đình. Mọi người có thể bị thương nếu họ ngã trên đồ chơi được vứt trên sàn nhà hoặc trên cầu thang. Nếu có khả năng, hãy dành cho trẻ một phòng hoặc khu vực dành riêng cho hoạt động vui chơi. Sau đây là cách giúp cha mẹ sắp xếp phòng chơi cho trẻ một cách dễ dàng và an toàn. Cha mẹ hãy đặt mình vào vị trí của trẻ trong phòng chơi, từ đó cha mẹ có thể ước lượng được khoảng cách an toàn và nhận ra những mối nguy hiểm tiềm tàng trong phòng chơi của trẻ. Sắp xếp đồ chơi sao cho trẻ dễ với tới, tránh việc trẻ phải leo trèo, gây té ngã nguy hiểm. Một hộp đồ chơi, một giỏ đựng quần áo cũ, một chiếc xe đẩy túi lớn ở siêu thị hoặc một hộp các tông có thể giúp cha mẹ tạo ra một môi trường gia đình an toàn.


Quản lý đồ chơi của trẻ cũng là một việc cần nên làm. Cha mẹ có thể cùng trẻ phân loại đồ chơi bằng cách bỏ chúng vào những ngăn hộp bằng nhựa chắc chắn và có nắp đậy. Sau đó, hãy cùng trẻ tìm kiếm và cắt dán những dòng chữ và hình ảnh như “không độc hại”, “dễ giặt” hoặc “chỉ dành cho trường học” v.v. trên các tạp chí để dễ quản lý. Cha mẹ nên cẩn thận theo dõi việc trẻ sử dụng keo dán.


Đối với tủ đựng đồ chơi hoặc thùng có nắp đậy, cha mẹ nên kiểm tra cẩn thận để tránh việc trúng vào đầu, quấn vào cổ của trẻ và gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Trẻ cũng có thể gặp nguy cơ bò vào thùng đựng đồ chơi và bị nhốt từ bên trong. Trong trường hợp này, cha mẹ nên gỡ tấm đậy ra khỏi thùng, tủ đựng hoặc gắn các thiết bị hỗ trợ nắp đậy (giúp cho nắp đậy không bao giờ bị đóng trong bất cứ trường hợp nào). Nếu thùng đồ chơi có nắp đậy bằng nhựa thì nên tạo ra một khoảng trống từ 12mm trở lên khi đóng để tránh việc tay của trẻ bị đè và tạo ra sự thông gió. Kiểm tra thường xuyên để đảm bảo chúng vẫn hoạt động tốt. Cha mẹ có thể thắt chặt hoặc điều chỉnh khi cần thiết.


Đừng để đồ chơi của trẻ lẫn lộn với nhau. Hãy giữ đồ chơi cho trẻ lớn riêng và đồ chơi cho trẻ nhỏ riêng vì tính chất an toàn.


Vệ sinh đồ chơi thường xuyên để hạn chế vi trùng, vi khuẩn có thể gây hại cho trẻ khi tiếp xúc. Sau khi đã chọn được những món đồ an toàn cho trẻ, cha mẹ nên hướng dẫn cho trẻ cách sử dụng và thường xuyên giám sát trẻ khi trẻ đang chơi:


- Dạy trẻ cất đồ chơi mỗi khi chơi xong. Cha mẹ cũng có thể cùng trẻ dọn dẹp hoặc chơi những trò chơi nhằm giáo dục ý thức gọn gàng ở trẻ. Nên tạo ra những phần thưởng nhỏ khi trẻ có hành động tự dọn dẹp.


- Thường xuyên kiểm tra độ an toàn của đồ chơi.


- Luôn luôn giữ những đồ vật nguy hiểm như pháo hoa, que diêm, kéo nhọn hoặc bong bóng khỏi tầm mắt và tầm với của trẻ.


- Quan sát, theo dõi sít sao để đánh giá mức độ khéo léo và các hoạt động ưa thích của trẻ.


- Thường xuyên tìm hiểu và cập nhật thông tin về tình hình đồ chơi trên thị trường và những mối nguy hại mà các chuyên gia y tế khuyến cáo đối với sức khỏe của trẻ nhỏ. Nhờ đó, cha mẹ có thể phòng ngừa và xử lý kịp thời để đảm bảo an toàn cho trẻ.


Picnictoy