Cũng có triệu chứng phát ban, nhưng bệnh Kawasaki nguy hiểm hơn rất nhiều so với các loại bệnh
trẻ em thường gặp như bệnh sởi, thủy đậu, ban…
>>> Mời bạn xem thêm:
Kawasaki khởi phát với triệu chứng sốt cao kéo dài và phát ban tương tự như phát ban sởi, nhưng khác ở sởi là mắt trẻ đỏ rực, phát ban đỏ khắp cơ thể, lưỡi cũng đỏ rực như quả dâu do sung huyết miệng, họng; môi bị khô, nứt nẻ, có khi biểu hiện bằng những nốt ban đỏ ở môi, trẻ cũng bị bong rộp ở chân tay do phát ban… Sau 5-7 ngày, các cơn sốt bắt đầu giảm dần và da chân tay bong tróc.
Kawasaki nguy hiểm bởi biến chứng của nó lên tim mạch có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, làm đột tử trẻ.
Bệnh Kawasaki là gì?
Bệnh Kawasaki là một loại bệnh bất thường với đặc trưng là viêm các mạch máu trong toàn bộ cơ thể đặc biệt là các động mạch tim làm suy yếu kết cấu của các động mạch làm các động mạch tắc nghẽn, phình to do máu đông ứ đọng lại, dòng chảy của máu bị rối loạn, cuối cùng dẫn đến nhồi máu cơ tim và khiến trẻ tử vong.
Bệnh Kawasaki thường đi kèm với các triệu chứng: sốt, phát ban, sưng tấy bàn chân và bàn tay, nhức và đỏ mắt, kích thích ở màng nhầy vùng miệng, môi, và cổ họng, và sưng hạch bạch huyết ở cổ. Các triệu chứng ban đầu rất giống với bệnh sởi, nên có cha mẹ nhầm với bệnh sởi, chữa trị cho con tại nhà như trị bệnh sởi; cuối cùng con không cứu kịp với những biến chứng khó lường.
Bệnh Kawasaki hầu như chỉ xảy ra ở trẻ em; hầu hết các bệnh nhân đều dưới năm tuổi; đặc biệt phổ biến nhất là ở trẻ 1-2 tuổi và lệ mắc bệnh ở bé trai thường cao hơn gấp hai lần so với bé gái.
Bệnh Kawasaki có nguyên nhân từ đâu?
Đến nay, các nhà nghiên cứu chưa xác định chắc chắn nguyên nhân nào gây ra bệnh Kawasaki. Các giả định đưa ra là bệnh này có thể là bệnh về lây nhiễm (ví dụ như virút hoăc vi khuẩn) hoặc một căn bệnh của hệ thống miễn dịch, cũng có thể bệnh này có xu hướng về di truyền (thường xảy ra ở những người có gốc gác Nhật Bản). Điều đáng mừng là không có chứng cứ nào cho thấy rằng bệnh này lây truyền.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Kawasaki?
Bệnh nhân mắc bệnh Kawasaki thường sẽ bị sốt cao trước tiên, sốt tấn công rất nhanh, có khi lên tới 39-400C hoặc diễn biến phức tạp ở hơn 400C và kéo dài ít nhất 5 ngày. Đồng thời với cơn sốt kéo đến, các hạch bạch huyết ở cổ trẻ có thể sưng lên, mắt bị viêm kết mạc, môi và lưỡi trẻ đều ửng đỏ, da ở đầu các đầu móng tay móng chân bị lột ra.
Sau 2-3 ngày sẽ xuất hiện mẩn đỏ trên cơ thể trẻ, ban nổi nhiều ở các vị trí như bàn tay, bàn chân, hai bên bẹn. Ban đầu các nốt ban chỉ có màu đỏ sáng như muỗi chích hoặc các đốm đỏ nhiều kích cỡ khác nhau, thậm chí còn dính chùm vào nhau.
Ngay trong vài ngày đầu tiên mắc bệnh, trẻ sẽ bị viêm màng kết mạc ở mắt, hai mắt đỏ ngầu, khi vén mí mắt dưới lên thấy rõ mảng đỏ ở mắt. Mắt trẻ không chảy dịch như khi đau mắt thường.
Lưỡi của trẻ có thể đỏ và có các mụn nhỏ nổi lên; lưỡi khô và nứt nên trẻ không thể ăn uống bình thường được (các mẹ chú ý điều này).
Lòng bàn tay và lòng bàn chân trẻ thường chuyển sang màu đỏ sáng. Bàn tay và bàn chân có thể sưng lên. Thỉnh thoảng, trẻ con bị đau khớp và viêm khớp có thể kéo dài dai dẳng ngay cả khi các triệu chứng khác đã biến mất.
Khi hạ sốt, các triệu chứng khác cũng lặn dần, đây là lúc da quanh móng tay và móng chân trẻ bắt đầu tróc ra từng miếng lớn. Lúc này bệnh bắt đầu hạ nhiệt.
Ngoài các triệu chứng trên, trẻ có thể có các triệu chứng khác liên quan như tiêu chảy, đau khớp, viêm màng não. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh nhân có thể gây ra các biến chứng chính của bệnh này, đó là tình trạng viêm các động mạch nuôi cơ tim. Các động mạch có thể phình ra hoặc thít hẹp lai làm cho tim bị thiếu máu cục bộ gây ra cái chết đột ngột cho trẻ.
Nếu nghi ngờ con mình bị bệnh Kawasaki, cha mẹ nên làm gì?
Nếu con bạn có những triệu chứng tương thích với bệnh Kawasaki, cha mẹ nên đưa con đến khám ở các bác sĩ uy tín để được chẩn đoán chính xác và điều trị ngay, trước khi bệnh dẫn đến các biến chứng tim mạch.
Các bác sĩ sẽ yêu cầu cha mẹ trình bày lịch sử bệnh, sau đó tiến hành kiểm tra sức khỏe để phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng tương thích với căn bệnh này như đã đề cập ở trên. Ngoài ra, trẻ sẽ được làm các xét nghiệm như xét nghiệm máu (để xem xét các dấu hiệu của viêm mạch máu như: tình trạng thiếu máu nhẹ, số lượng bạch cầu trên mức trung bình, và tỉ lệ lắng đọng hồng cầu cao), xét nghiệm nước tiểu (để xem xét các bạch cầu bất thường ở trong nước tiểu), và siêu âm tim(xem nhịp tim có bất thường không, có bị căng cơ tim không). Kiểm tra chi tiết sức khỏe để chẩn đoán đúng bệnh sẽ giúp các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị đúng bệnh, giúp trẻ có nhiều cơ hội sống khỏe mạnh.
Bệnh Kawasaki có điều trị được không?
Khi các bác sĩ chẩn đoán các triệu chứng tương thích với bệnh tật, trẻ sẽ được điều trị bằng loại miễn dịch Gamma globulin liều cao tiêm vào tĩnh mạch để làm giảm mức độ nghiêm trọng của biến chứng tim mạch. Gamma globulin là lựa chọn hiệu quả nhất trong việc giảm viêm và ngăn ngừa tổn thương động mạch vành. Gamma globulin kết hợp với Aspirin liều cao sẽ được bác sĩ sử dụng điều trị cho trẻ trong giai đoạn bệnh mới phát cho đến khi giảm sốt.
Nếu trẻ đã mắc chứng phình động mạch hay bác sĩ phát hiện thấy bất cứ sự bất thường nào về tim hoặc mạch máu, việc điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật là cần thiết.
Nếu con bạn mắc bệnh này, cha mẹ nên cho con đi khám sức khỏe thường xuyên hơn. Thật không may là vào thời điểm hiện tại, bệnh Kawasaki không thể ngăn ngừa được; do đó các bậc cha mẹ cần phải nắm rõ thông tin bệnh để có thể có cách xử lý nhanh chóng, ngăn ngừa những trường hợp biến chứng xấu nhất.