Nếu người mà ta tôn kính là một bậc Thánh thật sự, với tâm hồn thanh tịnh, từ bi và vô ngã, thì ta càng kính ngưỡng vị đó bao nhiêu, cái phước của mình lại càng vượt trội lớn lao bấy nhiêu.

Đó là lý do chúng tôi hay nhắc mọi người hãy khởi lòng kính Phật tuyệt đối. Khi ta vừa tác ý trong tâm mình (mới tác ý thôi, chưa thành sự thật), rằng: “Con nguyện sẽ tôn kính Phật tuyệt đối" - ý niệm này vừa xuất hiện là chấn động ngay đến cõi trời, và tất cả những tội, nghiệp của mình từ vô lượng kiếp xưa được xét lại toàn bộ.

Như Lai thanh tịnh bao la


Con xin cúi xuống để mà kính thương...

Để thành tựu được lòng tôn kính Phật tuyệt đối, ta phải chứng Thánh quả Tu Đà Hoàn. Còn khi chưa chứng đạo, ta chỉ có thể tác ý tôn kính. Mỗi ngày kiên trì thực hành như vậy, cho đến khi tình cảm tôn kính Phật trong ta bắt đầu xuất hiện thực sự. Lúc này, hai ý niệm tự nhiên sẽ khởi lên: Thứ nhất là ta sẵn sàng hy sinh tính mạng vì Phật và thứ hai là ta sẽ chịu hình phạt khủng khiếp nếu ta phản bội Phật: thân này sẽ bị lửa đốt, dao đâm muôn triệu kiếp, không bao giờ thoát ra. Tự nhiên mình khởi lên lời thề độc, dù không ai ép buộc. Cả hai ý niệm này đều xuất phát từ sự tác ý tôn kính Phật sâu xa tuyệt đối ngay thuở ban đầu. Chính nhờ sự tác ý này mà tội phước của ta được sắp xếp lại toàn bộ trong vô lượng kiếp. Lạ lùng như vậy!

Trong vô lượng kiếp trước, chúng ta đều đã từng làm nhiều điều phước và cũng đã từng gây ra vô số lỗi lầm. Mỗi cái tội, mỗi cái phước đều đã có quả báo của nó, vẽ nên bức tranh đời sống vui khổ của ta ở những đời sau. Tuy nhiên, khi ta quỳ xuống trước Phật, tác ý tôn kính Phật tuyệt đối thì bất ngờ toàn bộ tội phước của mình từ ngàn kiếp xưa được bẻ cong lại. Ví dụ, trong một kiếp nào đó, ta lỡ gây nghiệp giết người, và nhân quả đã hình thành, đã sắp xếp cho đến ngày đó, tháng đó, khi đi qua đúng khúc quanh đó mình phải bị sát hại trở lại. Nhưng không ngờ trước đó mười năm ta đã quỳ xuống trước Phật, nguyện lòng tôn kính Phật tuyệt đối, cho nên nhân quả của mình được sắp xếp lại hết.

Khi con người đã khởi tâm kính Phật thì không thể bị chết thảm giữa đường được. Đó là người mà danh dự, phẩm giá luôn được tôn trọng, không bị khinh thường hay mắc nghiệp chết bờ chết bụi. Nhân quả của người đó đã được sắp xếp lại hết. Vì vậy, ngay cả khi tai nạn xảy ra, người đó vẫn không được quyền chết. Nhưng nếu không may vẫn phải chết, thì phải có người phát hiện, cấp cứu, đưa vào viện, đưa về nhà, đưa đến nơi có mọi người thương mến chung quanh rồi mới được quyền từ giã ra đi. Nghĩa là, người đó không được phép chết bờ chết bụi, chết mà không ai đi ngang dòm ngó, hay chỉ có manh chiếu sơ sài đắp ngang người, vì nhân quả của họ đã được sắp xếp lại toàn bộ. Khi đã quỳ xuống khởi lòng tôn kính Phật thì cái phúc đó đủ để khiến mọi chuyện trong cuộc đời bắt đầu thay đổi. Đây chỉ là một ví dụ rất nhỏ, thực tế còn nhiều điều vĩ đại và to lớn hơn được thành tựu từ tình cảm tôn kính Phật.


ST

hình ảnh