Kể từ khi được sinh ra, đôi mắt sẽ là công cụ giúp cho bé phát triển cả về thể chất, trí tuệ và cảm xúc bằng cách thu thập những hình ảnh từ thế giới mới mẻ xung quanh đến cho bé.
Khi nào thị giác của bé phát triển?
Không giống như thính giác được hoàn thiện khoảng 1 tháng sau khi bé ra đời, thị giác thì sẽ dần dần phát triển trong khoảng 6 – 8 tháng, và sau đó bé sẽ có một thị lực gần như một người trưởng thành.
Tuy rằng đôi mắt của trẻ sơ sinh đã có thể nhìn thấy khá tốt mọi thứ khi vừa được sinh ra, nhưng bộ não của trẻ thì vẫn chưa sẵn sàng để tiếp nhận các thông tin hình ảnh, vì vậy những gì bé thật sự thấy cũng rất mơ hồ và lộn xộn. Cho đến khi não phát triển hơn thì đôi mắt của bé mới có khả năng nhìn thấy mọi vật rõ ràng, giúp cho bé có thể hiểu và ứng biến với môi trường xung quanh.
Ảnh: Getty Images
Thị giác của bé phát triển như thế nào?
Khi mới lọt lòng, mắt của trẻ không thể nhìn thấy xa hơn 20-30cm – khoảng cách vừa đủ để bé có thể nhìn thấy gương mặt của những ai bế bé trên tay. Bé có thể thấy được ánh sáng, hình dạng và các chuyển động ở phía xa hơn nhưng tất cả vẫn chỉ rất mờ ảo. Rõ ràng lúc này với bé, nhìn thấy gương mặt của bố mẹ là một điều vô cùng thú vị. Do đó, hãy thường xuyên có những cuộc chuyện trò mặt đối mặt với bé nhé!
1 tháng tuổi
Bé vẫn chưa biết cách sử dụng đôi mắt của mình nên thường hay nhìn láo liên hoặc thậm chí là làm mắt mình lé đi. Hết tháng đầu tiên và đến tháng kế tiếp, bé mới có thể nhìn tập trung và dõi theo những vật đang chuyển động. Bé sẽ rất thích được nhìn thật gần vào đôi mắt và gương mặt của bố mẹ. Hãy bày trò chơi nhỏ với bé, mẹ đưa mặt gần lại, nhìn vào mắt bé rồi từ từ di chuyển đầu qua lại để tập cho mắt bé có phản xạ nhìn được tốt hơn.
2 tháng tuổi
Từ khi sinh ra, mắt bé đã có thể nhìn được các màu sắc khác nhau, tuy nhiên vẫn rất khó khăn để bé có thể phân biệt được những màu cùng tông như cam và đỏ. Đó chính là lí do bé rất thích màu trắng-đen hoặc những màu sắc có độ tương phản cao. Trong một vài tháng sau đó, bộ não của bé sẽ phải học cách để phân biệt các màu sắc khác nhau. Chính vì lí do này, bé sẽ tỏ ra vô cùng hứng thú với những vật có màu đơn sắc rực rỡ hoặc những đồ vật có thiết kế chi tiết, phức tạp hơn. Bố mẹ có thể khuyến khích thị giác của bé phát triển bằng cách cho bé xem những bức tranh, hình ảnh, sách hình và đồ chơi. Những tháng tiếp theo bé sẽ bắt đầu thành thạo hơn trong việc nhìn và dõi theo những các vật xung quanh.
4 tháng tuổi
Bé bắt đầu có nhận thức về độ sâu tuy nhiên, não của bé vẫn chưa thể xác định được chính xác vị trí, kích thước, hình dạng của vật nên thường thất bại mỗi khi cố gắng với và nắm lấy vật đó. Từ 4 tháng tuổi, bé bắt đầu có những phát triển về kĩ năng vận động cũng như bộ não của bé cũng đã có thể phối hợp được những cử động cần thiết khi bé muốn làm gì đó. Bố mẹ có thể giúp bé luyện tập kỹ năng thêm bằng cách để bé với, chụp lấy những con thú bông hay lục lạc.
5 tháng tuổi
Bé có những tiến bộ trong việc xác định những đồ vật nhỏ và dõi theo vật chuyển động. Bé thậm chí có thể nhận ra một vài vật dù chỉ nhìn thấy một phần của chúng. Đây là minh chứng của sự hiểu biết vừa chớm nở về sự hằng định của sự vật – nghĩa là bé nhận ra rằng vật vẫn ở đó cho dù hiện giờ bé không thể thấy được chúng. Đó là lí do vì sao bé rất thích chơi trò “ú òa” trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, bé còn có thể phân biệt được các màu màu sắc đậm tương tự nhau và sẽ tiếp tục tìm hiểu, học hỏi để có thể nhận biết được những sắc màu nhạt hơn.
8 tháng tuổi
Thị lực của bé đã dần hoàn chỉnh như một người trưởng thành. Tuy bé chỉ chú ý nhiều hơn đến những thứ ở gần mình, nhưng giai đoạn này mắt bé đã có thể nhận ra người và vật từ phía bên kia phòng. Màu mắt của bé đã ổn định, mặc dù sau này cũng có thể thay đổi chút ít.
Ảnh: Getty Images
Vai trò của bố mẹ
Bố mẹ cần theo dõi quá trình phát triển thị lực của bé, cũng như để bé được bác sĩ kiểm tra trong mỗi lần khám định kỳ. Bác sĩ sẽ giúp bé kiểm tra cấu trúc, liên kết và cả khả năng điều khiển chính xác của đôi mắt, qua đó có thể phát hiện sớm các vấn đề dị tật hoặc phát triển bất bình thường. Nếu trong gia đình bạn có người bị các vấn đề mắt nghiêm trọng (nhất là các triệu chứng phát hiện khi còn bé), hãy nói cho bác sĩ nghe vì đây sẽ là thông tin tham khảo khá hữu ích trong khi họ khám và chẩn đoán cho bé. Cần phát hiện và điều trị sớm những vấn đề của mắt vì có những bệnh sẽ rất khó hoặc không thể điều trị được khi bé quá tuổi.
Các nghiên cứu cho thấy bé rất thích nhìn vào khuôn mặt người hơn tất cả những đồ chơi, màu sắc hay hình ảnh khác. Vì thế để làm cho bé cảm thấy thân quen hơn với gương mặt của bố mẹ cũng như kích thích sự phát triển thị giác của bé, bố mẹ hãy nhớ dành nhiều thời gian để “mặt đối mặt” với bé nhé! Khoảng 1 tháng tuổi, hầu như tất cả mọi thứ bé nhìn thấy trước mắt đều khiến bé thích thú nên ở độ tuổi này bạn chỉ cần mua cho bé những món đồ chơi thật đơn giản mà thôi.
Bố mẹ chơi với bé bằng cách đung đưa lục lạc hoặc những món đồ chơi sắc màu qua lại trước mặt bé. Cách này giúp thu hút sự chú ý của trẻ, giúp bé tập chuyển động và sử dụng đôi mắt của mình. Có thể thử di chuyển lên xuống mặc dù phải đến 3-4 tháng tuổi thì bé mới có thể nhìn lên xuống một cách suôn sẻ được.
Bố mẹ cũng nên lưu ý xem những vật gì có thể khiến cho bé hứng thú, chẳng hạn như chiếc quạt trần, những chú chim ngoài vườn, hay những chiếc lá cây xào xạc đung đưa… Khuyến khích thị giác của bé với những gam màu cơ bản, như những món đồ chơi treo trên nôi, những bức tranh sắc màu treo ở gần chỗ bé nằm hoặc những cuốn truyện tranh thiếu nhi…
Khi nào cần lo lắng?
Các bác sĩ sẽ kiểm tra thị lực cho bé trong mỗi lần khám định kì. Tuy nhiên nếu trong quá trình chăm sóc bé, bạn có phát hiện những dấu hiệu bất ổn, bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ. Chẳng hạn như:
- Bé không nhìn theo vật (khuôn mặt bố mẹ, đồ chơi) với cả hai mắt khi bé đã 3-4 tháng tuổi;
- Bé gặp khó khăn khi di chuyển cả hai mắt;
- Tròng mắt bé chuyển động và không thể giữ yên;
- Mắt bé bị lé thường xuyên, hoặc một, hoặc cả hai mắt bé có xu hướng đưa ra ngoài/vào giữa;
- Con ngươi của bé xuất hiện màu trắng;
- Mắt bé có vẻ nhạy cảm với ánh sáng, thường xuyên bị khô hoặc chảy nước mắt.
Nếu bé nhà bạn bị sinh non, đặc biệt là sinh quá sớm, với tình trạng bị nhiễm trùng hoặc cần phải điều trị thở oxy, bé sẽ có khả năng rất lớn bị mắc các vấn đề ở mắt bao gồm: loạn thị, cận thị, bệnh võng mạc do sinh non (có thể dẫn đến mù lòa) và lác. Các bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng mắt cho bé cũng như giới thiệu những giải pháp khả thi để điều trị.