Mẹ cần biết con mình đã chích những chủng ngừa nào rồi, đặc biệt khi các loại vacccin đang khan hiếm như hiện nay, mẹ cần phải nắm lịch chích ngừa của con và hiểu về quy tắc về thời điểm sớm nhất có thể chích (uống) vaccine đó và khoảng cách tối thiếu giữa 2 liều của cùng loại vaccine. Ví dụ vaccine bạch hầu- ho gà - uốn ván (các loại 5 hay 6 trong 1 chẳng hạn) thì chích liều đầu sớm nhất lúc 6 tuần tuổi, liều thứ 2 cách liều đầu tối thiểu 4 tuần. Nếu như bé trễ hẹn mũi chích kế tiếp (do bé bệnh không được chích đúng hẹn), thì bé cũng chỉ cần chích tiếp những liều còn lại chứ không cần phải nhắc lại từ mũi đầu tiên.
Có thể chích 2 liều vacccin cùng một lúc?
Câu trả lời là có thể. Khoảng cách tối thiểu ở trên chỉ áp dụng đối với cùng 1 loại vaccine. 2 hay nhiều loại vaccine sống dạng chích đều có thể chích cùng 1 lúc, nếu chích khác ngày thì phải cách nhau tối thiểu 4 tuần. Do đó, giữa 2 loại vaccine chết (loại vacxin mà vi khuẩn đã bị tiêu diệt) khác nhau (ví dụ viêm gan B, viêm gan A, bạch hầu, ho gà, Hib, não mô cầu), hay giữa 1 vaccine sống dạng chích và 1 vaccine chết thì không tính khoảng cách tối thiếu 4 tuần lễ. Chi tiết có thể hỏi bác sĩ của bạn thêm.
Trong 1 lần đi chích có thể tiêm ngừa bao nhiêu loại vacccin?
Bao nhiều vaccine cùng 1 lúc đều được, miễn là thỏa điều kiện tuổi tối thiểu được chích và khoảng cách tối thiểu. Lý do là hệ miễn dịch của bé có thể tiếp nhận đến 10000 kháng nguyên trong một thời điểm. Sự thật là tổng số vaccine hiện nay chưa bao giờ chiếm 1 phần nhỏ khả năng đáp ứng của hệ miễn dịch của bé. Nhiều phụ huynh lo sợ rằng nếu con mình chích nhiều mũi vaccine cùng lúc sẽ không chịu nổi. Thực ra bé dư sức đáp ứng được miễn dịch. Hơn nữa, chích nhiều vaccine cùng lúc sẽ giúp cho bé được bảo vệ kịp thời nhiều loại bệnh truyền nhiễm có thể ngừa được bằng vaccine, đỡ tốn thời gian (và tiền bạc) đi chích ngừa nhiều lần, cũng đỡ phải lỡ 1 loại vaccine nào đó vì đến kỳ đi chích mà vaccine đó lại “hết hàng”.
Mẹ cần đưa bé đi chích ngừa đầy đủ
Bé đang mệt có thể chích ngừa không?
Khi cho con đi chích, mẹ nhất thiết phải cho con khám và thông báo đầy đủ thông tin về sức khỏe của con cho bác sĩ biết, để bác sĩ quyết định con bạn có thể được chích hay không. Con bạn vẫn có thể chích ngừa được nếu:
Bé bị đau, đỏ, sưng sau khi chích bạch hầu - ho gà - uốn ván lần trước.
Bé bị sốt không quá 40,5 độ C sau khi chích bạch hầu - ho gà - uốn ván (loại vô bào) lần trước.
Bé bị những bệnh nhẹ như ho cảm, tiêu chảy mà không bị sốt.
Bé đang hồi phục từ những bệnh nhẹ như ho cảm hay tiêu chảy (tức là bé bớt sốt, mặc dù vẫn còn ho hay tiêu chảy).
Bé mới tiếp xúc với một bệnh nhiễm trùng gần đây.
Bé đang uống kháng sinh.
Bé đang bú mẹ.
Bé sinh non.
Bé bị những bệnh dị ứng như chàm, mề đay, suyễn, viêm mũi dị ứng, ... (không phải dị ứng nặng với trứng gà).
Khi nào mẹ không nên cho bé đi tiêm vaccin?
Nếu như trước đó bé dị ứng nặng với vaccine (sốc phản vệ) thì không được chích vaccine đó lần sau. Nếu bé bị co giật hay khóc thét liên tục trên 3 giờ sau khi chích vaccine ho gà thì cũng không nên chích tiếp ho gà. Nếu dị ứng nặng với trứng gà (sốc phản vệ) thì về mặt lý thuyết không nên chích vaccine cúm. Chính vì thế, các cơ sở y tế khuyến nghị cha mẹ nên cho bé ăn trứng gà trước khi đi tiêm tránh trường hợp nhiều phụ huynh bế con đi chích cúm phải ngậm ngùi bế con về do chưa được ăn trứng gà bao giờ.
Ngoài ra, không nên cho bé đi chích ngừa nếu: bé đang sốt; bé đang mắc 1 bệnh nhiễm khuẩn cấp tính (viêm phổi, thương hàn, sởi v.v…); bé mới khỏi các bệnh trên, còn đang trong thời kỳ hồi sức; bé đang bị viêm da mủ (bệnh ngoài da, có mủ), hoặc bệnh chàm ngoài da (eczéma).
Trường hợp nào tuyệt đối không nên cho trẻ đi chích ngừa?
Nếu trẻ mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi tiến triển, tràn dịch màng phổi…, nhất là đang có bệnh ở thận (như viêm thận mạn tính v.v…) thì không được cho bé đi chích ngừa.
Không nên tiêm phòng lao cho trẻ sinh non còn quá yếu, quá thiếu cân; các trẻ đang bị bệnh cấp tính; các trẻ đang bị bệnh ngoài da lan rộng, đang tiến triển.
Tránh tiêm phòng sởi cho bé đang bị bệnh bạch cầu (1 dạng ung thư máu), các trẻ đang bị suy dinh dưỡng rất trầm trọng.
Tránh tiêm phòng thương hàn cho trẻ bị bệnh ở thận, đang bị tiểu đường, hoặc đang trong tình trạng dị ứng trầm trọng (như suyễn phế quản, v.v…).
Nếu không tuân thủ các quy tắc trên, bé sẽ bị nguy hại đến tính mạng.