Trẻ sơ sinh từ 0-3 tháng ngủ rất nhiều, thường khoảng 16-17 tiếng mỗi ngày. Nhưng hầu hết các bé đều không ngủ quá 1-2 tiếng mỗi giấc, bất kể là ngày hay đêm, trong những tuần đầu tiên sau khi sinh. Và khi con thức giấc, việc của bạn khi này là đáp lại những tín hiệu của con để thay tã, cho con bú, rồi dỗ con…



Tuy con ngủ rất nhiều nhưng vẫn làm xáo trộn lịch sinh hoạt của bạn rất nhiều và khiến bạn bị mệt.



Vì sao con lại ngủ như thế?



Chu kỳ giấc ngủ của trẻ sơ sinh ngắn hơn nhiều so với người lớn và các bé thường ngủ mắt chuyển động nhanh (REM) nhiều hơn, đây được cho là rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ bé. Ngủ REM vốn không sâu như giấc ngủ bình thường mắt không chuyển động, nên dễ dàng bị thức giấc hơn. Bạn cũng dễ bị thức giấc lúc nửa đêm theo con, bạn bị thiếu ngủ và cảm thấy như giai đoạn này kéo dài đến vô tận nhưng thật ra nó không kéo dài lâu đâu.




Những ngày đầu tiên sau khi chào đời, con ngủ rất nhiều nhưng bố mẹ lại ngủ được rất ít.(Ảnh: GettyImages)




Tiếp theo là gì?



Vào khoảng 6-8 tuần tuổi, hầu hết trẻ nhỏ bắt đầu ngủ những giấc ngắn hơn vào ban ngày và những giấc dài hơn vào buổi tối, dù hầu hết vẫn tiếp tục tỉnh giấc nửa đêm để bú. Thời gian cho giấc ngủ REM của các bé cũng ngắn hơn, và ngủ sâu mắt không chuyển động dài hơn.



Vào khoảng 4-6 tháng tuổi, theo các chuyên gia, hầu hết các bé đã có thể ngủ giấc dài 8-12 tiếng ban đêm. Một số bé ngay từ tuần thứ 6 đã ngủ dài cả đêm nhưng nói chung, đa phần sẽ chưa đạt đến được mốc này cho đến tận khi 5-6 tháng buổi, và cũng có một số bé khác còn tiếp tục thức giấc lúc nửa đêm cho đến khi đã chập chững đi. Bạn có thể giúp con đạt được dấu mốc phát triển này nhanh hơn bằng cách tập cho con những thói quen ngủ từ sớm.



Làm sao để hình thành những thói quen ngủ tốt cho con?




Dưới đây là một số mẹo để giúp con dễ ngủ và ngủ ngoan hơn:



Nhận biết những dấu hiệu cho thấy con đã mệt


Trong 6-8 tuần đầu tiên, hầu hết các bé đều không thể thức được lâu quá 2 tiếng đồng hồ mỗi lần. Nếu bạn chờ lâu hơn thế mới cho con đi ngủ thì bé có thể bị mệt quá mà trở nên khó ngủ. Hãy quan sát để nhận ra được ở con những dấu hiệu cho thấy bé đã mệt. Con có dụi mắt, kéo tai, hoặc khó chịu hơn bình thường? Nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu đó, hoặc bất kỳ dấu hiệu nào khác của sự buồn ngủ, hãy dỗ cho bé ngủ.



Dạy con về sự khác biệt giữa ngày với đêm


Một số em bé là “cú đêm” (có thể bạn đã nhận ra dấu hiệu báo trước điều này ngay từ khi mang thai) và cứ tỉnh như sáo khi bạn muốn dỗ bé ngủ. Trong những ngày đầu tiên, bạn sẽ chẳng thể làm gì được với thói quen này đâu, nhưng khi con được khoảng 2 tuần tuổi, bạn có thể bắt đầu dạy cho bé phân biệt ngày với đêm.




Bắt đầu từ tuần thứ 2, bạn có thể bắt đầu giúp con phân biệt ngày với đêm. (Ảnh: GettyImages)




Khi con tỉnh giấc và tỉnh táo vào ban ngày, hãy tương tác với bé thật nhiều, giữ cho nhà cửa, phòng của bé sáng sủa, cũng như đừng lo lắng tìm cách hạn chế những âm thanh ồn ào của ban ngày như tiếng điện thoại, tiếng nhạc, tiếng máy giặt… Nếu con ngủ khi đang bú/ ăn, hãy đánh thức bé dậy. Còn vào buổi tối, bạn đừng chơi với con khi bé thức giấc, đừng nói chuyện lâu với con, hãy giữ môi trường âm thanh và ánh sáng ở mức thấp. Chẳng mấy chốc mà bé sẽ bắt đầu hiểu được rằng buổi tối là lúc để ngủ.



Hãy cân nhắc chuyện bắt đầu thói quen khi đi ngủ


Sẽ không bao giờ là quá sớm để bạn và con bắt đầu làm quen với một “lộ trình” đi ngủ quen thuộc. Đó có thể là việc làm đơn giản như trước khi đi ngủ thì cho con thay quần áo, hát ru, và hôn bé chúc ngủ ngon.



Cho con được tự ngủ



Khi con được khoảng 6-8 tuần, bạn có thể bắt đầu cho bé “cơ hội” được tự chìm vào giấc ngủ. Bằng cách nào? Theo hướng dẫn của chuyên gia, bạn hãy đặt con nằm xuống khi bé đã buồn ngủ nhưng vẫn còn thức.



Chuyên gia cũng phản đối chuyện bạn đu đưa hay cho con bú để bé ngủ. Các bố mẹ nghĩ rằng những việc làm vào lúc còn sớm sủa thế này thì sẽ chẳng để lại ảnh hưởng gì, nhưng thật ra là có. Trẻ nhỏ đang tập thói quen đi ngủ của mình, nên nếu trong 8 tuần đầu tiên, tối nào bạn cũng đu đưa cho con ngủ, bé đã quen với việc này và sẽ khó thay đổi về sau.




Bố mẹ hãy chú ý quan sát để biết được khi nào con mệt và buồn ngủ, và chủ động tạo điều kiện giúp bé tự ngủ. (Ảnh: GettyImages)




Tuy vậy, không phải ai cũng đồng tình với điều này. Một số bố mẹ chọn cách đu đưa hay cho con ăn rồi để bé ngủ vì họ tin rằng đó là điều bình thường và tự nhiên, bởi vì họ thích như vậy, và con họ thì ngủ ngoan và phát triển tốt, hoặc bởi đơn giản là họ không có cách nào khác. Nhưng như thế cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải thức giấc nhiều lần trong đêm để giúp con ngủ lại.



>> Mời bạn tiếp tục tham khảo những điều cần biết về giấc ngủ của bé 3-6 tháng.