5 vấn đề về việc ăn uống của trẻ khiến bố mẹ đau đầu nhất
Cho bé ăn là một việc quan trọng đối với mọi bà mẹ, xoay quanh công việc tưởng chừng rất bình thường này lại có khá nhiều vấn đề làm đau đầu các bà mẹ. Dưới đây là 5 trong số các vấn đề như vậy cùng giải pháp từ các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em.
Bé nôn trớ
Độ tuổi phổ biến:mới sinh cho đến 6 tháng tuổi.
Giúp bé ợ trong và sau khi ăn sẽ giảm tình trạng nôn trớ của bé.
Ảnh: Corbis.
Hầu như mọi đứa trẻ đều nôn trớ. Tình trạng này thường xảy ra do hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện. Cơ vòng thực quản (cơ giữ cho thức ăn nằm lại trong dạ dày) của bé không đóng chặt như ở các bé lớn hơn. Kết quả là, bé thường xuyên bị trào ngược thức ăn đã nuốt vào, vì vậy mà các bé ở tuổi này luôn được đeo yếm sữa khi ăn và bố mẹ cũng bận thêm vì phải giặt giũ suốt ngày.
Thông thường, chuyện nôn trớ này chẳng có gì phải lo cả. Nếu bé vẫn tăng cân bình thường theo tiêu chuẩn và bác sĩ nhi khoa cho là bé vẫn phát triển tốt, tức là bé vẫn được ăn đủ. Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy bé ăn tốt là số lượng tã bé thải ra mỗi ngày, vào khoảng 6-10 chiếc là tốt.
Để giảm nôn trớ, chỉ cho bé ăn khi bé tỏ ra đói, giữ bé ở tư thế dựng người lên trong lúc cho bú, và giúp bé ợ thường xuyên trong bữa ăn. Một cách khác là giữ bé ngồi thẳng trong khi ăn và hạn chế di chuyển hay rung lắc bé trong vòng nửa giờ sau khi ăn.
Đôi khi nôn trớ nhiều trở nên nghiêm trọng hơn là một sự phiền toái. Nếu bé không tăng cân, khóc nhiều, hóc nghẹn, hoặc dường như bé rất đau, đó có thể là một vấn đề nghiêm trọng có tên gọi là chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD) – bác sĩ có thể chẩn đoán dựa trên biểu đồ tăng trưởng và tổng thể các triệu chứng. Nếu bé bị trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ có thể sẽ kê toa thuốc giảm axit cho bé. May thay, dù có bị trào ngược thực quản hay không, tình trạng nôn trớ này sẽ biến mất dần trong giai đoạn từ 6 tháng đến 1 tuổi.
Cho bé ăn dặm trong giai đoạn đang bú mẹ (hoặc bú bình)
Độ tuổi phổ biến: từ 4 đến 12 tháng tuổi.
Khi các bé bắt đầu bước vào giai đoạn tập ăn thô, chúng có thể bắt đầu bú ít hơn và giảm lượng sữa công thức hay sữa mẹ. Điều này khiến cha mẹ bối rối không biết dinh dưỡng của sữa hay của thức ăn là quan trọng hơn cho bé.
Đây quả là một vấn đề khó xử với các bà mẹ. Nhưng bất chấp thực tế là bé đã sẵn sàng để ăn thô hơn, sữa mẹ và sữa công thức vẫn là một phần rất quan trọng trong chế độ ăn của bé, đặc biệt là chất béo trong sữa rất cần cho sự phát triển não bộ và canxi giúp tạo răng và xương chắc khỏe. Bạn có thể từ từ giảm lượng sữa của bé mà vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé. Hãy theo sát con khi bé bắt đầu bước vào giai đoạn phân chia thức ăn dạng lỏng và thô, nếu bé vẫn phát triển khỏe mạnh với tỷ lệ bạn cho bé ăn, chẳng có việc gì mà bạn phải lo lắng nữa cả.
Vậy cho bé bú trước hay ăn trước khi bé đói? Có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng các chuyên gia khuyến cáo bạn nên bắt đầu với việc cho bé bú sữa trước, dành thức ăn dặm cho kỳ giữa và sau cùng cho bé bú lại để tráng miệng. Lý do cho việc này là khi đói bé có thể không tập trung xử lý thức ăn rắn trong miệng được và có thể sẽ từ chối nó.
Dưới đây là một số thông tin hướng dẫn giúp bạn xác định được tỷ lệ giữa sữa và thức ăn dặm hàng ngày cho bé. (Ghi chú: mỗi khẩu phần thức ăn trung bình của bé thường chứa 35-50 kcal).
6 tháng tuổi
- ≤ 100 kcal từ thức ăn.
- 50 – 150 phút bú mẹ; 800 – 1100 ml sữa công thức.
9 tháng tuổi
- 200 – 300 kcal thức ăn.
- 40 – 120 phút bú mẹ; 700 – 1000 ml sữa công thức.
12 tháng tuổi:
- 300 – 500 kcal thức ăn.
- 10 – 90 phút bú mẹ; 600 – 900 ml sữa công thức.
Bé không ngồi yên cả ngày để ăn cho ra bữa
Độ tuổi phổ biến:10 tháng tuổi đến 2 tuổi.
Những em bé tuổi biết bò lúc nào cũng luôn tay luôn chân và quá bận rộn
để ăn một bữa cho ra bữa. Ảnh: Corbis.
Không gì thú vị đối với một em bé hơn việc khám phá ra rằng bé có thể tự di chuyển, vì thế hầu hết các bé tuổi biết bò sẽ loay hoay và bò lổm ngổm cả ngày hơn là chịu ngồi yên để ăn. Và dạ dày của các bé lứa tuổi này khá nhỏ, nên nên bé cần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để nhận đủ calo bé cần cho hoạt động của mình. Nhưng, thật khó để cung cấp thức ăn tốt cho một em bé hiếu động không chịu ngồi yên, bởi vì những bữa ăn tĩnh thường cung cấp nhiều dinh dưỡng hơn những món ăn vặt. Nếu bạn có một “siêu quậy” tuổi này, hãy chuẩn bị thức ăn vặt cho bé như bạn làm một bữa lớn, với lượng dinh dưỡng tương đương chứ không phải chạy theo bé cho ăn được bao nhiêu thì cho. Các thức ăn vật giàu vitamin và khoáng chất là những lựa chọn tốt cho các bé ở tuổi này, ví dụ chuối cắt hay phô-mai miếng.
Cũng nên nhớ rằng không bao giờ là quá sớm để tập thói quen ăn uống lành mạnh. Các chuyên gia khuyên bạn nên giữ cho bé ngồi yên ăn cùng gia đình ít nhất một bữa trong ngày. Đừng thỏa hiệp, hãy tiếp tục giữ “siêu quậy” vào ghế ăn trong vài phút mỗi lần. Đến khi bé được 2 tuổi, bạn hãy giữ bé ở bàn ăn lâu hơn và giảm số lần ăn vặt xuống còn 2 bữa mỗi ngày đồng thời với việc cho bé được lựa chọn nhiều hơn trong giờ ăn.
Bé ăn rất nhiều trong một ngày rồi không ăn ngày tiếp đó.
Độ tuổi phổ biến: 12 tháng tuổi đến 3 tuổi.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, điều này không có gì lo lắng cả. Phần lớn trẻ em có bản năng tốt hơn người lớn trong việc kiểm soát cơn đói. Trong khi người lớn thường ăn vì thức ăn ở trước mặt họ hay vì họ chán nản, một đứa trẻ có ý thức tốt hơn nhiều về sự ngon miệng của chúng. Thêm nữa, giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt ở khoảng 2- 3 tuổi có thể khiến bé ăn uống có vẻ không được điều độ lắm. Nhu cầu ăn uống của bé sẽ tăng giảm theo sức lớn của bé. Kết luận ở đây là gì? Đừng áp đặt ý muốn của bạn để bắt bé ăn theo ý mình.
Hãy đặt ra một giới hạn thời gian hợp lý cho bữa ăn của bé, và áp dụng như thế. Bạn cần đảm bảo rằng bé không nạp tất cả nhu cầu năng lượng qua đường uống; quá nhiều sữa và nước trái cây có thể làm mất cảm giác ngon miệng của bé với thức ăn. Khoảng 100 – 120ml nước trái cây mỗi ngày là đủ. Để cai thói quen uống nước trái cây cả ngày, hãy pha loãng dần cho đến khi bé có thể hoàn toàn uống nước lọc mỗi khi thấy khát. Điều quan trọng là trẻ em cần được nạp đủ lượng dinh dưỡng mà các chế phẩm sữa cung cấp, nhưng không phải hoản toàn từ sữa. Trẻ độ tuổi này cần khoảng 2 chén chế phẩm sữa mỗi ngày, và bạn có thể cho bé ăn thêm sữa chua như một phần của chế độ ăn.
Bé kén ăn
Đôi khi, những đữa trẻ sẽ có một vài món ăn yêu thích và không chịu ăn món gì khác. Chuyện sống chỉ bằng một loại thức ăn là không thể với người lớn, nhưng với trẻ con, điều này cũng tương tự như một khóa học. Bé lúc này đã có khả năng hiểu biết, việc ăn uống cũng giống như một cách để cảm thấy thoải mái. Chỉ ăn một loại thức ăn và từ chối các loại khác cũng là cách các bẻ kiểm tra giới hạn với cha mẹ.
Hãy cố gắng đừng tỏ ra sốt ruột quá; điều này có thể khiến bé sử dụng thức ăn như một cách gây chú ý. Nếu bạn lo ngại điều gì, hãy ghi lại nhật ký ăn uống của con trong khoảng 1-2 tuần và cho bác sĩ nhi của bé xem liệu bé đã ăn đủ hay chưa.
Miễn là bé phát triển bình thường, không có gì nguy hại với một chế độ ăn hạn chế tạm thời. Nhưng để bé có thể nhận được chất dinh dưỡng phong phú hơn, viên bổ sung đa sinh tố hàng ngày có thể là một giải pháp. Và với phương pháp không gây áp lực với bé, bạn hãy tiếp tục cho bé thêm những món ăn mới vào bát của bé cùng với món cũ yêu thích, cả khi bé không thèm đụng đến. Sự tò mò tự nhiên của trẻ con rồi sẽ thôi thúc bé nếm thử món mới thôi.