Giờ em mới biết có cái nghề bế heo rồi đứng lên cân đấy các mẹ ạ.
Ở Quảng Nam có một chợ heo tên Bà Rén. Có những người phụ nữ ở đây làm nghề rất lạ là bế heo rồi đứng lên cân. Cứ sáng sớm, họ lại phải ra chợ, không để mua hay bán heo, mà là để làm công việc bế heo từ lồng này sang lồng khác.
Ảnh: Đắc Thành
Có 5 người phụ nữ làm nghề bồng lợn ở cái chợ này, người có thâm niên ít nhất thì cũng đã 10 năm rồi. Mỗi lần bắt đầu công việc, họ lại đội nón, mặc bộ áo quần bảo hộ, đeo găng tay.
Tới chợ này, âm thanh quen thuộc là tiếng heo kêu, tiếng người trao đổi, trả giả. Một trong những công việc của nghề bế heo là mỗi khi có người gọi, người làm nghề phải gỡ dây rọ lồng, thò tay tóm gọn một chú heo, ôm chặt vào người và bế sang thả vào lồng của người mua. Đôi khi người ta phải làm nhanh tới mức 10 phút đã chuyển lồng xong 10 con heo.
Ngoài ra, nghề này còn bao gồm công việc bồng heo đưa lên cao để người mua ngắm nghía, kiểm tra. Sau khi thuận mua vừa bán, người làm nghề lại bế heo rồi đứng lên cái cân. Làm cách này, người mua và bán sẽ tính được trọng lượng con heo bằng cách trừ số cân nặng của người bồng heo. Sau đấy, người ta mới bắt đầu thoả thuận giá cả với nhau.
Sở dĩ phải cho người bồng heo đứng lên cân là bởi nếu muốn chỉ cân con heo thì phải buộc chân hoặc bỏ trong lồng, tốn nhiều thời gian hơn. Nhờ người bồng heo nhanh nhẹn, các thương lái sẽ có thêm thời gian để mua thêm heo.
Ảnh: Đắc Thành
Phiên chợ heo Bà Rén thường chỉ kéo dài 4 tiếng buổi sáng. Người làm nghề bế heo phải liên tục chạy từ chỗ này qua chỗ khác, làm sao để bế được càng nhiều heo càng tốt để kiếm được thêm tiền. Ý nghĩa công việc này là còn giúp cho những thương vụ mua bán heo diễn ra nhanh chóng hơn.
Sau khi phiên chợ kết thúc, người bế heo sẽ tới gặp thương lái để nhận tiền công. Mà tiền công thì tính ra khá bèo bọt. Nếu bế con heo dưới 10 kg thì được trả 500 đồng, còn heo trên 10 kg thì tính tiền công 1.000 đồng. Tần tảo nguyên buổi, người bế heo kiếm chưa đến 100.000 đồng.
Tiền công bèo bọt như vậy, thế nhưng mấy chục năm qua con số đó vẫn giữ nguyên. Làm xong buổi đó, những người phụ nữ này lại về nhà làm tiếp việc đồng áng mới đủ kiếm sống cho gia đình họ.
Đó là chưa kể người làm nghề bế heo hay bị mùi heo bám vào người, có tắm bằng gì cũng không bay được mùi. Khi mới vào làm, chưa có kinh nghiệm còn xảy ra nguy cơ làm con heo chạy sổng mất. Lúc đó, người làm nghề còn phải đền tiền nữa cơ.
Bà Nguyễn Thị Lâm, 60 tuổi, làm công việc này bày tỏ rằng nhìn nghề bế heo có vẻ đơn giản, nhưng thực tế cực khổ và nhiều rủi ro. Chẳng ai muốn gắn bó với nghề nhưng do cuộc sống khó khăn, tuổi họ cũng đã lớn nên không còn lựa chọn khác.
Thu nhập kiếm được từ chợ heo chỉ giúp người ta đi chợ, trả tiền điện nước được thôi chứ chả dư dả gì. Bà Lâm nói con bà đều khuyên bà hãy nghỉ công việc này.
Nguồn tham khảo: vnexpress