Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, nhiều điều luật về việc sử dụng mạng xã hội vừa được đặt ra. Trong đó quy định đăng ảnh người khác lên Facebook có thể bị phạt 20tr.

Ngày nay, mạng xã hội là công cụ rất phổ biến để mọi người chia sẻ thông tin, liên lạc với nhau. Tuy nhiên, cũng nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra trên đây, từ chuyện bị tiết lộ thông tin đời tư trái ý muốn cho tới bị lừa đảo chiếm đoạt tiền. Cho nên Chính phủ đã đưa ra Nghị định 15/2020, thay thế cho Nghị định 174/2013, để xử phạt vi phạm hành chính những hành động mang tính chất này đấy ạ.

hình ảnh

Ảnh: docbao, luattoanquoc

Đáng chú ý là điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định. Trong đây nói rằng thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với tổ chức. Còn cá nhân vi phạm thì sẽ bị phạt một nửa, tức 5-10 triệu đồng.

Do đó, bạn cần tránh tự ý đăng ảnh người khác lên Facebook nếu chưa được đồng ý. Dựa vào Điều 32 Bộ luật Dân sự, mỗi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình, ai muốn sử dụng hình ảnh đó thì phải được họ đồng ý. Đăng ảnh người khác lên Facebook bị phạt, vì thế bạn nên cẩn thận.

Ngoài ra, mức phạt 10-20 triệu đồng sẽ áp dụng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật; xúc phạm, vu khống danh dự, nhân phẩm người khác; chia sẻ thông tin, miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; chia sẻ thông tin đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia.

Cũng cùng mức phạt 10-20 triệu là những hành vi truy nhập, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép thông tin, hệ thống thông tin; Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng mạng, mức phạt trên cũng áp dụng cho việc cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bị cấm; Cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng…

Tiết lộ thông tin đời tư người khác sẽ bị phạt cũng là điều cần lưu ý. Bạn cần tránh lên mạng tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, vì sẽ bị phạt 20-30 triệu.

Giả mạo Facebook người khác lừa tiền bị phạt rất nặng. Cụ thể, việc giả mạo Facebook của người khác hay tổ chức khác, hoặc lợi dụng các phương tiện giao tiếp trực tuyến khác để lừa đảo sẽ bị phạt 30-50 triệu đồng nếu tài sản chiếm đoạt có giá trị dưới 2 triệu.

Theo Nghị định, các hành vi khác bị phạt tới 70-100 triệu đồng gồm có: Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2 triệu đồng; Thiết lập hệ thống, cung cấp dịch vụ chuyển cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi trong nước phục vụ cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2 triệu đồng; Trộm cắp hoặc sử dụng trái phép thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt, gây thiệt hại tài sản hoặc để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có trị giá dưới 2 triệu đồng.

Không chỉ nộp tiền phạt, mà tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Từ giờ ta có thể yên tâm hơn khi sử dụng mạng xã hội rồi nhỉ? Các bạn cũng nên cập nhật để tránh có hành vi vi phạm luật nhé.

Nguồn tham khảo: Zing