Hệ hô hấp vô cùng quan trọng với sự sống của con người, trẻ sơ sinh mắc các khiếm khuyết liên quan đến hệ hô hấp sẽ gặp phải nhiều bất tiện và nguy hiểm.
Nguyên nhân nào gây ra các khiếm khuyết trên và khi nào những dị tật này có thể phẫu thuật điều trị được? Hãy cùng tham khảo nhé.
1. Sứt môi và chẻ vòm hầu, thường có 3 dạng:
Sứt môi mà không bị chẻ vòm hầu;
Chẻ vòm hầu mà không sứt môi;
Sứt môi và chẻ vòm hầu.
Vì sao trẻ mắc các dị tật này?
Hiện nay vẫn chưa có kết luận rõ ràng về nguyên nhân gây các dị tật trên là do di truyền, do môi trường (người mẹ sử dụng một loại thuốc nào đó, hút thuốc hoặc uống rượu khi mang thai…) hay do bệnh của người mẹ trong thời kỳ đầu mang thai. Tuy nhiên các thống kê cho thấy dị tật này thường xảy ra ở trẻ em châu Á, châu Mỹ Latin, và tần suất trẻ bị chẻ vòm hầu thấp hơn trẻ sứt môi.
Trẻ mắc dị tật này thường dễ mắc các bệnh khác như câm, điếc, khiếm khuyết khả năng nói; bị các bệnh về răng như thiếu, thừa, dị hình hay răng mọc lộn xộn… Trẻ cũng dễ bị nhiễm trùng tai. Nhờ siêu âm, các dị tật này có thể phát hiện sớm vào giữa tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ.
Chăm sóc bé thế nào?
Sứt môi khiến trẻ gặp khó khăn khi ăn; chẻ vòm hầu còn gây trở ngại nhiều hơn, trẻ ăn hay bị sặc. Mẹ nên bế trẻ ở các tư thế khác nhau sao cho trẻ luôn ngậm kín quầng vú để bú có hiệu quả. Các bình sữa với núm vú đặc biệt có thể giúp trẻ bú dễ hơn. Nếu trẻ không mút vú được hoặc hay bị sặc sữa, phải vắt sữa cho bé ăn bằng thìa và cốc thật sạch.
Khi nào có thể phẫu thuật?
Với khiếm khuyết sứt môi, thời gian tốt nhất để phẫu thuật là khi trẻ được 6 tháng tuổi, sức khỏe đã ổn định. Với trẻ bị chẻ vòm hầu, nên thực hiện phẫu thuật khi trẻ bắt đầu hiểu biết và khi niêm mạc vòm miệng hai bên khe hở có đủ độ dày để tạo vạt, thường khi trẻ được 18 – 24 tháng tuổi.
2. Hẹp xoang mũi
Mũi được hình thành từ tuần thứ tư của bào thai. Trong quá trình phát triển đó, vì một nguyên nhân bất thường như nhiễm virus cúm, rubella… hay một số độc tố của thuốc mà người mẹ sử dụng trong thai kỳ có thể dẫn đến những thay đổi bất thường của trẻ, trong đó có những dị tật của mũi. Trẻ có thể bị ở một bên hoặc cả hai bên mũi. Hẹp xoang mũi hai bên thường kết hợp với những dị tật bẩm sinh khác (tật khuyết lõm ở phần dưới mống mắt, khiếm khuyết ở tim, chậm phát triển, những bất thường của hệ tiết niệu – sinh dục và những bất thường của tai…)
Nhận biết bệnh
Hẹp xoang mũi một bên, trẻ vẫn còn thở được bên còn lại. Nếu cả hai bên đều hẹp, trẻ thở khó khăn, có thể tím tái nhưng khóc to và không co kéo xương ức. Mỗi lần bú, trẻ thường bị ngạt thở và ho sặc sụa nên không thể cho bú trực tiếp. Nước mũi thường xuyên có nhưng sau khi hút xong tình trạng vẫn không khá hơn.
Xử trí
Trẻ được hút sạch nhớt, nước mũi, đặt ống thông Mayo đè lưỡi xuống để có thể thở dễ dàng hơn trong khi chờ đợi phẫu thuật. Nếu khoang mũi sau bị che lấp hoàn toàn hoặc hẹp hai bên làm trẻ không thở được thì phải hỗ trợ hô hấp, nhất là trường hợp có bất thường về sọ – mặt trầm trọng có thể cần thiết phải mở khí quản và giải quyết phẫu thuật hẹp xoang mũi sớm sau sinh. Trường hợp hẹp xoang mũi một bên và khoang mũi sau chỉ bị che lấp một phần thì thời điểm phẫu thuật nên trong vòng 2 – 3 năm tuổi, tùy vào tình trạng chung của trẻ.
3. Hội chứng Pierre – Robin
Đặc trưng của hội chứng Pierre – Robin là thiểu sản xương hàm dưới, kèm theo mềm sụn thanh quản và còn có thể kèm theo nhiều dị dạng bẩm sinh khác. Hội chứng Pierre – Robin là một tình trạng hiếm gặp. Ở Đan Mạch, tỷ lệ mắc phải là 1/14.000 trẻ sinh sống, ở Mỹ ước tính thay đổi từ 1/2.000 – 1/30.000.
Trẻ thường có 3 biểu hiện:
Chẻ vòm hầu, nhưng không sứt môi;
Teo hàm dưới;
Lưỡi tụt ra sau.
Thể hiện rõ nhất là trẻ khó thở kèm theo tiếng thở rít như mèo kêu cho nên còn gọi là hội chứng mèo kêu. Tắc đường hô hấp trên do tụt lưỡi, rất hay gặp sau sinh hoặc muộn hơn là 3 tuần sau sinh. Trẻ có thể khó thở, tím tái. Nếu không được phát hiện và điều trị có thể dẫn đến tình trạng thiếu oxy mãn, não suy và tâm thất phải lớn do bệnh ở phổi.
Xử trí
Nên đặt trẻ nằm sấp, đầu nghiêng sang một bên, nếu để đầu cao sẽ làm tăng nguy cơ tụt lưỡi, nếu để đầu thấp sẽ có nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản. Trong trường hợp suy hô hấp nặng, có thể phải mở khí quản. Trẻ có chẻ vòm hầu nên việc nuôi ăn rất cần được lưu ý. Vì sức bú của trẻ rất kém nên có thể sử dụng núm vú thường hay mở rộng lỗ núm vú để có thể tăng thể tích dòng sữa cung cấp cho trẻ. Nếu cho ăn bằng đường miệng thất bại thì đưa thức ăn qua sonde dạ dày.