Ông Lê Văn Chìa ở huyện Trà Ôn dành khu vườn 1,8 ha của gia đình cho hàng nghìn con chim, cò, vạc sinh sống, xây rào, tuần tra bảo vệ chúng.

Trưa cuối tháng 8, mưa lất phất nhưng khu vườn của ông Chìa, 77 tuổi, tại xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, vẫn huyên náo bởi đàn chim đông đúc tụ tập, trú ngụ trên những tán cây, kiếm ăn dưới các mương nước.

Khu vườn của ông Lê Văn Chìa dành cho đàn chim sinh sống gần 20 năm qua. Ảnh: An Bình

Khu vườn của ông Lê Văn Chìa dành cho đàn chim sinh sống gần 20 năm qua. Ảnh: An Bình

Đội chiếc nón tai bèo, tay cầm gậy gỗ, lão nông với thân hình rắn chắc lặng lẽ "đi tuần" quanh vườn chim của mình. "Trời này rất có thể những người săn trộm nghĩ tôi nghỉ trưa nên lẻn vào vườn bắn chim đem bán hoặc ăn thịt", ông Chìa nói.

Khu vườn được bảo vệ bằng hai lớp hàng rào lưới sắt, cách nhau 2-6 m. Lớp rào bên trong chắc chắc, an toàn hơn, được cố định vào các trụ đá, cây to trong vườn. Lão nông tỉ mỉ kiểm tra, gia cố các điểm nối của lưới sắt của các vòng rào, những nơi thợ săn trộm hay lẻn vào gây hại cho đàn chim trong vườn.

Khoảng 25 năm trước, khu vườn rộng 1,8 ha, vòng ngoài được ông Chìa trồng dừa bao quanh, bên trong là các loại cây nhãn, măng cụt, dâu. Đến nay nhiều gốc cây nhãn, măng cụt to bằng thân người lớn, tán rộng hàng chục m2, còn dừa cao khoảng 20 m.

Vườn cây được canh tác theo hướng thân thiện với môi trường, tận dụng thủy triều, dẫn dụ các loài thiên địch có lợi, hạn chế tối đa phun thuốc trừ sâu, phân hóa học, không đưa cơ giới vào đào xới, bơm tác nước quy mô lớn, hạn chế người lạ ra vào. Vì thế trái cây thu hoạch được rất ngon với hương vị tự nhiên và luôn được thương lái mua giá cao.

"Thu nhập mảnh vườn mỗi tháng đủ trang trải cuộc sống gia đình gồm vợ chồng ông cùng ba người con trai và có dư chút đỉnh để dành", lão nông nói và cho biết khoảng năm 2005, trong những lần chăm sóc vườn, vợ chồng ông phát hiện đàn vạc hàng chục con về kiếm ăn, trú ngụ.

Chim cò tại khu vườn của ông Chìa. Ảnh: An Bình

Chim cò tại khu vườn của ông Chìa. Ảnh: An Bình

Vợ chồng ông thấy vui vì nghĩ là "đất lành chim đậu" nên giữ không gian tĩnh lặng tự nhiên cho đàn vạc sinh sống. Dần dà chúng làm tổ, sinh sôi nảy nở ngày càng đông. Nhiều loại chim cò khác cũng kéo về khu vườn này kiếm ăn, làm tổ và định cư luôn ở đây.

Đến giữa năm 2008, đàn chim trời lên đến cả nghìn con, nhiều lúc đậu, bay kín cả gốc vườn, kêu la huyên náo. Chúng bay nhảy làm rơi rụng bông, trái non các loại cây. Phân chim dính trên trái chín, khiến việc thu hoạch gặp khó khăn, phải ngâm nước rửa sạch, ảnh hưởng đến chất lượng, bán không được giá.

"Lúc này vợ tôi cảm thấy đàn chim càng nhiều gây phiền hà cho cuộc sống gia đình, còn bản thân tôi rất đắn đo", ông Chìa nói. Dù vậy vợ chồng ông chưa có hành động nào can thiệp vào không gian sống của chúng.

Vài hôm sau, cuộc họp gia đình diễn ra giữa vợ chồng ông cùng ba người con trai (đã có gia đình, lập nghiệp ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Bà Rịa – Vũng Tàu). "Các con về quan sát, tìm hiểu kỹ các loài chim trong khu vườn, cuộc sống của cha mẹ rồi thống nhất với vợ chồng tôi rằng 'hy sinh' khu vườn để bảo vệ đàn chim trời này", ông Chìa nói. Ba người con cam kết cùng nhau chu cấp cuộc sống cho ba mẹ.

Sau đó vợ ông chìa dành khoảng 60 triệu đồng tích góp mua lưới sắt làm hàng rào bao quanh khu vườn để bảo vệ đàn chim. Bên trong ông để cây trái, dây leo phát triển tự nhiên. Hàng ngày ông ra sông, vào đồng đặt lú, dớn bắt cá tép, ốc, cua về thả vào các mương nước trong vườn làm nguồn thức ăn cho đàn chim. Những lúc nạn săn bắt trộm chim hoành hành, ông dựng chòi bằng cây lá ngủ canh ngoài vườn.

"Một số người khi đó thấy việc làm của tôi, họ bảo khùng còn những đứa bắn trộm chim thì cười nhạo mỗi khi thấy tôi đi ngoài đường", ông Chìa nói.

Ông Chìa kiểm tra vết thương ở chân con chim cò ốc quý hiếm, nằm trong sách đỏ. Ảnh: An Bình

Ông Chìa kiểm tra vết thương ở chân con chim cò ốc quý hiếm, nằm trong sách đỏ. Ảnh: An Bình

Đàn chim kéo về khu vườn trú ngụ ngày càng đông, nạn săn bắn trộm cũng nhiều. Ông Chìa cùng một số người dân địa phương nhiều lần bắt được các thợ săn, báo chính quyền địa phương tịch thu phương tiện. Đối với các con chim còn sống khỏe mạnh, ông buộc họ thả lại vườn. Những con chim bị thương, ông đem về băng bó, chăm sóc đến khi lành lặn mới thả về tự nhiên.

Việc làm của ông lão này được nhiều người biết đến. Khoảng 5 năm trước, một mạnh thường quân ở Hà Nội sau khi đến tận nơi khảo sát vườn chim đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho ông Chìa làm thêm lớp hàng rào lưới sắt bên trong, cao hơn 2 m, khá chắc chắn. Nhờ đó đàn chim được bảo vệ an toàn hơn trước.

Năm 2022, vợ ông Chìa bệnh và qua đời. Một mình lão nông hàng ngày lủi thủi lo bảo vệ đàn chim trong vườn nhà. Khoảng một năm qua khu vườn chim quy tụ rất đông chim về sinh sống với số lượng khoảng 4.000 con. Trong đó, khoảng 2.000 chim vạc, 1.000 cò trắng, hàng trăm cò ốc.

Tỉnh Vĩnh Long ghi nhận tại vườn chim này có 33 loài thuộc 20 họ, 12 bộ. Trong đó, có ít nhất 13 cò ốc, 6 chim quắm đen, 130-135 cò ruồi, 80-120 cò trắng, 190-260 chim cốc đen, 600-625 chim vạc..

Hồi tháng 5, chính quyền tỉnh phê duyệt kế hoạch bảo vệ, mở rộng vườn chim của ông Chìa lên 5 ha, bằng ngân sách địa phương, nhằm phát triển quần thể chim quý, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn. Vườn chim sẽ được xây tháp canh, rào bảo vệ, gắn camera, phục vụ hoạt động du lịch nông thôn.

"Tôi rất mừng khi biết kế hoạch mở rộng, bảo vệ vườn chim và mong sớm được triển khai", ông Chìa nói và mong muốn còn nhiều sức khỏe để tiếp tục gắn bó, bảo vệ vườn chim quý này, nhằm góp phần bảo vệ động vật hoang dã.

https://vnexpress.net/lao-nong-mien-tay-gan-20-nam-cuu-mang-hang-nghin-chim-troi-4647434.html