(Webtretho) Những năm đầu đời của con được đánh dấu với rất nhiều cột mốc, và việc bé có thể tự đi những bước đầu tiên luôn là một điểm nhấn quan trọng đối với bố mẹ và sự phát triển của trẻ.
Để có thể giúp con tập đi từng bước đúng cách và không ảnh hưởng đến dáng đi sau này của bé, bạn cần biết những thông tin sau:
1. Khi nào thì bé bắt đầu tập đi?
Đa số trẻ bắt đầu có những biểu hiện tập đi từ 8 tháng tuổi, và biết đi ngay sau sinh nhật 1 tuổi của mình. Quá trình chuẩn bị tập đi của bé đòi hỏi sự vận động cơ bắp khá nhiều. Bạn có thể nhận thấy khả năng vận động của con mình ngày một phức tạp hơn, từ việc lật mình, lết, bò, đến việc nâng đỡ cơ thể từ từ.
Bước đi đầu tiên với biết bao ý nghĩa và niềm vui cho cả bé và cả gia đình (Ảnh: Inmagine)
2. Quá trình tập đi của bé
Trước khi có thể tập đi từng bước, bé cần học cách giữ thăng bằng trọng lượng cơ thể từ việc tập bò, tập ngồi và phát triển các cơ khác là tay và chân. Bạn sẽ thường thấy trẻ 6 tháng tuổi rất hay hoạt động tay chân, rất thích nảy mình và bắt đầu có xu hướng vịn vào mẹ để tập đứng. Vào khoảng 9 tháng tuổi, bé sẽ thường xuyên bám víu vào vật dụng trong nhà hay người lớn xung quanh để tập đứng, giữ thăng bằng và tập ngồi sau khi đứng. Hình ảnh con bạn đứng nhún nhảy vài giây và ngồi xuống sẽ được lặp lại nhiều lần khi bé khoảng 10 tháng tuổi, đó là "trò chơi" khá yêu thích của bé vào thời điểm này. Do trẻ nhỏ chưa làm chủ được trọng lượng của mình khi ngồi xuống, bạn hãy luôn ở đằng sau hoặc đặt gối, chăn ở sát sau con để đỡ khi bé ngồi xuống, tránh áp lực mạnh ảnh hưởng đến đốt sống của bé.
Sau giai đoạn này, đến tầm 12 tháng tuổi, con bạn sẽ bắt đầu "hành trình" di chuyển từ điểm này qua điểm khác, từ ghế sofa đến lòng mẹ và ngược lại. Bé có thể đứng và đi một đoạn ngắn mà không cần sự hỗ trợ. Giai đoạn này, bé cũng bắt đầu tập khom lưng để nhặt đồ chơi và từ từ ngồi xuống, hoặc ngồi xổm.
Bé cần học giữ thằng bằng trước khi biết đi (Ảnh: Inmagine)
Từ tháng tuổi thứ 14 - 18, con bạn sẽ dần dần thành thạo khả năng đi, đứng; bé đi bộ nhiều hơn và thường bám vịn thành cầu thang để leo lên từng bậc một, tất nhiên bạn phải luôn ở bên con để kịp thời hỗ trợ. Thời điểm này, dáng đi của bé có vẻ vẫn chưa hoàn thiện, nhưng bạn đừng quá lo lắng khi tập đi bàn chân bé hướng ra ngoài, đi nhón chân và tiếp tục đi hai hàng bởi tư thế này giúp bé thăng bằng được tốt hơn. Bạn có thể hướng dẫn con từ từ, và chỉnh lại dáng cho con khi bé bước đi đã thành thục hơn.Đến tháng thứ 25 - 26, bé bắt đầu đi nhiều bước hơn và biết đi bằng cả bàn chân khi di chuyển. Và từ thời điểm này đến sinh nhật 3 tuổi, con bạn sẽ dần hoàn thiện hơn kỹ năng đi của mình. Bé không còn phải quá tập trung năng lượng hay sự dè chừng cho từng bước đi nữa mà sẽ có thêm các hoạt động liên quan như chạy, nhảy.
3. Bố mẹ giúp con tập đi như thế nào?
Bạn hãy luôn ở bên cạnh giám sát và hỗ trợ giúp con có được những bước đi đầu tiên vững chãi nhất. Trong quá trình con tập giữ thăng bằng và vận động nhằm phát triển hơn các cơ tay, cơ chân, bạn có thể giúp con bằng cách đặt các món đồ chơi ở phía trước, cách bé một khoảng nhỏ. Việc cố gắng nhoài người, bò hay lết về phía trước để lấy đồ vật giúp ích cho quá trình này rất nhiều.
Luôn giám sát và hỗ trợ cho con tập đi (Ảnh: Inmagine)
Bạn cũng hãy tạo điều kiện và giúp con tập đứng, vì việc này sẽ giúp săn chắc, phát triển cơ, xương chân - tiền đề cho những bước đi đầu tiên vững chãi. Bạn có thể cho con bám vào chân mẹ và tự đứng dậy, sau đó giúp bé gập đầu gối để từ từ ngồi xuống nhằm tránh tổn thương phần mông và xương cột sống.Khi cùng con tập đi, bạn hãy dìu, nâng đỡ con đi từng bước một, nhưng không thúc đẩy hay kéo bé đi theo mình để tránh gây trật cổ tay hay xương vai bé. Thay vào đó, bạn nên nâng từ khủy tay hay vai bé, như vậy sẽ an toàn hơn. Bạn có thể quỳ gối trước mặt con và đỡ con bằng hai tay giúp bé di chuyển trong nhà, khi bé đã đi thành thạo, bạn có thể dùng tay dắt bé đi. Và hãy luyện tập nhiều lần cùng bé nhé!
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) không khuyến khích việc sử dụng xe tập đi cho bé bởi có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cơ bắp đùi và ảnh hưởng đến quá trình định hình khung xương chân, cũng như dáng đi của bé. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên rằng bạn không cần phải đi giày cho con khi bé tập đi trong nhà, việc đi lại bằng chân không sẽ giúp bé cảm nhận rõ hơn về từng bước đi và cân bằng hơn. Khi nào bé ra ngoài hoặc trong thời tiết lạnh thì bạn hãy mang giày cho bé.
Khi con tập đi, khả năng bé gặp nguy hiểm sẽ cao hơn so với lúc trước, và bạn cần đảm bảo môi trường xung quanh nơi bé thường lui tới phải thật an toàn. Bằng cách nào?- Hãy loại bỏ hoặc xếp gọn các chướng ngại vật trong không gian con tập đi, hạn chế các góc nhọn ở đồ nội thất như bàn, ghế, kệ, tủ... bằng cách che chắn bằng vật mềm. Cất những dụng cụ nguy hiểm như dao, kéo, dung dịch hóa học, nước sôi, đồ vật nặng... ở xa tầm tay trẻ.- Nên để con tập đi ở không gian thấp và bằng phẳng. Bạn nên đóng cửa phòng tắm, phòng bếp và hạn chế để bé leo cầu thang khi bước đi chưa vững nhằm tránh nguy hiểm.
Cần bọc ổ cắm điện để bảo vệ con (Ảnh: Internet)
- Lưu ý về các ổ điện, phích cắm và các thiết bị điện khác. Bạn cần bọc chúng lại hay có phương pháp an toàn nhằm bảo vệ trẻ.
Tùy vào thể trạng và sức khỏe mà một số trẻ đã 1 hay gần 2 tuổi vẫn chưa đi vững, hoặc không biết đi, bạn cần đưa con đi khám để biết rõ tình hình sức khỏe của bé. Và hãy nhớ luôn ở cạnh, trông chừng và hỗ trợ cho con trong suốt quá trình tập đi cũng như phát triển của con, bạn nhé!
Nếu bạn có hình ảnh hay clip lưu giữ bước khởi đầu quan trọng này của bé, hãy cùng chia sẻ với mọi người nào :x