Tôi may mắn sau khi đẻ con xong được xe đưa thẳng từ bệnh viện về nhà mẹ đẻ. Tôi được mẹ đẻ chăm sóc cho cả hai mẹ con rất chu đáo. Tôi hầu như chỉ cho con bú sữa và cho con ngủ, khi con ngủ rồi thì chỉ có đọc sách, xem phim. Ra tháng là tung tăng cà phê với bạn bè rồi. Tôi nhờ người dì vào nhà tắm cho con mỗi sáng, cũng như hơ và nắn tay chân cho con. Dì còn nấu nước gừng cho tôi xông mặt, đập nghệ tươi chưng với mật ong cho tôi uống, giặt đồ cho con tôi. Mẹ tôi thì cơm nước, đến giờ gọi tôi ăn thôi. Tôi thấy mình rất may mắn và có phước.
Tôi biết không phải ai nào cũng được như vậy, do điều kiện không có nhà riêng, do không đủ tiền thuê người giúp việc, hoặc nhà mẹ đẻ xa quá, đẻ xong về ở cữ nhà chồng, thì ôi thôi là bao nhiêu chuyện xảy ra.
Tôi nghe nhiều về chuyện ở cữ nhà chồng từ bạn tôi, đồng nghiệp của tôi và nhiều trường hợp khác nữa. Mọi người đều có chung tâm lý là căng thẳng, mệt mỏi, nhất cử nhất động đều phải kiêng nể, e dè, nhà chồng nói gì thì cũng phải nghe theo răm rắp. Đẻ con xong thì tâm lý tình cảm lại không ổn định, cứ hay nhạy cảm rồi đâm ra buồn chán, khổ sở.
Bạn tôi kể: “Không biết mọi người thế, chứ mình sao nó giống địa ngục thế. Ngày đầu tiên ở bệnh viện về, mẹ chồng bảo chồng sang phòng bên cạnh ngủ một tháng để bà ngủ chung với mình. Cũng biết bà có lòng tốt nhưng mọi người biết rồi đấy, tâm lí vợ nào mới sinh con chả muốn ngủ cùng chồng, với ngủ cùng mẹ chồng nó cứ thế nào ấy, không quen tí nào. Những ngày đầu sữa chưa về, mình vẫn cho con bú mẹ để tập phản xạ bú cho con, bà nội nựng cháu bảo "vú mẹ dởm quá, con mút đau cả miệng mà không có sữa, lại phải uống sữa ngoài". Haizzz! Đến khi mình có sữa vắt ra bình, để bà cho cháu bú thì bà kêu "sữa gì mà loãng thế". Hic, đẻ cháu ra cho ông bà chẳng được một lời khen, mẹ ruột thì khen sữa tốt còn ông bà nội bảo tại cháu nó chịu ăn thì mới được như thế chứ. Có vẻ một lời khen với ông bà nội là quá khó. Chưa kể hồi mình mang bầu, mẹ chồng nói “con này mông nhỏ, bụng chửa cao lại khó đẻ thôi”. Rồi đến chồng thì chẳng có tý chính kiến gì, mấy ngày đầu mình thuê người về tắm cho đến khi con rụng rốn, mẹ chồng tối về kể ngay với chồng là thuê người về tắm cháu khóc khản cả cổ rồi đến viêm phổi, thế là chồng lại càu nhàu. Sau một tháng ở cữ nhà chồng, mình được về nhà mẹ ruột, tung tăng tung tẩy vì được đến với thiên đường. Một mình bà ngoại vất vả chăm 2 mẹ con, con mình trộm vía cũng lên cân tốt, thế mà mẹ chồng chê cháu sang đây không được dạy dỗ gì, cháu hồi ở nhà đạp chân mạnh lắm, bây giờ qua bên này đạp ít hẳn. Nghe những lời mẹ chồng nói mà không cầm được nước mắt vì thương mẹ ruột, bà đã vất vả thế mà chẳng được một lời. Hết 2 tháng ở nhà ngoại, hai mẹ con lại ngậm ngùi khăn gói về nội. Bây giờ mình như muốn phát điên vì những lời nói ra nói vào của mẹ chồng. Không biết có phải mình quá nhạy cảm không?”
Một người bạn khác của tôi nghe xong thì nói ngay: “Buồn làm gì cho ảnh hưởng đến con, cứ thoải mái lên đi, tâm lý chung ba mẹ chồng nào cũng thế, thường là chỉ coi con cháu là nhất, còn dâu thì sao mà đòi được như con cháu ông bà được. Bản thân mình cũng không thể nào sâu sắc với ba mẹ chồng bằng ba mẹ đẻ của mình mà. Nhưng mình không được nhất thì cũng được ông bà quan tâm thứ 2,3, chứ không đến nỗi người dưng đâu. Cứ thử so sánh mình với người hàng xóm đi, chắc chắn ba mẹ chồng sẽ bênh mình chằm chặp thôi à. Còn về chăm con thì mình cũng như vậy thôi, ở với mẹ chồng rất căng thẳng, căng thẳng ở chỗ mẹ chồng không tâm lý, hay nói, không được công bằng, cái gì giỏi cũng là con, cháu bà, còn dâu cỡ nào cũng chả là cái đinh gì. Ví dụ như cháu nhanh nhẹn, hay nói, bà sẽ bảo giống bà, giống ông, giống bố, giống cô; còn nó lười nhác thì bảo giống mẹ... Rồi ăn uống này nọ, khi cho nó ăn nhiều, nó tròn trịa thì ông bà bảo cháu ông bà có gen khỏe mạnh, chả được lời khen. Khi bà cho nó ăn nó ói thì bảo là do nó ốm yếu, do đồ ăn mẹ nấu thô ...Khi mình cho nó ăn ói thì không tiếc lời trách cứ, tại mẹ nó tham, ép nó làm chi, không ăn thì thôi... Vậy đó!”
Còn chuyện của nhỏ em đồng nghiệp thì ngược lại hoàn toàn, nó kể: “Em đẻ xong cũng về nhà mẹ ruột nè, nhưng có nhờ vả gì được đâu. Bình thường mọi chuyện trong nhà ba em làm hết cho mẹ rồi, từ đi chợ nấu ăn đến giặt đồ. Nên việc chăm cháu là mẹ em không làm được. Bà về hưu nên ngày nào cũng hẹn hò mấy bà bạn cà phê cà pháo. Em có thuê một bé giúp việc nhưng chủ yếu vẫn là đi chợ, lau quét nhà và giặt giũ thôi, cũng may có mẹ chồng lên nhà em ở mấy tháng trời phụ chăm nuôi hai mẹ con em. Mẹ chồng em hiền lắm, thương dâu nữa, chăm em từng chút một, mà bà còn nói chuyện rất nhỏ nhẹ, tình cảm nữa. Việc gì bà cũng biết, đến lúc con ăn dặm, trong khi em còn lóng ngóng không biết làm gì thì bà đã chỉ bảo, hướng dẫn em cách chế biến đồ ăn rồi. Chị không biết đâu, ngày mẹ chồng về, em buồn khóc quá chừng!”
Chuyện ở cữ cũng đủ kiểu, theo tôi thấy thì nhiều mẹ vẫn “đứng núi này trông núi nọ”. Như tôi này, hết 6 tháng ở nhà mẹ ruột vẫn phải về nhà chồng ở. Ban đầu cũng trần ai, cũng khổ sở chứ, cũng một mình chăm con tối tăm mặt mày. Nhưng lúc đấy là do mẹ chồng tôi chưa quen, chưa có kinh nghiệm chăm cháu, cứ từ từ hướng dẫn ông bà, dần dần ông bà cũng quen, chăm cháu thành thạo và lúc đấy mẹ sẽ rất khỏe. Một lợi thế rất lớn khi ở cùng ông bà là có người phụ tôi chăm con, khi đi làm hay đi ra khỏi nhà tôi rất yên tâm, nhưng tất nhiên khi ở chung nhà chồng, tôi phải kiêng dè là dễ hiểu, vì tôi nhờ vả ông bà thì tôi phải nghe lời và tôn trọng, vì tôi đang nhờ vả chứ đó không phải là trách nhiệm của ông bà phải làm. Nhiều mẹ thì bảo ở riêng mới sướng, sướng thì sướng thật đấy, không bị gò bó, thoải mái hơn, nhưng muốn đi đâu cũng không được, mà phải có tiền mới thuê người giúp việc, mà đố mẹ nào dám giao con cho người giúp việc rồi đi đâu đấy.
Bởi vậy mới thấy, mỗi người mỗi hoàn cảnh, khi ở cữ nhà chồng, các mẹ chỉ cần biết dung hòa một chút, nhường nhịn một chút thì cuộc sống sẽ yên ổn và tốt đẹp cả thôi!