Đó là ‘bệnh viện’ nơi các ‘bác sĩ phẫu thuật’ sửa chữa chân tay bị mất, sơn lại mắt và gắn lại tóc trên những con búp bê được yêu thích nhất của Úc và New Zealand.
Bệnh viện búp bê ở Sydney đã phục hồi hơn ba triệu búp bê và gấu bông yêu quý trên khắp đất nước Úc trong hơn 100 năm. Geoff Chapman, 67 tuổi, có ông nội bắt đầu mở bệnh viện vào năm 1913, hiện Geoff vẫn tiếp tục công việc kinh doanh truyền thống của gia đình, tại đây phục hồi nhiều loại đồ chơi từ búp bê sứ và đồ cổ cho đến búp bê vải thông thường - với sự giúp đỡ của 12 nhân viên khác.
"Chúng tôi là một trong những người cuối cùng làm công việc này, có rất ít người có khả năng làm việc sửa chữa búp bê", ông Chapman nói với Reuters. “Chúng tôi đã gặp những khách hàng bật khóc khi nhìn thấy con búp bê quý giá hoặc gấu bông của họ trở nên tốt như mới.”
Bệnh viện lần đầu tiên được thành lập bởi Harold Chapman Senior khi một tai nạn vận chuyển đã khiến những sợi dây cao su giữ những con búp bê sứ nhập từ Nhật Bản bị bung ra, buộc Harold phải tìm cách sửa chữa số búp bê.
Công việc kinh doanh nở rộ từ đó, bùng nổ trong Thế chiến thứ hai khi những hạn chế đối với hàng hóa sản xuất và nhập khẩu khiến cho người ta khó mua búp bê mới, buộc những đứa trẻ phải sửa chữa búp bê chúng đang có thay vì mua lại.
Tại thời điểm này, bệnh viện có 70 nhân viên làm việc trên sáu phòng. Tuy nhiên, bây giờ, ông Chapman nói rằng phần lớn công việc của bệnh viện đến từ những khách hàng lớn tuổi với hy vọng khôi phục ký ức tuổi thơ của họ để truyền lại cho thế hệ trẻ.
“Khoảng 80% công việc của chúng tôi đến từ ‘những đứa trẻ lớn’”, ông nói. “Khi còn nhỏ, họ chỉ có thể có một con búp bê, không được mua búp bê mới mỗi khi bạn đi siêu thị như ngày hôm nay. Đó là lý do tại sao họ rất xúc động.”
“Khách có cả đàn ông và phụ nữ, rõ ràng nhiều phụ nữ muốn sửa chữa búp bê và gấu bông hơn, nhưng cũng có khá nhiều người đàn ông gắn bó với gấu bông.”
Kerry Stuart, người đã làm việc tại bệnh viện hơn 25 năm so sánh công việc của cô với bác sĩ phẫu thuật, đặc biệt là khi sửa búp bê làm từ vật liệu tinh tế dễ vỡ.
"Rất nhiều công cụ của chúng tôi giống như công cụ của bác sĩ phẫu thuật khi giải phẫu bệnh nhân người", cô nói. “Điểm khó sửa nhất là đôi mắt. Để làm cho chúng giống nhau rất khó khăn, vì vậy phải mất thời gian. Đôi khi tôi phải sửa mắt ba lần trước khi tôi hài lòng”, cô nói.
Nhưng với văn hóa tiêu dùng ngày nay, bệnh viện đang chứng kiến ngày càng ít khách đến nhờ sửa.
Tuy chỉ là nơi sửa chữa lại những món đồ chơi trẻ con, thế nhưng nhiều người cho biết xem loạt ảnh về ‘bệnh viện búp bê’ này mà thấy hơi 'nổi da gà'. Những con búp bê giơ cặp mắt vô hồn, tay chân ngổn ngang làm họ không khỏi liên tưởng tới những ý nghĩ rùng rợn như trong phim.
Nguồn tin; nguồn ảnh: dailymail