Tác giả: Rosie Nguyễn
“Bạn hối tiếc vì không nắm bắt lấy một cơ hội nào đó, chẳng có ai phải mất ngủ.
Tác giả Rosie Nguyễn là cô gái tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, trường Đại học Ngoại Thương, từng là học sinh chuyên văn với thành tích khủng trong suốt những năm học THPT.
Thực ra tôi biết tới cuốn sách này khá lâu rồi, nhưng chưa có dịp để đọc nó (nói văn vẻ là vậy chứ cắt nghĩa nó ra là lười… thế thôi) – sách này thì có bán trên Tiki và hầu hết các nhà sách, sách luôn nằm trong danh sách best seller của Tiki, và hiện tại cũng đang xếp thứ 3 – mãi tới hôm nay sau khi đã đọc xong cuốn Nền kinh tế tăng trưởng và sụp đổ như thế nào? tôi mới lại có hứng thú để tiếp tục đọc sách, lần này lại tự hứa với lòng mình rằng phải cố gắng đọc sách mỗi ngày, dù chỉ là mười trang đổ lại thôi cũng được.
Tổng quan thì sách có 2 phần là Tôi đã học như thế nào? và Học đi đôi với hành. Theo cảm nhận của mình thì lối viết của tác giả rất gần gũi và dễ đọc. Tuy nhiên tác giả lại quá lạm dụng việc trích dẫn, thậm chí tới mức khó chịu. Mình rất khó để tìm thấy dấu ấn của tác giả trong cuốn sách, mà thay vào đó tác giả lại mượn lời của những nhân vật nổi tiếng khác.
Đi vào nội dung, trong đó phần 1 với tiêu đề Tôi Đã Học Như Thế Nào? – tác giả kể lại quá trình học tập của mình cho đến khi quyết định trở thành một nhà văn, lồng ghép trong đó, tác giả chia sẽ những kinh nghiệm sống, những kiến thức về cuộc quý báu mà tác giả từng trải hay tác giả tích cóp được qua những cuốn sách khác cho các bạn trẻ tuổi mười tám đôi mươi (chứ không phải một kẻ 25-26 tuổi như tôi đâu).
Tác giả viết phần một cuốn sách này dường như thay lời “xám hối” của bản thân với tuổi trẻ, đồng thời cũng là lời nhắn gửi các bạn còn đang trong quãng thời gian thanh xuân ngắn ngủi của mình.
Xuyên suốt phần 1, tác giả nhắc rất nhiều tới việc đọc sách. Theo tác giả sách là cả thế giới hay nói theo cách của Jorge Luis Borges thì “Tôi luôn mường tượng rằng Thiên đường cũng từa tựa như một thư viện vậy”.
Ngoài lề chút, nhắc tới sách – thực ra tôi cũng rất thích sách. Nhưng trước giờ tôi lại rất ít đọc sách, thậm chí, tôi từng cảm thấy thấy sợ hãi với những cuốn sách chi chít chữ với chữ. Mãi cho đến khoảng năm 3 đại học, tôi bắt đầu đọc sách bằng một số truyện của bác Nguyễn Nhật Ánh, rồi từ từ qua hai cuốn của Tony Buổi Sáng, dần dà tới những cuốn sách có vẻ “kinh khủng” hơn như Chuyện Con Mèo Dạy Hải Âu Bay, Kẻ Trăn Trở, Nhà Giả Kim, Tiểu sử Steve Jobs, … tôi mới nhận ra một điều như vỡ òa rằng, tại sao mình không chịu đọc sách từ nhỏ… hay chí ít là từ những năm cấp ba nhỉ? Nếu vậy thì có lẽ bây giờ tôi đã khác rồi. Nghĩ là nghĩ thế thôi, tôi cũng mua kha khá sách, khá tới mức nhiều người còn nghĩ rằng tôi là một kẻ mọt sách luôn, nhưng đa số những cuốn sách tôi mua là cho người ta mượn hoặc đang được bọc ni lông và nằm trong hộp.
Quay lại “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”. Qua tới phần 2 “Học đi đôi với hành”, dường như tác giả lại dành sự ưu ái cho các bạn trẻ đang ngồi trên giảng đường đại học, sắp tốt nghiệp, đã tốt nghiệp hoặc đã đi làm.
Như một dòng thời gian, bước đầu tác giả chỉ cho chúng ta các cách để hiểu mình, rồi khai thác điểm mạnh, xây sân khấu riêng cho bản thân, tác giả giúp chúng ta xác định có nên theo đuổi đam mê trong nghề nghiệp hay không, hay là không quan trọng đam mê, mà hãy dốc hết tình yêu cho công việc. Rồi như một người làm việc “hướng ngành” (hướng ngành nó sẽ khác hướng nghiệp nha các bạn)…
Thậm chí tới cuối cùng, tác giả còn vẽ cho chúng ta một kế hoạch để nhảy việc, nghỉ việc nữa luôn.
ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI:
- Đọc sách thật nhiều, để mình không bị ngu đi.
- Không ngừng học hỏi.
- Tuổi trẻ rất ngắn, nên hãy cố gắng, phấn đấu, làm bất cứ thứ gì để sau này không phải nói “giá mà hồi đó“
- Tập lối sống lành mạnh, ngủ sớm, dậy sớm!
Tác giả: Đặng Chí Việt
Nguồn: Internet